Đăk Nông: Huyện bao che cho mỏ đá hành dân?

Thứ hai, ngày 08/07/2013 12:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần một năm qua, các hộ dân thôn 5, xã Đăk Sin, huyện Đăk R'lấp (Đăk Nông) phải kêu trời vì trạm nghiền đá của Thủy điện Đồng Nai 5 bóp nghẹt cây trồng, tra tấn người dân. Nhưng UBND huyện vẫn nói không ảnh hưởng gì, đồng thời còn kiểm điểm Phòng TNMT vì ra văn bản bảo vệ người dân trái thẩm quyền.
Bình luận 0

Cây trồng bị hỏng

Tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Việt Lĩnh - nhà cách mỏ đá 100m - cho biết: "Cà phê, hồ tiêu của chúng tôi giảm năng suất nặng nề do bụi đá bóp nghẹ. Trong nhà chỗ nào cũng có thể viết được chữ vì bụi phủ đầy, quét không xuể". Còn ông Vũ Văn An, hộ cùng thôn 5 kể khổ: "Bức xúc nhất là chủ tịch huyện ra văn bản cho phép trạm nghiền đá của Ban Quản lý dự án Thủy điện Đồng Nai 5 được hoạt động liên tục từ 4 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Trong khi đó chúng tôi là nông dân, 7 - 8 giờ tối phải đi ngủ để hôm sau có sức lao động, nhưng nhà cửa rung chuyển suốt cả ngày lẫn đêm như thế thì ngủ sao được. Con em chúng tôi thì học hành sa sút, mấy năm trước cháu nào cũng có giấy khen, năm học vừa rồi xuống hạng trung bình khá hết".

Theo phản ánh của các hộ thôn 5, ban đầu họ nhận được sự quan tâm của Phòng TNMT huyện Đăk R'lấp, UBND xã Đăk Sin. Sau khi kiểm tra, ngày 15.3, Phòng TNMT đã có trả lời thỏa đáng tại Văn bản số 06/CV- TNMT, trong đó khẳng định khoảng cách từ trạm nghiền đá đến hộ dân là không phù hợp, hệ thống đường nội bộ không được tưới nước thường xuyên, một số béc phun sương tại vị trí xả của băng chuyền bị hỏng làm bụi phát tán...

Trong khi mỏ đá gây ô nhiễm, gây hại cho người dân thì văn bản của UBND huyện Đăk R'lấp kết luận: "Các chỉ tiêu về môi trường tại trạm nghiền đá Thủy điện Đồng Nai 5 không ảnh hưởng đến sức khỏe và cây trồng của người dân, hộ dân nào cản trở sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Do vậy, Phòng TNMT yêu cầu trạm nghiền đá tạm ngừng hoạt động để khắc phục tình trạng này. Nhưng đáng tiếc là văn bản này không được UBND huyện thừa nhận, cán bộ Phòng TNMT bị kiểm điểm trách nhiệm. Cụ thể là ngày 5.4, ông Lê Văn Thị - Chủ tịch UBND huyện Đăk R'lấp - có Văn bản 141/UBND - NL cho rằng công văn của Phòng TNMT ban hành sai thẩm quyền. Cũng tại văn bản này, ông Thị kết luận: "Các chỉ tiêu về môi trường tại trạm nghiền đá Thủy điện Đồng Nai 5 không ảnh hưởng đến sức khỏe và cây trồng của người dân, hộ dân nào cản trở sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Phải bồi thường cho dân

Để bảo vệ cuộc sống của mình, một số hộ dân thường xuyên vào công trường ngăn cản việc nổ mìn, xay đá. Chị Hoàng Thị Hợi cho biết: "Có lần Công an huyện nhấc chị em lên xe thùng chở về huyện, đưa văn bản của chủ tịch huyện cho chúng tôi xem, bắt phải chấp hành". Ông Trần Bình Tiến - Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk R'lấp - giải thích sự có mặt thường xuyên của công an huyện, công an xã tại mỏ đá là do sợ người dân rơi xuống hầm đá nguy hiểm tính mạng.

Khi các hộ dân tiếp tục khiếu nại, UBND tỉnh Đăk Nông đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, giao Giám đốc Sở TNMT làm trưởng đoàn. Ngày 24.6, đoàn kiểm tra kết luận hoạt động của trạm nghiền đá gây ô nhiễm môi trường; về tiếng ồn, bụi, tác động đến cây trồng và sinh hoạt bình thường của các hộ dân liền kề. Đoàn kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án Thủy điện Đồng Nai 5 phải chấp hành nghiêm túc, đầy đủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác đá. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị thành lập tổ công tác đánh giá thiệt hại về diện tích, năng suất cây trồng làm cơ sở hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

Về chỗ ở, đoàn cũng đề nghị chủ mỏ đá phải hỗ trợ tiền cho người dân đi nơi khác thuê nhà ở trong suốt thời gian trạm nghiền đá hoạt động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem