"Đám cưới đặc biệt" tại nghĩa trang liệt sĩ sau nửa thế kỷ hy sinh

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ tư, ngày 27/07/2022 13:39 PM (GMT+7)
Sau nửa thế kỷ hy sinh, lời hẹn ước năm xưa của cặp đôi mới thành hiện thực, một đám cưới đặc biệt được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).
Bình luận 0

Từ lời ước hẹn của cô dân công hỏa tuyến với người chiến sĩ công an năm xưa

Về xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, chúng tôi nghe kể câu chuyện về một đám cưới đặc biệt, đám cưới của hai dân công hỏa tuyến đã ngã xuống từ lời hẹn ước nên vợ, nên chồng nửa thế kỷ trước. 

Đám cưới ấy được tổ chức cách đây hơn 3 tháng trước tại nghĩa trang liệt sĩ, để tác thành cho liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và Đặng Văn Cự. Sau đó, hai bên thông gia vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi nhau. Câu chuyện ấy khiến nhiều người xúc động.

Xúc động câu chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sỹ - Ảnh 1.

Hai bên gia đình tổ chức lễ cưới, hoàn thành lời hẹn ước cho liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và Đặng Văn Cự sau 50 năm hy sinh. Lễ cưới đặc biệt được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới.

Ông Nguyễn Hữu Tường (72 tuổi, trú tại xã Nam Sơn, em trai của liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn SN 1947) nhớ lại: "Năm 1968, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt, chị Diễn trong đội hình dân công hỏa tuyến của địa phương, có mặt khắp các trọng điểm đánh phá ác liệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sau đó, chị được bổ sung cho Công ty Đường sắt 769, vào xây dựng tuyến đường sắt vận tải, đoạn qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình". 

Bản thân ông Tường cũng nhập ngũ, thuộc biên chế lực lượng Công an vũ trang tỉnh Nghệ An (nay là lực lượng bộ đội biên phòng).

Cuối năm 1972, ông được thủ trưởng thông báo cho em về phép giải quyết việc gia đình. Linh tính điều không lành, ông Tường cuốc bộ xuyên đêm, vượt chặng đường hơn 20 cây số về nhà.

Vừa về đến nhà thì ông thấy mẹ mình đang khóc. Giấy báo tử của người chị gái vừa được gửi về nhà. Trong giấy ghi chị là tử sĩ, mất trên sông Đò Vàng, thuộc địa bàn xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 29/12/1972, nhằm 24/11 âm lịch.

Xúc động câu chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sỹ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Tường nhớ lại những ngày tháng đi tìm phần mộ liệt sĩ của chị gái mình.

Sau này, tình cờ ông Tường đọc được bức thư chị gái gửi về cho mẹ. Trong thư chị Diễn thông báo tình hình sức khỏe, công việc và cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ đã nảy sinh tình cảm với anh Đặng Văn Cự, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Cả hai dự định qua Tết sẽ về phép và báo cáo gia đình 2 bên để xin phép tổ chức.

Nhưng dự định không thành cả hai hy sinh, an táng cạnh nhau ở bên sông Đò Vàng, sau này được cất bốc, đưa về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới, hai phần mộ cũng được bố trí cạnh nhau".

Nay đã thành hiện thực

Năm 1994, ông Tường mới có thời gian đi tìm mộ chị gái. Phải mất 3 chuyến đi, với sự giúp đỡ của nhiều người và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình, cuối cùng, ông cũng tìm được nơi chị gái mình đang yên nghỉ.

Sau đó, ông Tường làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với chị Nguyễn Thị Diễn. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký quyết định công nhận liệt sĩ và trao Bằng Tổ Quốc ghi công đối với liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn.

Xúc động câu chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sỹ - Ảnh 3.

Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn người đã hi sinh cách đây 50 năm.

Trong khi đó, do giấy báo tử bị thất lạc nên gia đình không biết anh Đặng Văn Cự được an táng ở đâu. Đầu năm 2022, thông qua hình ảnh về phần mộ được đăng tải trên một website về liệt sĩ, đối chiếu thông tin danh tính, năm sinh, quê quán, đơn vị, gia đình mới biết anh Cự đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới. 

Cũng lúc này, người thân mới biết về câu chuyện tình yêu của anh Cự và cô dân công hỏa tuyến xứ Nghệ Nguyễn Thị Diễn. Thông tin được khớp nối, hai gia đình đi đến thống nhất: Tổ chức đám cưới, hoàn thành ước nguyện đang dang dở của anh Đặng Văn Cự và chị Nguyễn Thị Diễn.

Ngày 3/4 vừa qua, đoàn nhà trai từ Bắc Giang cùng gạo, gà, trầu cau, bánh phu thê... vào Nghệ An. Mọi công đoạn được thực hiện đúng nghi thức và phong tục truyền thống của một đám cưới bình thường, chỉ khác rằng, cô dâu, chú rể không thể hiện diện...

Xúc động câu chuyện về một đám cưới đặc biệt giữa nghĩa trang liệt sỹ - Ảnh 4.

Ông Tường bên những kỷ vật của người chị gái liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn.

Sau lễ ăn hỏi tại nhà cô dâu, hai họ bắt đầu hành trình vào Quảng Bình. Đoàn cử hành hôn lễ có thêm những người con xứ Quảng đã thay mặt gia đình chăm sóc, hương khói 2 phần mộ và người tiếp sức, hỗ trợ ông Tường trong hành trình tìm mộ chị gái mình - những người nay đã trở thành người thân trong gia đình họ.

Thắp hương ở đài tưởng niệm chung các liệt sĩ, hai họ chính thức tổ chức lễ cưới cho cô dâu Nguyễn Thị Diễn và chú rể Đặng Văn Cự bên phần mộ của hai người.

Hoàn thành lễ cưới tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đồng Hới, gia đình nhà trai mời nhà gái ra Bắc Giang để tham dự lễ cưới tại nhà thờ của dòng họ. Ngoài việc thông báo cho tổ tiên, các bậc tiền nhân và con cháu về sự kiện đặc biệt này, còn là nghi thức nhập họ cho con dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. "Trong gia phả của dòng họ, chú Cự được ghi "qua đời khi còn trẻ, chưa có vợ con". Nay bên cạnh tên chú đã có thêm dòng chữ "Vợ: Nguyễn Thị Diễn".

Do giấy báo tử bị thất lạc, phần mộ mới tìm thấy, nên đến nay, anh Đặng Văn Cự chưa được công nhận là liệt sĩ. Hiện, gia đình đang hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng công nhận anh Đặng Văn Cự là liệt sĩ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem