Đầm Dơi (Cà Mau): Dân bức xúc chuyện “qua sông lụy phà”

Hoàng Hạnh Thứ tư, ngày 20/08/2014 06:00 AM (GMT+7)
Huyện Đầm Dơi chỉ cách trung tâm TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) hơn 20km nhưng được gọi là “ốc đảo”, vì bao đời nay người dân chịu cảnh “qua sông lụy phà”.  
Bình luận 0

Đầm Dơi cũng là huyện duy nhất của tỉnh Cà Mau có cả 2 điểm kết nối đường bộ huyết mạch đều phải lụy phà (phà Hòa Trung 1 qua sông Bảy Háp hoặc Hòa Trung 2 qua sông Gành Hào).

Thiệt dân...

Điều khiến dư luận địa phương bức xúc là tại sao tỉnh chậm chạp trong việc xây cầu. Theo người dân, tiền phí thu về từ việc đưa phà đối với hàng ngàn phương tiện mỗi ngày trong một năm tại đây có thể xây được hơn một chiếc cầu theo hình thức BOT. Vậy nếu tính từ năm 2011 (thời điểm tuyến đường Cà Mau – Đầm Dơi được đưa vào sử dụng – PV) đến nay thì các doanh nghiệp đưa phà đã thu nguồn lợi lớn.

Một cán bộ công tác trong ngành GTVT tỉnh Cà Mau bức xúc: “Từ năm 2003, khi tuyến đường này mới khởi công, người dân và nhiều cán bộ đã đặt vấn đề phải xây dựng cầu Hoà Trung qua sông Bảy Háp để phát huy hết tiềm năng toàn tuyến đường và để thuận tiện cho việc đi lại. Song, nhu cầu bức xúc của nhân dân là thế, ngành GTVT Cà Mau vẫn bỏ mặc, để các ông chủ doanh nghiệp đưa phà thu lợi nhuận bạc chục tỷ mỗi năm”.

Theo báo cáo giám định xã hội hiệu quả “Dự án xây dựng đường ô tô về trung tâm xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi” thì trên tuyến đường bộ Cà Mau - Ðầm Dơi hàng ngày các loại xe lưu thông quy đổi ra xe ô tô con là trên 2.000 chiếc, với khoảng 10.000 lượt người đi về. Như vậy, nếu căn cứ theo bảng cước phí qua phà tại 2 bến phà Hòa Trung 1 và Hòa Trung 2 (15.000đ/ô tô con) thì mỗi ngày doanh nghiệp tư nhân đưa phà tại 2 bến phà này thu về khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, Nhà nước chỉ thu về đúng 1 tỷ đồng/năm của 2 bến phà (tương đương 1 tháng đưa phà của doanh nghiệp). Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 bến phà này do Ban quản lý Bến xe tàu Cà Mau điều hành và thực hiện cơ chế khoán, ăn chia theo tỷ lệ Ban quản lý 35% và chủ phương tiện 65%.

Mập mờ lý giải

Vấn đề bức xúc của người dân trong việc xây cầu nối liền tuyến đường bộ Cà Mau – Đầm Dơi làm “nóng” nghị trường tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Cà Mau khóa VIII, ngày 8.7 vừa qua. Đại biểu Nguyễn Sơn Ca hỏi Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau rằng: Tại sao việc khai thác các bến phà nói trên không thực hiện theo cơ chế đấu thầu mà lại thực hiện theo cơ chế khoán? Đại biểu Lê Thị Nhung cũng hỏi Giám đốc Sở GTVT: Tại sao ngành GTVT tỉnh từng nói cầu Hoà Trung 1 bắc qua sông Bảy Háp sẽ được khởi công vào quý I.2014, nhưng đến nay đã quý III.2014 mà dự án vẫn chưa thực hiện, dự án cầu Hòa Trung 2 bắc qua sông Gành Hào cũng chưa được triển khai…?

Trước hàng loạt vấn đề các đại biểu đặt ra, ông Dương Hoài Nam - Giám đốc Sở GTVT Cà Mau khẳng định cách ăn chia này là phù hợp. Ông Nam giải thích: “Do trước đây lưu lượng xe chưa cao, vốn đầu tư phà, máy ủi cao hơn phí bảo trì bến bãi nên phải áp dụng cơ chế ăn chia như thế”.

Ông Nam cho biết, cầu Hòa Trung 1 bắc qua sông Bảy Háp đã được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng theo hình thức BOT, đã ký hợp đồng với nhà đầu tư nhưng do còn vướng một số vấn đề nên chưa thi công được. Còn việc chậm trễ tại cầu Hòa Trung 2, thì ông Nam lại nói vướng… kinh phí.

  Trao đổi với phóng viên, ông Tô Hoàng Đông - Trưởng ban điều hành Bến xe tàu Cà Mau nói: “Phà này có từ ngày xưa để lại, mặc dù đường bến là của Nhà nước nhưng phà do các doanh nghiệp đưa từ trước rồi nên bây giờ lấy lại kỳ lắm, vì đây là vấn đề “tế nhị”. Mặt khác nếu để lại cho Ban quản lý (bố trí ca, lực lượng…) thì mỗi năm ngành lỗ khoảng 2 tỷ, việc này có trình UBND tỉnh rồi, nhưng tỉnh không chịu”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem