Cái tâm của người làm chè sạch
Bên đồi chè xanh sau nhà, anh Huy kể, ai lớn lên ở xã Bắc Sơn cũng biết đến cây chè, từng nếm qua hương vị chè. Đi bán chè nhiều, anh Huy thấy không chỉ khách hàng ở Hà Nội mà còn có nhiều thương lái ở các tỉnh lân cận cũng tìm về chợ phiên quê anh mua chè với số lượng lớn. “Chè quê mình rất ngon nhưng vì chưa có tiêu chuẩn, thương hiệu nên giá bán quá thấp so với công sức người dân bỏ ra. Có những thời điểm người dân Bắc Sơn chán cây chè vì thu nhập không đủ nuôi sống gia đình” - anh Huy nhớ lại.
Ngoài trồng và chế biến chè sạch, anh Nguyễn Quang Huy còn chú trọng khâu đóng gói, hút chân không bằng bao bì và nhãn mác đẹp cho sản phẩm của mình. Ảnh: T.H
Người xưa có câu “mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng”. Tôi và các thành viên trong HTX đều bảo nhau rằng, muốn giữ được các mối mua hàng thì chè của mình phải ngon, sạch, có uy tín dài lâu”.
Anh Nguyễn Quang Huy
|
Đi đến nhiều vùng chuyên canh chè khác, thấy người ta làm chè sạch đem lại giá trị cao, anh Huy đã tự tìm hiểu và học hỏi cách làm. Khát vọng xây dựng thương hiệu chè sạch Bắc Sơn luôn đau đáu trong tâm trí anh. May mắn, năm 2010, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mô hình trồng chè an toàn ở xã Bắc Sơn ra đời. Anh Huy là hộ đầu tiên ở xã thử nghiệm mô hình. Đến năm 2012, anh Huy cũng là người đầu tiên áp dụng mô hình trồng chè VietGAP ở xã Bắc Sơn.
Anh Huy cho biết, trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải thực hiện theo những quy trình bắt buộc, tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh. Người trồng chè phải thành thục khi nhận diện các loại sâu, bệnh, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Ngoài ra, anh còn phải ghi chép nhật ký, ghi quy trình chăm sóc chè. Sau 1 năm, cây chè được chăm sóc đúng quy trình mới đảm bảo tiêu chuẩn.
“Trồng chè sạch thôi chưa đủ, khâu chế biến, sản xuất và bảo quản chè cũng phải sạch nữa. Khi sao chè cũng phải cẩn thận từng khâu để đảm bảo chè khô, nhưng hương vị vẫn được giữ nguyên. Quá trình điều chỉnh lửa khi sao là cả 1 nghệ thuật bởi nếu quá nhiệt, chè bị khét, còn nếu không đủ nhiệt, mùi chè sẽ bị ngái. Sau khi sao, chè búp đều phải săn cánh và cong như móc câu” - anh Huy thổ lộ.
Liên kết các hộ trồng chè sạch
“Làm chè sạch vất vả hơn so với cách làm truyền thống, nhưng có 2 cái lợi là: Thu nhập trên cùng 1 diện tích chè được tăng lên và sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng đều được đảm bảo. Nếu như trước đây 1kg chè chỉ có giá 70.000 – 80.000 đồng là cao, thì nay lên đến 150.000 – 400.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với cách làm truyền thống. Với 2ha trồng chè VietGAP, mỗi năm gia đình tôi xuất bán ra thị trường hơn 2 tấn chè sạch, thu nhập sau khi trừ chi phí lên đến 400 triệu đồng/năm” - anh Huy chia sẻ.
Làm chè sạch, gia đình anh Huy thu lãi 400 triệu đồng/năm. Ảnh: T.H
Không chỉ làm chè sạch giỏi anh Huy còn tích cực vận động, hướng dẫn các hộ cùng liên kết trồng chè sạch. Nhiều năm nay, anh Huy đều hướng dẫn bà con từ cách chăm bón chè đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng đến bí quyết cẩn thận, tỉ mẩn hái chè bằng tay từng búp “1 tôm, 2 lá”. Đến nay, toàn xã Bắc Sơn có 60 hộ tham gia trồng với tổng diện tích hơn 40ha chè VietGAP.
Nhận xét về hội viên của mình, ông Nguyễn Hữu Hồng – Chủ tịch Hội ND xã Bắc Sơn cho biết, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cây chè, năm 2012 Hội ND xã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn. Anh Nguyễn Quang Huy là một trong những xã viên hoạt động tích cực nhất trong HTX. Cuối năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được công nhận. Sản phẩm chè Bắc Sơn được nhiều người biết đến là một sản phẩm có chất lượng cao”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.