Giúp nhà nông sản xuất chè ngon, sạch

An Vũ Thứ bảy, ngày 11/06/2016 07:00 AM (GMT+7)
Sáng 10.6, tại Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Các giải pháp sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng”.
Bình luận 0

 Diễn đàn nhằm đưa ra các giải pháp để sản xuất chè vừa có chất lượng cao, giá trị tăng và vừa đảm bảo an toàn.

Khó khăn sản xuất an toàn

Đại diện Cục Trồng trọt cho hay đến năm 2015, diện tích chè cả nước đạt 134.000ha, sản lượng đạt gần 1.000 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, diện tích sản xuất chè VietGAP an toàn chỉ mới đạt 4.000ha, giảm so với những năm trước. Đa phần nông dân tham gia chưa nhiều, chưa sâu vào sản xuất chè VietGAP bởi suy nghĩ quy trình này phức tạp. Địa phương còn chưa quan tâm sát sao với quy trình sản xuất chè của nông dân, đồng hành cùng họ trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

img

Ông Phan Huy Thông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: An Vũ

Tại diễn đàn, nông dân Ngô Thị Vân đến từ xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên) chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP,  cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn chè thành phẩm/năm. Các sản phẩm chè của gia đình luôn đảm bảo chất lượng  ngon, sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm; doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 -15 lao động. Dù vậy, chúng tôi cũng gặp khó khăn là thời hạn của chứng nhận VietGAP cho sản phẩm chè chỉ được có 1 năm, chi phí kiểm tra, đánh giá cũng khá cao, nhiều thủ tục rắc rối”.

"Cục đã xây dựng được nhiều mô hình tổ dịch vụ BVTV tập trung triển khai kỹ năng sử dụng thuốc BVTV cho cây chè theo nguyên tắc 4 đúng. Cục sẽ tham mưu cho Bộ để có thể lựa chọn được loại thuốc tốt nhất cho cây chè để phun cuốn chiếu, không tràn lan”.

Ông Nguyễn Quý Dương

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ NNPTNT cũng nói rõ thêm về những bức xúc của bà con nông dân: “Khi tới cửa hàng mua thuốc BVTV, người ta tư vấn và bán thuốc nào thì bà con biết thuốc đó, rồi trộn hỗn hợp không theo tiêu chuẩn dẫn đến khi sử dụng cho cây chè đã phát sinh một số bệnh rất khó chữa. Không những thế, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại thuốc BTVT trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Lực lượng quản lý thuốc BVTV tại địa phương, có chi cục chỉ có 1-2 người, lực lượng mỏng không thể kịp thanh tra, quản lý”.

Ông Dương cũng cho hay, vấn đề an toàn thực phẩm ở sản xuất chè rất bức xúc hiện nay, cần có giải pháp tổ chức lại sản xuất để có sản phẩm an toàn. Hiện vai trò của doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, nếu họ không đầu tư vào vùng nguyên liệu, không liên kết thì rất khó để nông dân sản xuất lâu dài, dù sản phẩm của bà con nông dân là sản phẩm an toàn.

Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá: “Cây chè là cây cứu đói, thoát nghèo cho bà con nông dân, có những sản phẩm chè ngon, sạch bán giá tiền triệu/kg. Tại sao cứ phải chạy theo chè phẩm cấp thấp thuần túy, chúng ta có nhiều khả năng làm chè phẩm cấp cao để có thu nhập tăng. Quan trọng là chúng ta cùng liên kết làm, cũng hỗ trợ nhau, làm tốt vai trò trong từng khâu sản xuất thì sẽ cho giá trị sản phẩm tăng”.

Lựa chọn thuốc BVTV tốt nhất cho cây chè

Tại diễn đàn, hầu hết các thắc mắc của người nông dân là quan tâm vấn đề sử dụng thuốc BVTV cho cây chè. Ông Phan Huy Thông khẳng định, sản xuất chè an toàn chính là bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Dùng thuốc BVTV là biện pháp bất đắc dĩ, bởi có thể tránh được dư lượng thành phần thuốc ít đi bao nhiêu thì sẽ tốt cho người tiêu dùng bấy nhiêu. Chè ngon phải là ưu tiên hàng đầu, sau đó cần quan tâm đến mẫu mã, bao bì, quảng bá, xúc tiến thương mại. Hình thức quảng bá, xây dựng thương hiệu không chỉ ở Thái Nguyên mà còn ở các vùng chè nhiều tỉnh khác.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quý Dương cho hay: “Tại các vùng trồng chè còn trồng các loại cây khác như lúa, rau màu, cây ăn quả khác, nên sử dụng thuốc BVTV rất quan trọng để không ảnh hưởng gây ra tác dụng phụ”.

Chị Hứa Thị Nhiều ở xã Sơn Phú, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) cho biết: “Để có được 1 tạ chè khô/lứa, tôi phải phun hết 200.000-300.000 tiền thuốc BVTV. Mỗi lần mua thuốc tôi đều chỉ mua ở cửa hàng tại địa phương và họ hướng dẫn cách phun. Cũng có đợt sâu kéo dài, thuốc họ bán cho khi phun cũng không có hiệu quả nên cũng thiệt hại. Tôi rất mong có thể được hỗ trợ về giá thuốc để không quá cao, không độc hại, cây không nhờn thuốc”.

Cũng chia sẻ tại diễn đàn, ông Nông Xuân Bắc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho hay: Trong 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu giống mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất chè xanh. Đến nay, diện tích chè giống mới đạt 14.000ha (65% tổng diện tích toàn tỉnh), giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè nhằm tạo ra giá trị thu nhập và giá trị gia tăng sản phẩm. Nội dung chính tập trung vào chuyển đổi cơ cấu giống, đưa vào giống có chất lượng cao, đẩy mạnh diện tích chè sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh chế biến chè để xuất khẩu, sản xuất chè công nghiệp cũng gắn với du lịch sinh thái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem