Dân bản no thì doanh nghiệp cũng no

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 09/09/2014 05:07 AM (GMT+7)
“Dân bản chúng tôi còn nghèo lắm. Nếu không có các doanh nghiệp giúp đỡ về việc làm, cách làm tốt để tăng thu nhập thì cuộc sống rất khó khăn” - anh Lò Văn Khôn ở bản Bó, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn (Sơn La) tâm sự.
Bình luận 0

Thu nhập 300.000 đồng/ngày

Gần 12 giờ trưa, một nhóm nông dân đang làm thuê trong xưởng sơ chế ngô giống của Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) mới tạm nghỉ để ăn bữa trưa ngay bên trong nhà hội trường của doanh nghiệp này. Anh Lò Văn Hiêng là trưởng nhóm cho biết: “Việc làm của chúng tôi cũng khá đơn giản, chỉ việc đưa ngô nguyên bắp vào sấy rồi tẽ hạt, sàng phân loại ngô rồi đóng bao. Việc này chúng tôi đã được cán bộ hướng dẫn nhiều rồi. Hàng trăm nông dân ở đây cũng được hướng dẫn những kỹ thuật ấy và đã nhiều năm qua là lao động hợp đồng thời vụ cho công ty”.

Anh Thào A Châu - dân bản Noong Chạy, xã Mường Chùm (Mường La) cùng dân ở các bản khác về làm hợp đồng tẽ ngô cho công ty cho biết: “Nếu ở Sơn La có mấy cái công ty quan tâm tới đời sống người dân như Công ty Chiềng Sung này thì dân chúng tôi bớt khổ. Nhiều năm qua, người Mông, người Thái ở đây đã được công ty nâng đỡ, tạo việc làm, giúp giống, vốn, kinh nghiệm nên cuộc sống bớt nhiều khó khăn. Ngoài việc hàng trăm lao động trong vùng được công ty tạo điều kiện tham gia sản xuất ngô giống để có thu nhập cao hơn so với trồng ngô thương phẩm thì chúng tôi còn được làm hợp đồng mùa vụ nữa. Mỗi mùa tẽ ngô kéo dài cả tháng, nếu tích cực thì được ngày công trị giá tới 300.000 đồng. Làm 1 tháng là lãi bằng trồng cả ha ngô thương phẩm”.

Chị Lò Thị Thiết ở bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung, thật thà nói: “Cái vụ tẽ ngô giống này trái với vụ ngô thương phẩm, vào đúng thời điểm nông nhàn nên nhiều người cũng muốn tham gia. Chỉ cần được làm chục ngày là đủ tiền sắm sách vở cho con vào năm học mới, có cả tiền sắm quà trung thu cho con trẻ nữa”.

Sẻ chia khó khăn với đồng bào


Anh Thào A Sùng 
Trưởng bản Noong Chạy
  Doanh nghiệp tốt là luôn biết những lúc khó khăn, lo cho dân có bát cơm, manh áo hàng ngày. Dân nghèo chúng tôi coi những doanh nghiệp như người thân của mình! 
Tôi đem những lời tâm sự của bà con kể lại với ông Lộc Mậu Triển - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, ông bảo: “Thực ra sử dụng nguồn lao động từ địa phương thì hiệu quả kinh tế không cao bằng thuê công nhân chuyên nghiệp. Nhưng chúng tôi xác định mình đứng chân trên địa bàn này, dân no ấm thì mình cũng no; dân đói khổ thì mình cũng khổ, bởi thế nên phải sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ là bà con các dân tộc, dù rằng mất nhiều công hướng dẫn, đào tạo, kiểm tra, đôn đốc”. Còn ông Đào Danh Thơm - Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Tuy hoạt động kinh doanh lấy lãi làm trọng nhưng truyền thống của chúng tôi là đồng hành cùng nông dân. Ngoài sản xuất kinh doanh thường xuyên, công ty còn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón, dụng cụ sản xuất, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả lao động cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh… Hiện chúng tôi là đơn vị sản xuất ngô giống lớn nhất ở miền núi phía Bắc”.

 

Đồng ý với những đánh giá trên, ông Nguyễn Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp Sơn La thổ lộ: Kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp ở vùng cao khó lắm và nếu cứ chỉ vì lợi nhuận thì khó mà tồn tại được. Dân nghèo, chưa hết năm đã hết tiền nên cứ vào vụ gieo trồng là cuống lên lo… Khi ấy nếu không chấp nhận bán chịu, bán trả chậm vật tư sản xuất cho bà con thì không thể kịp tiến độ sản xuất. Mà chậm tiến độ sản xuất ở vùng cao đồng nghĩa với mất mùa. “Chúng tôi năm nào cũng nợ đọng hàng tỷ đồng tiền banán giống, phân bón trong dân. Biết là thiệt nhưng chúng tôi vẫn sẻ chia với bà con” - ông Lâm nói vậy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem