Tin vui từ chính sách
Từ 1/3/2014 sẽ bãi bỏ khoản 3 điều 8 của thông tư 46/2012 của bộ GTVT về việc bắt buộc người học
lái xe hạng A2 phải thuộc đối tượng quy định của Chính phủ. Đó là một phần nội dung của Thông tư
38/2013 sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe do Bộ trưởng Bộ Giao
thông Vận tải ký và ban hành.
Như vậy, thay vì hạn chế đối tượng rất giới hạn cho việc thi lấy bằng lái A2, Bộ Giao thông vận
tải đã cho phép mở rộng đối tượng đều có thể tham gia thi và sở hữu giấy phép lái xe (bằng lái)
hạng A2.
Phong trào chơi xe phân khối lớn ngày càng phát triển mạnh kéo theo số người muốn sở hữu giấy
phép lái xe A2 đông lên. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn được dự thi lấy bằng lái A2,
khi mà theo quy định trước đó, đối tượng được phép dự thi lại khá hạn hẹp, bao gồm: Công an, Quân
đội, Thanh tra Giao thông, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, Sát hạch viên, vận động viên môtô mới được
phép thi.
Và từ thực tế này, đã có rất nhiều tiêu cực xảy ra khi người sử dụng môtô phân khối lớn phải bắt
buộc "lo lót" để được tham gia vào các kỳ học và thi lấy bằng lái xe A2.
Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký ban hành Thông tư 38/2013, mở rộng các đối tượng được
phép thi cấp GPLX hạng A2 không chỉ giúp người mê xe có cơ hội sở hữu và sử dụng những dòng xe môtô
phân khối lớn từ 175cm3 trở lên mà còn là một liều thuốc kích thích cho thị trường môtô phân khối
lớn tại Việt Nam.
Thị trường môtô bắt đầu nở rộ
Chỉ trong vài năm trở lại đây, nhiều thương hiệu lớn trong thế giới môtô đã, đang và sẽ đổ bộ
vào Việt Nam. Cùng với đó là hàng loạt mẫu xế khủng đa dạng về thương hiệu, thiết kế lẫn giá tiền.
Chính sách thay đổi, cộng với việc nhiều hãng môtô đặt chân vào Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có
cơ hội tiếp cận và dễ dàng sở hữu những chiếc xe phân khối lớn hơn.
Tháng 12/2009, Ducati trở thành hãng môtô phân khối lớn châu Âu đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.
Sau 3 năm, hãng này mở rộng ra Hà Nội bằng đánh giá "thị trường không nhỏ như vẫn tưởng" của ông
Tổng giám đốc Bradley Lalonde.
Ducati đã sớm nhận ra tiềm năng của khu vực châu Á nên chuyển nhà máy sang Thái Lan lắp ráp,
giảm giá thành và tranh thủ mức thuế ưu đãi từ các hiệp định thương mại khu vực. Cùng mẫu Diavel
khi nhập từ Thái Lan rẻ hơn tới 12.000 USD so với từ châu Âu.
Với lợi thế một chút về giá, Ducati tiết lộ tăng trưởng mỗi năm ở Việt Nam đạt mức 2 con số.
Hãng này tiếp tục mở rộng khi đang tìm kiếm mặt bằng showroom mới tại Sài Gòn, dự định sẽ đưa thêm
hai mẫu xe mới về Việt Nam vào năm sau bên cạnh các mẫu Ducati Monster 795, Diavel, Multistrada hay
Hypermotard trình làng vào tháng sau.
Tháng 8 năm nay, hãng xe Áo KTM nối bước Ducati bằng việc chỉ định nhà phân phối. KTM đang cố
gắng mở đồng thời showroom ở Hà Nội và TP HCM bằng sự sốt sắng chưa từng có.
Để cạnh tranh với hàng loạt đối thủ đến trước, KTM cùng lúc mang về Việt Nam 8 dòng xe cho nhiều
phân khúc thị trường khác nhau từ dòng cấp thấp Duke 125 với kiểu dáng nhỏ gọn tới hàng khủng 1190
RC8 với động cơ dung tích 1.190 cc cho công suất 173 mã lực, ngang ngửa với sức mạnh của một chiếc
ôtô hạng trung.
Bên cạnh các dòng xe vừa trình làng tại Việt Nam như Duke 200, Duke 690, Super Duke 990R hay 990
Supermotor T, hoặc dòng xe địa hình Enduro, KTM Việt Nam cho biết sẽ sớm đưa về hai dòng xe khủng
1190 Adventer và 1290 Super Duke để đa dạng hóa các lựa chọn cho khách hàng.
Nhìn thấy các đối thủ "ăn nên, làm ra" cùng với nhận định thị trường môtô Việt gần như chưa có
gì (tổng số xe nhập khẩu mỗi năm ở Việt Nam chỉ khoảng 1.000 chiếc, bằng 1/10 số xe phân khối lớn
được bán ra ở Thái Lan), cơ hội nhiều, nên chắc chắn cả Suzuki, Kawasaki hay Benelli sẽ chẳng chịu
ngồi yên. Với những nền tảng có sẵn, họ sẵn sàng đưa thêm nhiều mẫu xe của mình vào Việt Nam. Điều
này hứa hẹn thị trường môtô Việt sẽ nở rộ trong thời gian sắp tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.