Dân đất thuốc lào lại khấm khá nhờ hành, tỏi, lãi 100 triệu/vụ

Thu Thủy Thứ ba, ngày 06/02/2018 19:20 PM (GMT+7)
Xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng là nơi có diện tích trồng hành, tỏi nhiều nhất của thành phố cảng Hải Phòng. Với 155 ha trồng chuyên canh hành, tỏi, nhiều năm trở lại đây 2 loại cây gia vị này đã đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân, nhiều gia đình khấm khá hẳn lên...
Bình luận 0

Phương thức 1 lúa, 2 màu

Với đặc điểm thổ nhưỡng nơi đây là đất thịt nhưng hàng năm được bồi đắp phù sa bởi 2 con sông Văn Úc và sông Thái Bình nên rất phù hợp với cây hành, tỏi phát triển cho năng suất và chất lượng hơn hẳn những vùng khác.

img

Cánh đồng trồng hành, tỏi 155 héc ta của nông dân xã Đông Hưng đang trong thời kỳ phát triển 

Sau vụ gặt lúa mùa sớm, nông dân các thôn Thái Hưng, Trung Hưng, Xuân Hưng và Hùng Hưng lại hối hả làm đất, phơi khô để đất được ổn định, không nhiễm khuẩn rồi tiến hành làm nhỏ đất, lên luống trồng hành tỏi. Khi hết mùa tỏi, hành thì chuyển sang trồng ớt và cây thuốc lào.

Thời gian bắt đầu trồng là khoảng từ tháng 9. Khâu đầu tiên của công đoạn trồng hành, tỏi là chọn giống. Người dân xã Đông Hưng chỉ trồng giống tỏi và hành truyền thống của ông cha để lại, giống hành, tỏi này có đặc trưng rất riêng bởi độ cay và thơm mà không giống nào sánh được. Theo kinh nghiệm, bà con nhà nào nhà đấy để giống của mình và cứ đến vụ là mang ra gieo trồng.

Hành cũng giống tỏi khi trồng là phải có khoảng cách nhất định và theo kỹ thuật của cán bộ HTX nông nghiệp hướng dẫn. Đối với cây hành thì khoảng cách từ cây này đến cây kia là 15cm, từ hàng này đến hàng kia là 25cm, còn cây tỏi thì khoảng cách từ cây đến cây là 11cm, hàng cách hàng khoảng 13cm là phù hợp, vừa không lãng phí đất lại vừa kiểm soát được dịch bệnh dễ dàng.

Trong quá trình trồng hành, tỏi cần chú ý đến thời tiết, luôn giữ độ ẩm vừa phải để hành phát triển tốt, nếu trời hanh khô thì phải tưới nước kịp thời. Tại khu vực có đường điện đi đến, nhiều gia đình đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động bằng hệ thống con quay nhỏ giọt, nước tưới được đều hơn và nhàn hơn, tiết kiệm được nhiều nhân lực trong gia đình.

img

Một số gia đình đã đầu tư hệ thống tưới nước con quay tự động để tiết kiệm sức lao động.

Theo kinh nghiệm của các gia đình trồng hành tỏi ở địa bàn xã Đông Hưng thì cây tỏi thường hay mắc bệnh sương mai. Khi phát hiện trên lá tỏi xuất hiện các đốm trắng bất thường là cần phải xử lý ngay. Loại bệnh này thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết có độ ẩm cao cộng với hơi nước từ biển thổi vào sẽ làm tỏi dễ nhiễm bệnh.

Cầu kỳ khâu thu hoạch, bảo quản

Hành tỏi có thời gian sinh trưởng từ 120 -130 ngày, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch cũng phải 4 - 4,5 tháng. Khi hành tỏi được thu hoạch thì khâu bảo quản là rất quan trọng. Ở Đông Hưng các gia đình bảo quản hành tỏi hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng hóa chất.

Hành, tỏi trước hết phải để thật già thu hoạch về phơi khô, sau đó cho vào hệ thống giàn nhiều tầng, bịt ni lông phía bên ngoài thật kín rồi hun khói râm ri 21 ngày liên tục bằng trấu hoặc mùn cưa. Diện tích nhà bảo quản chừng 50m2 là sấy được khoảng 2 tấn hành một lần. Hành tỏi được bảo quản bằng cách này sẽ không bị mọt, móp hay mốc ẩm, luôn đảm bảo về chất lượng, khách hàng mua về sử dụng cả năm không bị hỏng.

Ông Phạm Đức Sửu-hộ có diện tích trồng hành tỏi nhiều nhất của xã cho biết: “Hành, tỏi là cây gia vị truyền thống song lại là những vị thuốc quý chữa bệnh. Nhiều năm trở lại đây, cây hành, tỏi đã trở thành thứ hàng hóa cho người dân chúng tôi có thu nhập cao hơn gấp 7 -8 lần trồng lúa. Mỗi sào Bắc bộ bình quân cũng cho  thu hoạch từ 5 tạ - 6 tạ hành, tỏi củ với giá bán từ 10-15.000/ kg.  Những gia đình có diện tích trồng lớn, trừ hết các chi phí cũng cho lãi từ 80 - 100 triệu/ vụ. Cứ đến vụ thu hoạch là thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua, nông dân trồng ra không lo ế ẩm. Năm nay, hành, tỏi đều được giá, càng về cuối năm giá hành tỏi càng cao. Mọi người trong làng, ai nấy đều mừng vui phấn khởi”

img

Những khe đất hở người dân còn tận dụng để gieo cây gia vị ngắn ngày tăng thu nhập

Bà Mai Thị Nhiễu ở thôn Thái Hưng đang chăm sóc ruộng tỏi nhà mình cũng phấn khởi chia sẻ: “ Ở xã tôi gia đình nào cũng trồng 5 – 7 sào cây hành, tỏi, có gia đình còn trồng tới vài mẫu. Trong quá trình trồng cây hành, tỏi nhiều gia đình còn tận dụng những khe đất cây hành, tỏi chưa lớn để gieo xen cài những cây rau thơm ngắn ngày khác như mùi, thì là…để tránh cỏ dại mọc và có thu nhập hàng ngày”

Chia sẻ với phóng viên, ông Trọng- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Hưng cho biết: “Hiện nay, hành tỏi rau thơm đang được xem là cây trồng chủ lực của địa phương. Nhiều gia đình nhờ vào cây hành, tỏi và các loại rau màu khác đã cải thiện được thu nhập. Nhiều nhà tầng, biệt thự cũng dần mọc lên, nông dân có tiền đầu tư nông cụ hiện đại, các gia đình tự sắm máy cày nhỏ, máy làm đất riêng, chủ động trong việc canh tác trồng trọt của gia đình mình. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem