Keng, keng, keng...! Vừa kết thúc hồi kẻng, từ khu rừng ở phía sau Đồn Biên phòng Cha Lo, đàn heo rừng của đơn vị lũ lượt kéo nhau về chuồng. Như thường lệ, chiến sĩ Phạm Văn Nam (người được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn heo) bê rổ thức ăn cho vào máng, đàn heo rừng vừa ăn vừa kêu ủn ỉn, trông rất vui mắt. Theo anh Nam, đã thành thói quen, chỉ cần nghe tiếng kẻng vang lên là đàn heo lại chạy về để ăn.
|
Đàn heo rừng của lính biên phòng Cha Lo. |
Thượng tá Phan Thanh Tâm – Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết, năm 2009 khi về nhận chức Đồn trưởng tại đây, anh đã chú trọng việc tăng gia sản xuất trong đơn vị nhằm cải thiện bữa ăn cho bộ đội, trong đó anh đã tìm hỏi nguồn giống và nuôi thử nghiệm 10 con lợn rừng. Do chưa có kinh nghiệm nuôi heo rừng, nên bước đầu đơn vị cũng gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian vừa nuôi, vừa tìm tòi sách báo, tài liệu hướng dẫn, đàn heo đã phát triển khá nhanh.
Theo chiến sĩ Phạm Văn Nam, so với heo nhà, heo rừng dễ nuôi hơn vì phàm ăn và ít bệnh tật. Thức ăn của heo rừng chủ yếu là thức ăn tổng hợp, gồm chuối cây thái nhỏ băm trộn với cám và cơm thừa, cá vụn. Như một “chuyên gia” chăn nuôi thực thụ, Nam hướng dẫn cho chúng tôi cách chăm sóc đàn heo sao cho mang lại hiệu quả tốt nhất.
Hiện tại đàn heo rừng của Đồn Biên phòng Cha Lo đã có hơn 70 con. Từ khi có đàn heo, đến dịp lễ tết, hay có khách, đơn vị đều mổ thịt liên hoan, đồng thời cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bộ đội.
Ngoài đàn heo rừng, những người lính biên phòng ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo còn nuôi cá sấu, thỏ và bò. Các chiến sĩ còn bỏ ra nhiều ngày công để đào ao nuôi cá, cải tạo đất trồng rau luân phiên xen ghép mùa nào thức nấy. Nhờ vậy, dù đóng quân ở xa vùng dân cư, nhưng đơn vị đã chủ động được nguồn rau xanh và từ đàn lợn rừng, đàn bò... không chỉ bữa ăn và đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện, nâng cao mà mỗi năm còn “tiết kiệm” cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.