Dân tình đeo ba lô vô khu rừng mang tên 2 ngọn núi cao nhất tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 40km

Thứ tư, ngày 01/05/2024 06:00 AM (GMT+7)
Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là 1 trong 5 Vườn quốc gia (VQG) lớn nhất Việt Nam. Vườn lấy tên theo 2 ngọn núi cao nhất ở Lâm Đồng (Bidoup 2.287m và Núi Bà cao 2.167m). Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế, chọn Bidoup-Núi Bà diện ưu tiên số 1 trong dãy Trường Sơn của Việt Nam.
Bình luận 0

Cuối xuân, trời Đà Lạt nắng vàng như mật, thời tiết mát dịu như khích lệ cuộc khám phá VQG Bidoup-Núi Bà nhiều bất ngờ, thú vị. 

Theo quốc lộ 27C Đà Lạt-Nha Trang, qua vùng rau hoa công nghệ cao, đồi núi trập trùng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

 
Có người bảo “Đèo Hòn Giao QL27C, là đèo đẹp nhất Việt Nam”, đúng vậy. Bởi, hai bên đèo đất đỏ bazan uốn lượn như dải lụa hồng, nhà cửa, biệt thự nhấp nhô, ẩn hiện trong rừng thông đẹp đến nao lòng. 

Non trưa, chúng tôi đến VQG (tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) cách Đà Lạt khoảng 40km, rất ngạc nhiên, dễ chịu và thoải mái vô cùng. 

Dọc hai bên đường nhựa phẳng lì, mọc nhiều biệt thự trong rừng thông hoang sơ, kỳ vĩ. 

Tôi tranh thủ chụp ảnh Văn phòng Vườn, đẹp và lãng mạn như một Khu nghỉ dưỡng châu Âu, trước khi đi rừng.

Dân tình đeo ba lô vô khu rừng mang tên 2 ngọn núi cao nhất tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 40km- Ảnh 2.

Khám phá Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là 1 trong 5 Vườn quốc gia (VQG) lớn nhất Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: HHN

Vào rừng thăm thác Thiên Thai

Ha Quyl (dân tộc K’ho bản địa) hướng dẫn viên du lịch, cho chúng tôi khởi động 10 phút ở cửa rừng (đủ các khớp từ đầu đến chân) thật sảng khoái, vui vẻ. 

Rồi anh giảng giải về lộ trình, nội quy, thời gian thăm rừng. Trên đường đi, Ha Quyl chỉ cho biết những cây thuốc tổ tiên truyền lại, để cứu người. Nào là cây thanh mai (chữa đau răng), chỉ thiên (chữa đau bụng), cây dẻ (chữa ho), rồi sa nhân, đẳng sâm, ngũ gia bì, sâm đỏ, nấm thông... nhiều vô kể. 

Tôi thật sự khâm phục Ha Quyl hiểu rừng như vườn nhà vậy. Đặc biệt ấn tượng, khi Ha Quyl chỉ vào một cây ven đường, bảo: “Đây là cây đỡ đẻ, tên là Criêu. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa bộ tộc mình có người phụ nữ mang thai vào rừng hái quả. 

Chẳng may đau đẻ bất ngờ, không người giúp đỡ, không tã lót, chị hái vội lá cây rừng lót thành ổ và đẻ con trong đó. Nghe tiếng con khóc, chị sung sướng ôm con trong bọc lá cây, đi về nhà. Cả buôn làng mừng rỡ ra đón và mở tiệc ăn mừng. 

Trước lúc ăn tiệc, già làng nói đây là lá Criêu, từ nay đứa trẻ này và mọi đứa trẻ khác sinh ra đều lấy tên Criêu làm tên đệm. Rồi, già làng treo cành Criêu trước cửa nhà bà mẹ trẻ, trong tiếng reo hò của buôn làng”. 

Chuyện thật giản dị, có hậu và nhân văn quá. Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi “bản nhạc rừng” rì rào vi vu, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thỉnh thoảng, băng qua những con suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhón chân bước trên những hòn đá chênh vênh, cảm giác kiêu hãnh, không hề thấy mệt. Chúng tôi càng hăm hăm hở hơn, khi tiến sâu vào rừng, nghe tiếng thác đổ, vượn kêu, chim hót rất gần. Ha Quyl bảo: “Sắp đến Thiên Thai rồi!”. 

Cả nhóm cười vui “nắc nẻ”. Đi thêm vài trăm mét nữa, đến bên một cây khá to, cao khoảng 25m bên lối mòn, Ha Quyl bảo “Đây là cây Thông đỏ, nằm trong sách đỏ thế giới, chiết xuất làm thuốc ngừa, chữa trị ung thư rất tốt”. Mọi người ồ lên sung sướng, thi nhau chụp ảnh. Đúng là “Đi một ngày đàng, học học sàng khôn”. 

Đi dọc suối độ vài trăm mét, nước rất trong và lạnh, thì gặp thác Thiên Thai hiện ra bất ngờ. Đây là thác nước giữa rừng sâu, dải thác khá rộng, tung bọt trắng xóa, thật kỳ vĩ và thơ mộng. Hai bên thác, nhiều cành lá cây rừng rủ xuống như “mái tóc mỹ nữ” đẹp đến mê hồn. 

Tôi nhai vội búp chè đắng Ha Quyl đưa, rồi hăm hở chụp ảnh, như sợ tẹo nữa thác biến mất. Chụp xong bộ ảnh thác Thiên Thai, tỉnh người, tôi mới cảm nhận được vị chan chát ngòn ngọt và nhìn kỹ cây chè đắng mọc hoang cạnh thác, gần giống chè thuần chủng. 

Thế mới biết, quanh ta có nhiều sản vật quý hiếm mà rừng ban tặng. Tôi chợt nhớ câu nói “Người Việt Nam nằm trên đống thuốc quý” quả không sai. Trên đường về, chúng tôi lang thang qua những đồi thông xanh thẳm hoang dã, qua trang trại nuôi cá hồi mới lạ và ấn tượng.

Gặp Giám đốc “mê” rừng

Nghỉ trưa tại biệt thự trong VQG, sảng khoái vô cùng. Sau khi thăm khu trưng bày, xem phim tư liệu, chúng tôi gặp TS. Lê Văn Hương - Giám đốc VQG Bidoup - Núi bà, được mệnh danh “Vua trồng rừng” Lâm Đồng. Anh thuộc “típ” người năng động, dám nghĩ, dám làm và thân thiện. 

Anh kể, năm 2004 Thủ tướng Chính phủ cho thành lập “Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà”. Vườn rộng 70.038 ha tại huyện Lạc Dương và Đam Rông (độ che phủ rừng 91%). 

Đây là 1 trong 5 VQG lớn nhất Việt Nam. Thành tích nổi bật của VQG là “Giữ rừng bằng văn hóa”. Vườn đã ký hợp đồng với 1.553 hộ đồng bảo dân tộc thiểu số, 6 đơn vị tập thể, bảo vệ hơn 65.000 ha rừng, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. 

Chuyển phòng cháy chữa cháy rừng, từ thụ động sang chủ động. Đã hợp tác với các Trường Đại học (Columbia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hoàng gia Anh...) để phát triển bền vững. Vườn, đã quy hoạch du lịch 2010-2030, phối hợp với JICA-Nhật Bản xây dựng “Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng” rất hiệu quả, đã đón hơn 50 vạn lượt du khách trong và ngoài nước. 

VQG Bidoup-Núi Bà nằm ở độ cao từ 650m-2.287m so với mực nước biển, bao gồm các kiểu rừng: Rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao và rừng lùn đỉnh núi. 

Hiện tại, VQG ghi nhận 2.089 loài thực vật (với 96 loài đặc hữu, như Thông hai lá dẹt, Pơ mu, Thông đỏ, Thông năm lá, 297 loài Lan - là Vương quốc hoa Lan Việt Nam). 

Về động vật, có 131 loài thú với 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, IUCN và CITES, có 306 loài chim, trong đó có 14 loài đặc hữu. Đây là 1 trong 221 Vùng Chim đặc hữu thế giới. 

Các nhà khoa học khẳng định, VQG Bidoup-Núi Bà là 1 trong 4 Trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi tập trung hầu hết các loài cây lá kim có giá trị kinh tế, khoa học cao. “Gìn giữ thiên nhiên, văn hóa là gìn giữ tương lai” - Đó là khẩu hiệu (slogan) của VQG Bidoup-Núi Bà.

Say nhịp Cồng chiêng

Dân tình đeo ba lô vô khu rừng mang tên 2 ngọn núi cao nhất tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 40km- Ảnh 6.

Du khách bị “hút hồn” bởi tiếng cồng chiêng thúc giục - Ảnh: HHN

Vừa chập tối, chúng tôi bị “hút hồn” bởi tiếng cồng chiêng thúc giục, mùi thịt nướng than béo ngậy thơm lừng, hương rượu cần nồng cay men tình. Và các chàng trai, cô gái K’ho hừng hực quyến rũ trong váy áo thổ cẩm rực rỡ. Già làng thổi ba hồi tù và, rồi đọc thần chú: “A pô pơ că/ A pô pơ jêng... 

Từ thời hồng hoang/ Khi chưa có lửa/ Loài người tiền sử/ Ăn gì cũng sống/ Người mọc đầy lông/ Hết mùa ăn lá/ Lại ăn củ mài/ Thần lửa thương tâm/ Bèn thả cục đá/ Từ trên cõi trời/ Rơi vào núi đá/ Hóa thành ngọn lửa/ Thiêu đốt muôn loài/ Cháy thành tro bụi. Từ đó loài người mới biết sức mạnh của Thần lửa. Vậy, xin mời vị khách cao tuổi nhất, khai lửa cùng buôn làng chúng tôi”. 

Tiếng cồng chiêng tấu lên âm vang cả núi rừng, các cô gái sơn cước tươi trẻ, múa xoang mềm mại, xoay tròn trong vòng lửa đầy ma lực. Rượu cần uống mềm môi chưa say, chỉ say ánh mắt rực lửa của cô gái vít cần. Suốt đêm khuya trong rừng vắng, hòa cùng tiếng chiêng, say múa hát, say rượu cần, say men tình. 

Nhóm cồng chiêng VQG Bidoup-Núi Bà làm chúng tôi đắm đuối quên đường về... Thế mới biết, sức hút ma mị của “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” mãnh liệt thật, thế giới tôn vinh là phải.

Khám phá VQG Bidoup-Núi Bà

Đêm ở VQG, trong biệt thự thưa thớt ẩn hiện giữa rừng thông tĩnh mịch, nghe “bản hòa tấu” côn trùng rên rỉ êm tai, ngủ ngon không mộng mị. 

Tôi dậy sớm chụp bình minh, nhưng chỉ chụp được sương mù, vì mặt trời bị mây che phủ. Sau khi ăn sáng, đích thân Giám đốc Hương đưa chúng tôi thăm đỉnh Hòn Giao (nơi tiếp giáp giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa). Anh giảng giải về rừng thật hấp dẫn. Anh chỉ cho thấy núi Bidoup và cánh rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam. 

Chúng tôi thi nhau chụp ảnh, cả du khách đi ngang qua cũng dừng lại chụp, vui như chảy hội. Tôi nghiệm ra, phải có chuyên môn mới hiểu được giá trị của rừng. Mải nghe chuyện và ngắm cảnh, chúng tôi đến trạm Kiểm lâm Hòn Giao lúc nào không hay. 

Xe dừng lại, tôi chụp được bảng tin “Đến với Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà: Không để lại gì ngoài những dấu chân/ Không lấy gì ngoài những tấm ảnh/ Không giết gì ngoài thời gian”. Rồi, chúng tôi thăm rừng lùn với nhiều loài cây, hoa phong lan, rêu, nấm... ngợp đất, mát rượi, chẳng muốn ra khỏi rừng.

Thăm cây thông 1.000 tuổi

Trên đường về, Giám đốc Hương đưa cả đoàn thăm cây thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc, bởi 3 người ôm mới kín gốc. Xung quanh “Cụ” còn có hơn chục cây khác khá to, mọc xa hơn. Tôi chụp nhiều góc độ, rồi ôm hôn “Cụ” với lòng ngưỡng mộ và thành kính. 

Lên xe sau cùng vì ham chụp ảnh, nhưng tôi vẫn nghe được câu chuyện Giám đốc Hương, kể: “Thông hai lá dẹt - tên khoa học là Pinus Krempfii, trên thế giới chỉ còn duy nhất ở Bidoup-Núi Bà của Việt Nam. 

Có Nhà thực vật học thế giới ao ước rằng, trước khi chết được thấy cây Thông hai lá dẹt 1.000 tuổi ở Bidoup-Núi Bà mới mãn nguyện”. 

Riêng tôi, chuyến đi này “trên cả tuyệt vời” nhưng vẫn tiếc nuối, là không thăm được cây Pơ mu 1.300 tuổi (7 người ôm) trên núi Bidoup. Lần sau, tôi quyết tâm leo núi để thấy “Cụ Pơ mu” ấy, dù phải ngủ lều, “ăn cơm vắt” trong rừng sâu, núi thẳm.

Khám phá VQG Bidoup-Núi Bà hai ngày thật bổ ích, với nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên. Tôi rất vui, vì đã làm đúng thông điệp: “Không để lại gì ngoài những dấu chân/ Không lấy gì ngoài những tấm ảnh/ Không giết gì ngoài thời gian”. 

Hãy đến với Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, để tận hưởng những điều kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng. Để khám phá, trải nghiệm và yêu quý “Rừng vàng” Việt Nam mến yêu! (Đính kèm 11 ảnh - tùy chọn).

Hà Hữu Nết (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem