Dán kín biển xe gây tai nạn có... "bảo vệ uy tín" cơ quan công an?

Thứ ba, ngày 18/12/2012 17:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu trường hợp xe đó là xe của thường dân và họ cũng làm cái việc “dán kín biển xe” để bảo vệ uy tín cho mình thì lực lượng Công an Ninh Kiều, Công an Cần Thơ nghĩ thế nào, xử trí ra sao?
Bình luận 0

Liên quan đến việc phóng viên Đức Khánh của báo Nông Thôn Ngày Nay và điện tử Dân Việt bị hành hung khi đang tác nghiệp tại hiện trường vụ va chạm giao thông giữa xe ô tô của Phòng Hậu cần Công an TP.Cần Thơ với xe máy tối 24.11, các luật sư đã bày tỏ quan điểm.

img
Người tự xưng là công an mặc áo sọc đang dán biển số xe ô tô gây tai nạn

Luật sư Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư Hà Nội): Che biển xe là tự hạ uy tín công an

Về tác phong của người chiến sĩ Công an Nhân dân, khi anh ra gặp phóng viên (hay bất cứ ai), anh không mặc quân phục thì phải giới thiệu và xuất trình thẻ ngành, tiếp đến anh mới có quyền hỏi lý do của việc quay phim, chụp ảnh. Khi biết đó là phóng viên phải tôn trọng quyền tác nghiệp của họ. Đằng này, 2 cán bộ công an đã không làm như vậy và thậm chí khi phóng viên hỏi về thẻ ngành, 2 cán bộ này cũng không xuất trình.

Qua tường trình vụ việc (theo báo cáo của Công quận Ninh Kiều), có thể thấy 2 cán bộ công an tên Lộc và Sơ xuất hiện ở hiện trường nhưng 2 anh này không thuộc những người có chức năng, nhiệm vụ để giải quyết vụ việc liên quan đến tai nạn. Khi anh không có trách nhiệm, bản thân anh cũng chỉ như người dân bình thường. Và việc anh không có chức năng lại có hành vi cản trở hoạt động của báo chí hay hoạt động khác được pháp luật bảo hộ rõ ràng là vi phạm pháp luật. Ai trả lời việc làm như thế là đúng là bao biện cho cái sai.

Đối với xe của cơ quan công an thì càng phải chấp hành Luật Giao thông, đề phòng tối đa việc gây tai nạn. Khi không may xảy ra tai nạn thì càng phải công khai để thấy rằng xe của lực lượng nào đi nữa thì cũng xử lý theo quy định của pháp luật. Việc che kín biển kiểm soát là hành động tự hạ uy tín của công an chứ không phải là hành động nhằm “bảo vệ uy tín” của cơ quan như lý giải của 2 cán bộ công an này.

Nếu trường hợp xe đó là xe của thường dân và họ cũng làm cái việc “dán kín biển xe” để bảo vệ uy tín cho mình thì lực lượng Công an Ninh Kiều, Công an Cần Thơ nghĩ thế nào, xử trí ra sao? Tại sao lại phải bảo vệ uy tín cơ quan bằng một việc làm có tính khuất tất như vậy? Hay công an thì được phép làm điều mà người dân sẽ không làm và không dám làm?

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Xin lỗi để che giấu hành vi sai trái

Việc làm của trung úy Lương Minh Thành rõ ràng không phải là hành động tấn công trấn áp tội phạm. Bởi thực tế khách quan, khi một vụ cướp xảy ra, đối tượng phạm tội bị người dân truy bắt sẽ kèm theo tiếng hô hoán. Anh muốn tham gia bắt kẻ phạm tội, anh cũng phải có căn cứ để xác định, chứ không phải lao vào làm bừa. Đối với một người là công an lại nói là “lầm tưởng” vụ đuổi đánh nhau bình thường là vụ cướp để rồi đánh nạn nhân là cách nói không thuyết phục.

Sau đó báo chí thông tin thì trung úy Thành biết rõ người mình đánh không phải là cướp tại sao không xin lỗi ngay, mà phải tới khi phóng viên tìm tới nơi thì mới xin lỗi. Đó không phải là sự thể hiện của thái độ cầu thị, chẳng qua chỉ là sự gượng ép để cố che lấp cho hành vi sai trái.

Hơn nữa, anh Thành lại là một cán bộ công an, dù anh đang làm nhiệm vụ hay không làm nhiệm vụ đi chăng nữa thì cũng phải thể hiện được sự gương mẫu của một người thay mặt Nhà nước thực thi pháp luật, đó là làm gì cũng phải đúng với quy định của pháp luật và cũng phải làm theo 6 điều Bác dạy Công an Nhân dân, trong đó, với nhân dân phải “tôn trọng và lễ phép”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem