Dân nghèo vì 14 dự án thủy điện

Thứ năm, ngày 10/05/2012 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đông Giang- một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Nam, nhưng có tới 14 dự án thủy điện lớn nhỏ đã được cấp phép và đang xin cấp phép. Người dân nơi đây đang hết sức khốn khổ vì những thủy điện này.
Bình luận 0

Phá rừng, hại dân

Các dự án thủy điện đã chiếm một phần lớn diện tích rừng và đất rừng huyện Đông Giang. Lớn như Thủy điện A Vương (công suất 210MW) thì ngốn hết 1.158ha đất, trong đó có hơn 653ha rừng tự nhiên, còn nhỏ như Thủy điện An Điềm (công suất 15MW) cũng chiếm tới 124ha đất, phá 74ha rừng.

img
Thủy điện Za Hung tích nước, dòng sông không còn giọt nước.

Vấn đề nan giải cho huyện là phần lớn dân tái định cư (TĐC) do thủy điện đều không ổn định được cuộc sống. Bà con tự bỏ ra khỏi khu TĐC vì không có đất sản xuất, vì nhà cửa không được xây dựng đảm bảo...

“Những nơi có nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ thì lòng hồ thủy điện chiếm hết rồi. Dân bị đưa đến TĐC ở nơi thiếu đất, đất khô cằn, không có nguồn nước... nên rất khó sản xuất. Đã vậy, các khu TĐC được xây dựng ẩu. Hệ thống nhà ở, điện, nước sinh hoạt… không đảm bảo” - ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết.

Ngoài A Vương và An Điềm nói trên, tại Đông Giang còn có dự án Sông Kôn 2 sử dụng hết 347ha đất (trong đó rừng tự nhiên 66ha); Thủy điện Za Hung chiếm 91,37ha; Thủy điện Sông Bung 4A chiếm 23ha đất. Thủy điện Sông Bung 5 chiếm 132ha (45ha rừng tự nhiên); Thủy điện Sông Bung 6 chiếm 38ha.

Năm 2006, các khu TĐC của Thủy điện A Vương được bàn giao cho người dân. Theo cam kết ban đầu của chủ đầu tư, mỗi hộ dân sẽ được bố trí 400m2 đất ở và 1,5ha đất sản xuất. Nhưng thực tế mỗi hộ dân chỉ nhận được chưa tới 200m2 đất ở và 0,2ha đất lúa, mà đất thì độ phì quá ít. Chừng đó đất, đồng bào không thể kiếm đủ miếng ăn.

Hiện, huyện Đông Giang phải thường xuyên cứu đói cho 1.280 người, phần lớn là dân phải ra đi do thủy điện. “Huyện Đông Giang nhiều lần kiến nghị các thủy điện chia sẻ lợi ích với người dân bằng cách hỗ trợ trước mắt mỗi người 10kg gạo mỗi tháng, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu” - ông Tài cho biết.

Tàn sát môi trường

Đói, dân làm càn. Họ phá rừng già làm rẫy. Không thống kê được có bao nhiêu cánh rừng đã biến thành rẫy của dân TĐC thủy điện. Mới đầu năm 2012 đã có 32 hộ bỏ khu TĐC của Thủy điện A Vương vào tận rừng già phát rẫy. Hiện hàng chục hécta rừng nguyên sinh đã bị người dân đốt làm rẫy.

Cũng có một số người dân bị xử lý vì phá rừng. Trong đó sắp khởi tố 2 hộ để “làm gương”. “Nhưng đau lòng lắm vì họ đi tìm miếng ăn chứ có làm giàu làm có gì đâu” - ông Tài buồn bã.

Một điều dễ thấy khác là hệ thống dòng chảy của các dòng sông mà thủy điện “đóng đô” đã thay đổi hoàn toàn. Có những thủy điện đã tích hết nước, dẫn tới lòng sông trơ cả đá sỏi, điển hình nhất là Thủy điện Za Hung.

Mới đây có thông tin, Thủy điện Sông Kôn 2 tự ý nâng mực nước chết từ 238m lên 279m ở hồ chính, 340 lên 342 ở hồ phụ, cao hơn so với thiết kế của đập chứa nước.

UBND huyện Đông Giang rất lo lắng đây là sự thật, đang tích cực điều tra ngăn chặn, không để dẫn đến tình trạng rò rỉ nước ở đập như Sông Tranh 2 (Bắc Trà My).

Ông Tài kiến nghị các chủ dự án thủy điện đã xây dựng ngồi lại với địa phương để tìm ra các phương pháp sửa sai có hiệu quả lâu dài và trước mắt nhằm bảo đảm môi trường tự nhiên và ổn định đời sống cơ bản của bà con. Huyện này cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét kỹ các dự án thủy điện sắp được cấp phép, không để huyện “bội thực” dự án thủy điện như hiện nay.

Cần cân nhắc khi duyệt dự án điện: Với 7 dự án thủy điện, Đông Giang đã không chịu nổi, tới đây mà còn đầu tư thêm dự án thủy điện thì người dân Đông Giang biết lấy gì sống vì đất ruộng, rẫy, rừng của họ đều bị thủy điện hút hết. Những ai chấp bút ký quyết định phê duyệt dự án thủy điện cần phải cân nhắc và suy nghĩ thật kỹ.

Sẽ kiến nghị không cho vận hành: Theo tôi, phải rà soát hết lại, nếu các dự án thủy điện nào giải quyết bền vững vấn đề môi trường, dân sinh thì cho làm, còn không thì dừng. Chứ làm lung tung như thế thì ảnh hưởng đến dân và rừng quá. Đơn thuần không chỉ phát điện không mà phải xem việc tích nước cắt lũ, cung cấp nước cho mùa khô như thế nào. Trong thời gian tới phía tỉnh Quảng Nam sẽ giám sát chặt các thủy điện trên địa bàn. Thủy điện nào còn gây lo ngại và ảnh hưởng đến đời sống người dân thì tỉnh sẽ không cho tích nước và kiến nghị T.Ư không cho vận hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem