Hội thảo do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam tổ chức ngày 7.5.
|
Sự cố rò rỉ nước đập Thủy điện Sông Tranh 2 đang khiến lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam lo lắng. |
1MW điện mất 16ha rừng
Tiến sĩ Đào Trọng Hưng - thành viên Ban tư vấn VRN cho biết, để làm một thủy điện công suất khoảng 1MW điện phải mất đến 16ha rừng. Trong khi đó, tại Việt Nam hiện đang bùng nổ các dự án thuỷ điện nên diện tích rừng mất không biết bao nhiêu mà kể.
Đến nay, cả nước có đến 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng; mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia cõng 2,5 dự án thủy điện. Một vườn quốc gia của khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều dự án thủy điện như Cát Tiên có 6 dự án, khu bảo tồn Hoàng Liên có 6 dự án, Khu bảo tồn Sông Tranh có 7 dự án...
Để xảy ra tình trạng bùng nổ các dự án điện nói trên, theo TS Hưng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến cấp phép đầu tư thủy điện như các bộ, UBND các tỉnh, thành. Đặc biệt, trách nhiệm của EVN, các ban quản lý điện, doanh nghiệp... vẫn chưa được làm rõ.
Còn GS-TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: Đang có sự leo thang về công suất thủy điện. Trước năm 1975 công suất thuỷ điện chỉ có trên 300MW, đến năm 2010 là 9.200MW và đến năm 2020 sẽ là 17.400MW. Trong đó những thủy điện vừa và nhỏ sau năm 1995 có đến 800 dự án, riêng Quảng Nam có đến 50 dự án thủy điện, với 7 dự án đầu tư trên sông Thu Bồn.
Theo ông Hồng, các dự án thủy điện ở miền Trung hiện đang gói gọn ở 3 vấn đề: Bất lợi cho thiên nhiên; tốc độ xây dựng quá nhanh nhưng năng lực kém, yếu kém về cơ sở hạ tầng... “Chẳng hạn, Thủy điện Sông Tranh 2 đang xảy ra nứt thân đập, thiết kế và áp dụng tiêu chuẩn của Mỹ, Nga, nhưng tiến hành xây dựng lại áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc!” - GS-TS Hồng cho hay.
Đề nghị đưa Sông Tranh 2 ra Quốc hội
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh nhấn mạnh: “Trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh không được giải quyết thấu đáo nên sẽ để lại nhiều hậu quả xấu về môi trường sinh thái. Tình trạng ngập lụt vùng hạ du do thủy điện xả lũ; vấn đề an toàn đập; công tác tái định cư, hậu tái định cư... nếu không giải quyết được sẽ gây ra những hệ lụy khó lường”.
Ngoài sự cố rò rỉ nước tại thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 làm chính quyền và nhân dân hết sức lo lắng, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nhiều dự án thủy điện đang triển khai. “Nếu các dự án không minh bạch, công khai về độ an toàn đập thì chúng tôi sẽ không cho vận hành” - lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định.
Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng: Nhiều dự án thủy điện như Sông Tranh 2 xây dựng bằng công nghệ bê tông đầm lăn - trong khi chưa có cấp nào phê duyệt cho phép dùng công nghệ này. Quy chuẩn quốc gia về thủy điện đang soạn thảo, quy chuẩn quốc gia về công trình xây dựng chung đang thực hiện đều không có chữ nào nói về bê tông đầm lăn.
GS - TS Cao Đình Triều - Viện Địa lý địa cầu lo lắng: “Nguy cơ xảy ra tai biến địa chất nhân sinh đặc thù (động đất, trượt - lở đất, nứt - sụt đất và lũ quét) tại vùng hồ và đập Thủy điện Sông Tranh 2 là lớn. Do đó, chúng ta cần thiết phải tiến hành nghiên cứu động đất kích thích các hồ chứa lớn như hồ Thủy điện Sông Tranh 2, hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước trong hồ. Ngoài ra, cần giúp người dân hiểu biết về tai biến địa chất liên quan tới hồ chứa để họ có biện pháp thích hợp trong ứng phó”.
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.Hồ Chí Minh (HASCON) lại nhấn mạnh: Thủy điện Sông Tranh 2 bị sự cố mà không tìm ra nguyên nhân trước khi khắc phục sự cố và hiện nay chưa có cơ sở nào để kết luận “đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn”. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, chúng tôi yêu cầu và hoàn toàn ủng hộ với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đưa vụ việc đập Thủy điện Sông Tranh 2 ra Quốc hội...
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.