Dân Ninh Bình "tố" "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật

Hà Thúy Phương Thứ bảy, ngày 21/11/2020 15:20 PM (GMT+7)
Trong buổi giao lưu, ra mắt "Đi trốn" do Nhã Nam tổ chức, nhà văn Bình Ca khẳng định vùng Hồ Mây trong tác phẩm là một địa danh hư cấu.
Bình luận 0

5 năm trước, "Quân khu Nam Đồng" xuất hiện trong làng văn như một hiện tượng. Cuốn sách bất ngờ gây sốt và đã được tái bản 15 lần trong 4 năm này là tác phẩm đầu tay của một cây bút không chuyên – Bình Ca. Đến nay, Bình Ca đã viết xong cuốn thứ hai - "Đi trốn"

Người Ninh Bình đưa bằng chứng "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật, Viện trưởng Trần Văn Tân là nhân chứng - Ảnh 1.

Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, "Đi trốn" kể về cuộc phiêu lưu của một nhóm 5 bạn nhỏ - con em cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao - giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm. 

5 cô cậu nhóc vừa dũng cảm vừa vụng về, vừa chân thành vừa nông nổi. Trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trưởng thành lên, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.

Người Ninh Bình đưa bằng chứng "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật, Viện trưởng Trần Văn Tân là nhân chứng - Ảnh 2.

Nhóm bạn con nhà lính từ thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam - được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ. Lũ trẻ đang ở tuổi 12-13, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn. Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích. Cuộc phiêu lưu li kỳ đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại.

Đây là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve 1954. Chúng được nuôi dạy tập trung trong các trại nhi đồng như Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường học sinh miền Nam. Dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, đa phần lũ trẻ vẫn lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình. Có đứa ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được bố mẹ đón ra lần nào. Có đứa ba đi công tác từ khi nhỏ xíu, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba…

Người Ninh Bình đưa bằng chứng "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật, Viện trưởng Trần Văn Tân là nhân chứng - Ảnh 3.

Những dòng đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã nói rõ ràng rằng “Tất cả nhân vật chính đều được xây dựng bởi sự tưởng tượng của tác giả. Vì vậy, nếu tình cờ có những chi tiết trùng với sự thật đã xảy ra ở một nơi nào đó, tác giả xin được miễn trách”. Bối cảnh của cuộc "đi trốn" được tác giả mô tả với tên gọi là vùng "Hồ Mây" với vẻ đẹp như trong các bộ phim giả tưởng của Hollywood.  

Người Ninh Bình đưa bằng chứng "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật, Viện trưởng Trần Văn Tân là nhân chứng - Ảnh 4.

Bối cảnh theo sự mô tả của tác giả mang màu sắc kỳ ảo với vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên với những hang, những động, những thung. Những dòng sông luồn qua lòng núi mà tác giả đã miêu tả trong “Đi trốn” khiến cho người đọc nhiều liên tưởng tới vẻ đẹp thiên nhiên của non nước Tràng An. Những đàn chim di cư phương Bắc về đậu kín cả một góc đầm sao giống Vân Long thế, đàn voọc quần đùi trắng thì như ở Ninh Bình… Nhưng trong buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm "Đi trốn" do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, nhà văn Bình Ca một lần nữa kiên quyết khẳng định vùng Hồ Mây là một địa danh hư cấu.

Người Ninh Bình đưa bằng chứng "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật, Viện trưởng Trần Văn Tân là nhân chứng - Ảnh 5.

Trong buổi giao lưu có rất nhiều người dân Ninh Bình, cũng là nhân viên cũ của nhà văn Bình Ca hồi ông còn công tác trong ngành du Lịch của tỉnh Ninh Bình. Họ chắc chắn vùng Hồ Mây trong "Đi trốn" thuộc Ninh Bình. Khi đọc tác phẩm "Đi trốn", họ đều nhận ra tất cả những nơi mà tác giả Bình Ca nhắc đến là nơi nào của Ninh Bình. 

Một khán giả cũng cho biết khi đọc tác phẩm "Đi trốn", chị bị choáng ngợp bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ đẹp đến không tưởng của thiên nhiên trong bối cảnh cuộc phiêu lưu của các bạn trẻ. Không phải là người Ninh Bình nên chị không rõ các địa danh cụ thể của Ninh Bình. Nhưng chị cho rằng thông điệp của tác giả là những vẻ đẹp của thiên nhiên đó đã từng có vào thời điểm năm 1965-1966 nhưng giờ có thể không còn nữa và đang bị mất đi hoặc khai thác làm cho không giữ được nguyên lõi di sản. 

Người Ninh Bình đưa bằng chứng "Đi trốn" của Bình Ca không hư cấu mà có thật, Viện trưởng Trần Văn Tân là nhân chứng - Ảnh 6.

Có mặt trong buổi giao lưu, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản Việt Nam Trần Văn Tân bằng kiến thức chuyên môn của mình khẳng định bối cảnh "Đi trốn" của Bình Ca chính xác là Ninh Bình. Ông cũng cho biết thêm, hiện các di sản của Ninh Bình không phải đã bị mất đi như chị khán giả trên lo lắng mà vẫn còn nguyên trạng. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới nhờ những giá trị duy nhất và nổi bật toàn cầu. 

Ngoài câu chuyện xung quanh "Đi trốn", những câu chuyện về "Quân khu Nam Đồng" cũng được khán giả rất quan tâm, bởi vì đây là lần đầu tiên nhà văn Bình Ca xuất hiện công khai trước công chúng. Trước đó, ông cho rằng mình chỉ "dạo chơi" với văn chương, và "cuộc chơi" này quá "tốn kém" sức lực và thời gian của ông. Nhưng với tác phẩm thứ 2 ra mắt một cách chính thức như lần này, nhà văn Bình Ca cho biết, nếu khán giả còn yêu mến ông, hay thậm chí là "ném đá" ông, thì ông sẽ có thể có cảm hứng để viết tác phẩm thứ 3. Điều ông sợ nhất là những gì mình viết ra không được ai quan tâm, giống như trong tình yêu, sự thờ ơ là điều kinh khủng nhất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem