Dân ở nơi này của Thừa Thiên Huế "biến" thứ rác gì thành phân hữu cơ, bón cho cây, cây nào cũng tốt?
Dân ở nơi này của Thừa Thiên Huế "biến" thứ rác gì thành phân hữu cơ, bón cho cây, cây nào cũng tốt?
Thứ bảy, ngày 14/12/2024 05:31 AM (GMT+7)
Một số hộ dân tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã thực hiện việc phối trộn, ủ phân hữu cơ từ bã tràm với phân chuồng, tro trấu và các chế phẩm sinh học để bón cho cây.
Ông Trương Viết Hiệp trú tại thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, từ hướng dẫn kỹ thuật và tập huấn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lộc, ông và các hộ dân đã sử dụng chế phẩm sinh học Emuniv, Trichodecma để sản xuất phân hữu cơ được 1 năm nay.
Gia đình ông tận dụng bã tràm, trấu, rơm rạ, mùn cưa, cây phân xanh, phân chuồng để ủ làm phân cho cây trồng rất hiệu quả, từ đó bớt chi phí để mua các loại phân bên ngoài.
“Trước đây, sau khi chưng cất tinh dầu, gia đình tôi đổ thành đống ngoài vườn hoặc đem đốt. Hiện nay, phế phẩm nông nghiệp, bã tràm đã chưng cất được sản xuất thành phân hữu cơ để làm phân bón cho cây tràm, lúa, cây ăn quả. Bước đầu chúng tôi nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Hiệp chia sẻ.
Xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc là vùng tràm nguyên liệu với diện tích sản xuất hơn 70ha. Sau khi người nấu, chưng cất dầu thì bã tràm rất nhiều. Việc đốt bã tràm gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Từ thực trạng đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn cho bà con sử dụng chế phẩm Emuniv, Trichodecma để sản xuất phân hữu cơ.
Nông dân xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) tận dụng bã tràm, trấu, rơm rạ, mùn cưa để ủ phân hữu cơ có sử dụng chế phẩm sinh học.
Ông Hoàng Phi Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lộc thông tin, giải pháp trên bắt nguồn từ dự án khoa học công nghệ cấp huyện.
Việc sử dụng bã tràm lâu nay là vấn đề nan giải của xã Lộc Thủy và lấy bã tràm ủ để bón cho cây tràm là mô hình được kỳ vọng mang lại lợi ích kép, vừa giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, vừa giúp người dân giảm kinh phí đầu tư phân bón và phát huy tính chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Ban đầu, mô hình đã triển khai thử nghiệm cho 10 hộ.
Theo ông Cường, trong thời gian triển khai thực hiện mô hình, chủ nhiệm dự án, cán bộ kỹ thuật kết hợp cùng UBND xã thường xuyên kiểm tra các đống ủ, hướng dẫn các hộ đảo trộn, phối trộn chế phẩm, bổ sung nước trong quá trình ủ khi đống ủ bị khô, hướng dẫn bà con thực hiện đảm bảo kỹ thuật để đống ủ hoai đạt chất lượng.
Qua đánh giá trên vườn tràm, kết quả thực tế từ việc bón phân hữu cơ trên cho thấy, thời gian sinh trưởng, phát triển cây kéo dài, sức tăng trưởng xanh tốt hơn, màu xanh lá đậm, sáng hơn. Sản lượng lá thu được bằng với bón phân hoá học.
Sử dụng phế phẩm thải từ bã tràm sau khi chưng cất kết hợp với các phế phẩm khác từ phụ phẩm nông nghiệp đã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm đầu tư phân bón, công lao động thấp, nhàn rỗi và phát huy tính chủ động trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với ruộng có bón lót phân ủ hữu cơ, lúa sinh trưởng phát triển tương đồng với phân bón hóa học, sâu bệnh gây hại giảm, bộ rễ lúa phát triển tốt hơn, thân, lá xanh cứng, chống đỗ ngã tốt, năng suất cao hơn ruộng đối chứng 1 - 1,2 tạ/ha.
Ông Trương Viết Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) phấn khởi, đây là mô hình thuận lợi cho bà con nhiều mặt trong việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp và bớt chi phí mua các loại phân bón cho cây trồng, ruộng lúa. Từ hiệu quả thực tế, thời gian tới, hội sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho bà con nhân rộng mô hình này.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lộc, hiện nay, cùng với xã Lộc Thủy, nghề nấu dầu tràm cũng đang phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại một số địa phương khác trong huyện.
Vì thế, việc tái sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được xem là hướng đi cần thiết, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, qua đó góp phần hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.