Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo thời gian là ở mỗi đời người, theo không gian ở mỗi gia đình… đều thấy có những thứ được gọi với cái tên chung mà cũng là khái niệm về sự lo xa, phòng khi hậu sự: Của để dành!
Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, được mệnh danh xứ sở “trên cơm dưới cá” nhưng bao giờ người nông dân miền Tây cũng trữ và giữ trong nhà hai loại lúa được xem là quý giá.
Đó chính là lúa để ăn và lúa dành làm giống. Đây là thứ lúa thu hoạch trên mảnh ruộng trù phú nhất của gia đình mà ngay từ đầu mùa gieo sạ đã được gia chủ “chú ý”, chăm sóc kỹ lưỡng và “cưng chiều” nhất trong đám ruộng.
Chính vì thế mà lúa ăn và lúa giống thường là loại lúa cao cấp về chất lượng: gạo trắng cơm ngon, giống nảy mầm và sinh trưởng tốt.
Thói quen này in đậm trong tâm thức người dân miền Tây ở kiến trúc nhà ở. Hễ gia đình nào làm nông thì nhà ở luôn có một khoảng rộng (thường ở phía sau nhà, gần bếp), cao ráo, thoáng đãng, dùng mê tre be lại thành bồ chứa lúa.
Ngày xưa, người ta ước lượng sự sung túc, ấm êm của một gia đình qua việc nhìn vào bồ lúa. Đấy là thứ “của để dành” cho suốt mấy tháng trời, ít nhất là đến khi mùa gặt sau.
Trong mấy tháng ròng đó, ngoài việc là lương thực thì bồ lúa “của để dành” còn là nguồn xoay xở cho những sự việc khác của gia đình.
Vận chuyển lúa về nhà. Ảnh: Nguyễn Sự
Đau bệnh cũng đong vài giạ lúa bán lấy tiền chạy chữa, sửa lại mái nhà sau cơn bão, công thợ cũng quy ra lúa… Bởi thế mà người ta rất ái ngại khi nhắc tới mùa giáp hạt, mùa mà bồ lúa nhà đã dần cạn tới đáy mà mùa thu hoạch vẫn chưa đến.
Mùa giáp hạt là mùa chạy vạy, vay mượn khắp nơi để lo cơm áo, và những cuộc vay mượn cũng tính bằng số lúa, hứa hẹn mùa sau trả cũng sẽ trả bằng lúa. Dần dần thứ của để dành này được xem như hệ giá trị gần gũi, mộc mạc và dễ tính nhất mà người ta dùng để cân đo đong đếm.
Chiếc xe Super Dream đời cuối những năm 1990 mà nhiều nông dân miền Tây sở hữu sau những năm trúng lúa “bể bồ” đến nay khi nhắc tới người ta vẫn tự hào bởi giá trị xe khi ấy bằng một ngàn giạ lúa! Và lúa - “của để dành”, không chỉ hiện ra như là cứu cánh, niềm tin và hy vọng của con người, mà đấy còn thể hiện nguồn lực của mỗi gia đình trước xã hội thuần nông nghiệp.
Với ý nghĩa đó, lúa bồ - thứ của để dành luôn được xem trọng và là thứ quý giá trong mọi sự kiện cuộc đời. Dân miền Tây có câu: “Cờ bạc có ngày bán lúa giống”.
Ý nói đến hậu quả của việc cờ bạc ắt sẽ túng quẫn cùng đường, đến mức thứ lúa quý và là kế sinh nhai của mùa sau cũng phải bán đi để trả nợ. Điều đó cho thấy người miền Tây đặc để và hết sức coi trọng lúa ăn, lúa giống - một thứ “của để dành” có từ rất xa xưa…
Nghề nông từ bao đời qua luôn gắn liền với tâm thức về âm dương ngũ hành. Trong đó, lúa trồng từ đất mà ra nên lúa thuộc mệnh Thổ. Trong quy luật tương sinh của ngũ hành, Thổ sinh Kim. Vậy nên khi nền nông nghiệp dần phát triển, lúa (Thổ) đã quy đổi và sinh ra hệ giá trị là vàng (Kim), dần phổ thông đến với mọi người hơn.
Không ai biết, việc đeo vàng (thường nhật và cả hội hè) của người miền Tây có từ bao giờ. Nhưng có thể khi lúa ăn, lúa giống đã trở thành thứ “của để dành” đầu tiên của một gia đình “dư giả”, thì vàng là thứ “của để dành” xuất hiện thứ hai khi lúa đã đầy bồ.
Ngược dòng lịch sử, các tiền nhân đã có một chặng đường dài đương đầu với những khó khăn “sơn lam chướng khí” của thời mở cõi, phải rày đây mai đó cho đến lúc tìm được miền đất yên lành.
Trong hành trình xây làng lập ấp và bảo vệ Tổ quốc ấy, miền đất mới phải chịu nhiều cuộc chiến tranh, và việc người dân nửa đêm tốc mùng chạy giặc bố ráp, ghe thuyền đụng vào nhà ven sông… diễn ra hết sức thường xuyên.
Ngoài tính mạng, họ không thể mang vác nhiều lúa để chạy giặc, mà chỉ có cách quy đổi ra vàng để kịp trữ và mang theo mỗi khi có chuyện bất trắc hay chiến tranh, lũ lụt, mưa bão lớn bất ngờ. Từ thói quen này, những chiếc vàng khâu đeo tay đơn sơ dần dần chuyển thành những món trang sức vàng nữ trang, vừa làm đẹp mà cũng vừa để tích trữ.
Với những ưu thế tiện lợi và vượt trội so với lúa, vàng được xem là thứ “của để dành” hữu dụng. Từ đó dân miền Tây có thói quen, ngoài lúa - “của để dành” truyền thống lâu đời, thì vàng là “của để dành” thứ hai để đong đếm mọi giá trị vật chất đời sống. Ít nhất là năm mươi năm qua, khi đời sống nông nghiệp dần ăn nên làm ra thì khi mua xe, người ta không hỏi bao nhiêu tiền, mà hỏi xe giá bao nhiêu lượng vàng, chỉ vàng?
Mua bán, cầm cố, vay mượn… đều tính bằng vàng. Vàng còn hiện lên rõ nét hơn ở việc cưới gả. Bàn dân thiên hạ coi trọng số vàng cưới như coi đó là thước đo niềm “vinh hạnh” của cô dâu, chú rể và hai họ… Chính vì thế mà từ lâu nay, khi lúa mất giá, vàng lên ngôi, thì dân tình đã xem vàng đeo “đỏ cổ đầy tay” là thước đo giá trị nghèo giàu.
Điều đặc biệt là hai thứ “của để dành” này luôn được người miền Tây chưng bày ra mỗi dịp Tết đến xuân về. Cày cấy cả năm trời cũng mong đến cuối mùa gặt, cận mùa Tết thu hoạch lúa chứa đầy bồ để có một mùa Tết bội thu.
Dù có ngược mùa, thì khi Tết đến cũng ráng sắm thêm lúa để đong cho đầy bồ với tâm niệm sang năm mới, lúa đầy bồ suốt năm, nhà cửa ấm êm. Người làm cả năm vất vả, Tết đến xuân về sắm sang một chiếc lắc tay, sợi dây chuyền vàng để đeo nhân dịp Tết cho rạng rỡ và mong một năm no ấm, khởi đầu no đủ thì đến cuối năm cũng no đủ, vàng đeo.
Mơ ước Tết đến có nhiều “của để dành” vừa là động lực lao động cũng vừa là giá trị vật chất mang cả giá trị tinh thần mỗi dịp xuân về. Thế nên trong vô số những lời chúc năm mới dành cho nông dân miền Tây, thì chúc sang năm “vàng đầy tay - lúa đầy bồ” trở thành lời chúc mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và “được lòng” nhất!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.