Dân sống khỏe nhờ loài cây mà nhà nào cũng dùng tiếp khách

Quốc Định Thứ năm, ngày 18/07/2019 13:15 PM (GMT+7)
Cây chè được đưa về trồng trên cao nguyên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La từ năm 1997. Đến nay, cây chè đã trở thành thế mạnh phát triển kinh tế mang đến cuộc sống ấm no, giảm nghèo cho người dân đồng bào các dân tộc nơi đây. Với hương vị riêng độc đáo, sản phẩm chè Vân Hồ luôn cuốn hút khách hàng tin dùng.
Bình luận 0

Trước đây, Vân Hồ từng được biết đến là mọt trong những thủ phủ trồng “cây thuốc phiện” của vùng Tây Bắc. Một thời gian trước đây cây thuốc phiện được trồng nhiều hơn cây ngô, cây lúa. Kéo theo đó là tình trạng sử dụng thuốc phiện, nghiện hút, sinh ra các tệ nạn xã hội… làm mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

img

Cây chè trên cao nguyên Vân Hồ.

 Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện, định hướng cho người dân chuyển sang trồng chè và một số cây trồng khác thay thế. Năm 1997, 1998, cây chè bắt đầu được đưa về trồng trên đất Vân Hồ do Công ty chè Nông trường chè Mộc Châu hỗ trợ giống và thu mua sản phẩm cho người dân.

img

Mỗi năm chè có thể cho thu hoạch liên tục từ 5 - 6 lứa.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Nhờ vùng đất Vân Hồ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu và đất đai, có độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mực nước biển, cây chè trồng ở vùng đất này sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, chè là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Nhờ có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm giữa các ông ty sản xuất chè với người trồng chè nên đầu ra luôn ổn định. Cây Chè đang thực sự trở thành cây giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc của huyện, giúp nhiều gia đình có của ăn của để, giàu lên từ cây chè.

img

Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nên cây chè trồng ở Vân Hồ sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Hiện toàn huyện có 1.181 ha chè, sản lượng chè búp tươi hàng năm ước đạt 3.354 tấn, tập trung ở các xã Vân Hồ, Tô Múa, Chiềng Khoa… cây chè đang góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện. Diện tích chè đang được tiếp tục bảo vệ, chăm sóc, nhân rộng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cùng các ngành chuyên môn đang tích cực hỗ trợ người dân về công tác khuyến nông, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất từ cách chăm sóc, sử dụng phân bón, kỹ thuật cắt tỉa đến thu hái chè… nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm”, ông Sinh thông tin thêm.

img

Hiện tại giá mỗi kg chè dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.

Thay vì hái chè thủ công bằng tay như trước đây, đến nay hầu hết người trồng chè ở Vân Hồ đã dùng máy hái chè, làm đất, bón phân… không chỉ nâng cao hiệu suất lao động mà chất lượng chè cũng nâng lên. Vài năm trở lại đây giá chè ổn định, dao động từ 6.000 – 7.000 đồng/kg chè búp tươi. Vì vậy từ trồng chè nhiều gia đình đã có thu nhập từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

img

Chè trồng trên cao nguyên Vân Hồ được đánh giá có chất lượng ngon.

Theo ông Sinh, hiện nay cây chè không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mà những vùng chè còn là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân. Nhờ những vựa chè này mà cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Vân Hồ đang dần thay đổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem