Dán tem lên gốc cây đào vườn để bán, nông dân tỉnh Sơn La đồng tình, nhưng có 1 băn khoăn bất ngờ

Hà Hoàng Thứ sáu, ngày 15/01/2021 19:00 PM (GMT+7)
Liên quan đến văn bản của UBND tỉnh Sơn La gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được dán tem, truy xuất nguồn gốc cây đào để phân biệt với đào rừng tự nhiên, nhiều nông dân trồng đào tại huyện Vân Hồ, Mộc Châu…băn khoăn về việc dán tem như vậy, người dân có phải bỏ tiền ra mua tem hay không.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Tráng A Chu, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) băn khoăn nói: Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được thông báo và hướng dẫn chính thức của chính quyền về việc dán tem lên cây đào. Chúng tôi chỉ mới biết thông tin qua báo đài mà thôi...".

Gia đình ông Chu trồng hơn 1ha đào trên đồi. Ông boăn khoăn, nếu gắn tem vào đào thì nhà nước cho chúng nông dân miễn phí hay là phải đi mua tem. 

Và nếu mất tiền mua tem dán thì như thế có đội giá cây đào lên không. "Vì đào không phải giống như các loại cây trồng khác, chỉ khi nào đến cận Tết mới bán được. Nếu thủ tục rườm rà thì sẽ tốn nhiều thời gian, chúng tôi sợ không bán được đào...".

 Sơn La: Nông dân băn khoăn về dán tem lên gốc cây đào vườn - Ảnh 1.

Hiện nay, nhiều hộ dân sinh sống ở tỉnh Sơn La trồng nhiều đào trên nương rẫy.

Tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ) đa số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhà nào cũng trồng đào với số lượng từ vài trăm cây lên đến hơn 1.000 cây. 

Đến Tết cành đào nào đẹp thì người dân mới mang ra đường quốc lộ 6 bán, còn những cành xấu thì bà con giữ lại trong vườn để lấy quả. Vào ngày giáp Tết các khách hàng mua đào chủ yếu đến từ các tỉnh dưới xuôi, như: Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh…

Việc gắn tem lên cây đào theo văn bản của UBND tỉnh Sơn La gửi Thủ tướng Chính phủ, để phân biệt giữa đào trồng và đào rừng người dân rất đồng tình ủng hộ. 

Tuy nhiên, không ít chủ vườn còn tâm tư và băn khoăn về quy trình dán tem như thế nào? Chi phí mua tem ai sẽ là bên chi trả.

 Sơn La: Nông dân băn khoăn về dán tem lên gốc cây đào vườn - Ảnh 2.

Việc dán tem để phân biệt đào trồng và đào rừng, các nhà vườn đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn còn băn khoăn về thủ tục, chi phí mua tem bên nào sẽ chi trả tiền.

Ông Tráng A Dơ, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ chia sẻ: "Trước đây tôi trồng ngô để trang trải cuộc sống, sau đó ngô mất giá tôi mới chuyển sang trồng đào trên nương mong sao có nguồn thu nhập ổn định. Giờ nghe thông tin dán tem lên cây đào, tôi không biết có phải bỏ số tiền ra mua tem không...".

Theo anh Dơ, nếu phải mua tem thì bắt buộc nông dân phải tăng giá bán đào lên. Như vậy sẽ đội giá, bán đắt quá thì không biết có ai mua không. 

"Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết, nhưng chưa rõ thủ tục dán tem như nào tôi sợ năm nay khó bán đào lắm", anh Dơ thổ lộ lo lắng.

 Sơn La: Nông dân băn khoăn về dán tem lên gốc cây đào vườn - Ảnh 3.

Tại bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) hộ gia đình nào cũng trồng đào tại vườn. Số gốc đào từ vài chục cây đến khoảng 100 cây, chưa kể hàng ha trồng trên nương.

Được biết vào chiều 13/1, UBND tỉnh Sơn La có Văn bản số 14/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp "người dân không tự ý chặt, phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết", UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương rà soát diện tích cây đào trên địa bàn tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La khai thác, bán, vận chuyển cây đào dịp Tết Nguyên đán năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ đạo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

 Sơn La: Nông dân băn khoăn về dán tem lên gốc cây đào vườn - Ảnh 4.

Thời gian qua, việc trồng đào tại vườn đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Qua rà soát cho thấy diện tích cây đào trồng trên địa bàn tình Sơn La hiện đạt 5.000 ha, chủ yếu do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà. 

Tại huyện Vân Hồ có hơn 500 ha trồng cây đào bán dịp Tết, tất cả đều trồng tập trung trên nương, đồi của người dân sở tại. Cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết nguyên đán. Các hộ trồng đào mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi.

 Sơn La: Nông dân băn khoăn về dán tem lên gốc cây đào vườn - Ảnh 6.

Hàng năm cứ đến những ngày giáp Tết Nguyên Đán, đào vườn được người dân đưa ra ven đường quốc lộ 6 bán kiếm thêm thu nhập.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, hiện nay không có quy định về trình tự thủ tục hành chính đối với việc lập hồ sơ khai thác cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả cây hàng năm, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Để đảm bảo việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các huyện trong việc hỗ trợ nhân dân trồng đào có thể khai thác tăng thu nhập cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở NNPTNT Sơn La đề nghị UBND tỉnh có kiến nghị với Bộ NNPTNT có hướng dẫn các địa phương thực hiện khai thác cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả cây hàng năm, cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem