Cảng cá Thọ Quang là cảng cá lớn nhất miền Trung. Đây là nơi neo đậu của hàng trăm tàu thuyền của các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.
Cảng cá Thọ Quang tập trung các tàu đánh bắt hải sản của Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung để bán hàng cho các thương lái phân phối khắp nơi.
Với khoảng 500 tàu thuyền thường xuyên ra vào, thải ra môi trường nước các loại dầu, nhớt từ động cơ rất lớn. Mỗi ngày, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang còn nhận một lượng lớn rác trôi nổi, các chất thải trong quá trình buôn bán, sơ chế, đóng gói, chế biến thủy sản,... Nơi đây đã trở thành “điểm nóng” ô nhiễm của Đà Nẵng.
Người dân phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông phải sống chung với ô nhiễm. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, rác thải ứ đọng bốc lên mùi không thể chịu nổi.
Theo ghi nhận của phóng viên, rác có mặt ở hầu hết mọi nơi, nước bốc mùi hôi thối, rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Môi trường nước và không khí khu vực này ô nhiễm nặng nề. Rác chủ yếu là là bao nylon, chai nhựa, vỏ hộp cơm…
“Tôi là người sống và đậu thuyền ở đây còn chịu không nổi, huống chi người khác. Ở đây nước đứng, đâu chảy được, rác tụ lại bốc mùi hôi kinh khủng”, ông Lê Việt, trú tại phường Thọ Quang, bức xúc nói.
Không những dưới nước...
...trên bờ cũng “la liệt” rác khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ hơn.
Ông Phạm Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho biết, tất cả rác thải đều được thu gom, xử lý trong ngày. Những ngày có biến động thì ưu tiên thu gom tất cả rác thải tập kết thành từng đống gọn gàng trên mặt kè, để hôm sau bỏ vào thùng vận chuyển về điểm tập kết và tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, thường là 2-3 ngày mới hoàn tất thu gom sạch sẽ bờ kè.
Được biết, chính quyền địa phương, hội đoàn thể và các CLB vì môi trường cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo bà con ngư dân, các tiểu thương buôn bán hải sản và các doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm trên vẫn không hề cải thiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.