Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Láng tại xóm Bầu, thôn Vị Khê (xã Liên Vị), bà Đỗ Thị Hí chỉ tay ra phía ruộng của gia đình (rộng 2,5 sào), cùng toàn bộ những thửa ruộng lân cận khác đang chìm nghỉm giữa mênh mông biển nước. Mặt nước gợn sóng chỉ còn thấp thoáng bóng ngọn lúa non ngả rạp. Bà Hí nói giọng xót xa: “Vụ trước dân Vị Khê được mùa, chưa kịp mừng thì vụ này chúng tôi đứng trước nguy cơ đói hẳn. Đến nay hầu hết bà con đã gieo cấy đến lần thứ 3, nhưng tất cả đều bị hỏng vì úng lụt. Nhà tôi có 6 khẩu, tất cả chỉ trông chờ vào hạt thóc”.
Cánh đồng mẫu của xã Liên Vị rộng 10ha chìm nghỉm trong biển nước.
Trên cánh đồng xóm Bấc, bà Phạm Thị Khoa (xóm Đình, thôn Vị Khê, xã Liên Vị) nét mặt buồn rầu khi vừa ra thăm đồng về. Bà nói: “Chúng tôi nông dân đã vất vả, đến nay càng thêm cực. Nhà tôi có 7 sào, gieo mạ đến 3-4 lần rồi mà bây giờ nước vẫn mênh mông. Đến nay nhà tôi chỉ còn 2 bao thóc giống, tôi đã ngâm chờ cho nước cạn để gieo tiếp”.
Tại cánh đồng mẫu của xã Liên Vị, toàn bộ 10ha cũng mênh mông nước. Trên cánh đồng mẫu này, Bà Nguyễn Thị Bạn (xóm Hàn, xã Liên Vị) có 6 sào ruộng, từ đợt cuối tháng 5 bà đã xuống đồng gieo cấy, nhưng đến đầu tháng 7 thì toàn bộ bị úng lụt hư hỏng hết. Bất đắc dĩ, bà Bạn cùng nhiều người dân xã Liên Vị phải gieo vãi lại thóc giống, nhưng từ nửa tháng nay gieo đi gieo lại đến 2-3 lần đều bị hỏng vì úng lụt. Cây lúa vừa lên được khoảng 10cm thì bị thối thân, rễ chết hết.
Do bị úng lụt lâu ngày, lúa non vừa mọc lên đã chết thối.
Bà Bạn ngao ngán: “Đấy chú xem, xã cho tháo cừ mấy hôm nay rồi mà nước trong ruộng có rút đi được đâu. Mưa lớn kéo dài là một phần, nhưng hệ thống kênh ngòi thì ngày càng bị thu hẹp, ách tắc mà xã không chịu đầu tư nạo vét. Trong khi đó, đường mương tiêu thoát nước ra cống cũng bị xã giao cho người ta quây ao nuôi trồng thì bảo sao mà ruộng không bị úng lụt”.
Theo lời bà Bạn nói, PV Dân Việt đã cùng người dân đi dọc tuyến đường chân đê Hà Nam tới khu vực cừ thoát nước của xã Liên Vị. Toàn bộ hệ thống mương tiêu, cấp nước đều quá nhỏ hẹp do phải nhường đất cho các hộ đắp ao; kênh ngòi từ trong khu dân cư ra ruộng hầu hết bị tắc nghẽn do rác và cây bèo; cả xã chỉ có một cừ thoát nước chính thì lại quá nhỏ hẹp, không đủ công năng.
Hệ thống kênh, ngòi tiêu thoát nước bị vây kín bởi bèo, rác...
Theo nhiều người dân xã Liên Vị, vào những năm trước đây khi xảy ra lụt đồng ruộng như thế này, xã chỉ cho tháo cừ 1 ngày là cạn. Nhưng nay thì hầu hết sông ngòi, kênh rạch ven ruộng đều bị thu hẹp và vây kín bởi bèo và rác, khiến nước không thể tiêu thoát được.
Không chỉ riêng Liên Vị, mà nhiều xã, phường khác trên đảo Hà Nam những ngày này cũng xảy ra tình trạng ruộng đồng bị úng lụt, như Tiền Phong, Phong Hải, Cẩm La. Khắp nơi, từ trong nhà ra đến ngoài chợ, đến đâu người dân cũng than về chuyện nguy cơ mất mùa do úng lụt. Quá bức xúc trước việc nhiều cánh đồng luôn trong tình trạng ngập úng, bà con chỉ biết kêu cứu tới trưởng thôn, hợp tác xã. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có gì biến chuyển.
Một con mương bị thu hẹp và lấp kín lâu ngày tại thôn Vị Khê, xã Liên Vị.
Ông Đặng Văn Trung (Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Liên Vị 2) cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là giải quyết việc tiêu thoát nước, nhưng đến đâu bà con cũng kêu, khiến chúng tôi cũng rất sốt ruột. Đây là trách nhiệm của chính quyền xã”.
Dù PV đã ghi nhận hình ảnh úng lụt trên hầu hết các cánh đồng xã Liên Vị, nhưng khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Chiến, Chủ tịch UBND xã Liên Vị, vẫn cho rằng: “Việc tháo cừ cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước cho đồng ruộng. Toàn bộ diện tích trồng lúa của xã là 487ha, chúng tôi chỉ cần 5-6 tiếng là nước tiêu thoát hết”(?).
Một trong số các hộ đắp ao nuôi trồng tại chân đê Hà Nam (khu vực xã Liên Vị), làm thu hẹp dòng chảy của mương thoát nước.
Về việc một số hộ đắp ao chân đê để nuôi trồng, làm thu hẹp dòng chảy của mương thoát nước, ông Chiến khẳng định: “Chúng tôi đã dẹp hết!”. Tuy nhiên, hình ảnh và tư liệu mà PV thu thập được lại trái ngược hoàn toàn với lời ông Chiến khẳng định.
Chưa bao giờ người dân đảo Hà Nam rơi vào tình trạng úng lụt ruộng đồng kéo dài như vậy. Việc giải quyết tận gốc tình trạng này không phải trong một sớm một chiều, mà cần thời gian để hoàn thiện lại toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước. Nhưng trước hết, người dân cần sự san sẻ, muốn thấy sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, chứ không phải là sự thờ ơ, né tránh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.