Đàn Xã tắc có nguy cơ bị xâm hại: Sẽ chọn phương án hài hòa

Thứ tư, ngày 17/04/2013 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xung quanh việc di tích Đàn Xã Tắc có nguy cơ bị xâm phạm, PV NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Đình Thành – Phó phòng Quản lý di sản, Cục Di sản văn hoá, Bộ VHTTDL.
Bình luận 0
img
 

Thưa ông, Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội (BQLDATĐ) cho biết, dự án xây cầu vượt ngã 5 Ô Chợ Dừa đi qua di tích Đàn Xã Tắc đang được trình Chính phủ phê duyệt và Bộ đã có văn bản thống nhất về dự án. Vậy ông có thể nói rõ hơn về văn bản này?

- Trên cơ sở ý kiến của Sở VHTTDL Hà Nội vào tháng 7.2012, Bộ đã có công văn ngay sau đó, trong đó nội dung là có 5 phương án, trong đó thống nhất chọn phương án 2C-1 là phương án hài hoà giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Theo bản thiết kế của phương án 2C-1 thì một phần của cầu sẽ lấn sang khu di tích nhưng đây là phần kiến trúc trên cao. Còn 2 hố móng của cầu sẽ không nằm trong phạm vi khu vực khoanh vùng bảo vệ Đàn Xã Tắc.

Cho nên toàn bộ dấu vết, khảo cổ ở dưới lòng đất sẽ vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Trước đây, Bộ có lưu ý rằng, phải thu hẹp cây cầu, cố gắng làm ảnh hướng ít đến diện tích của di tích, hai nữa là móng cầu sẽ không ảnh hưởng đến khảo cổ. Ngày 25. 7.2012, trong công văn cuối cùng, Bộ đã thoả thuận với phương án 2C-1, cả Sở VHTTDL, trên cơ sở ý kiến này sẽ làm việc với bên ngành giao thông thống nhất tới phương án cuối cùng.

Được biết năm 2007 trong biên bản, bản đồ diện tích khoanh vùng bảo vệ khu di tích là 1,571,8m2. Tuy nhiên nhiều ý kiến của các chuyên gia khoa học lại cho rằng, thực trạng khoanh vùng bảo vệ Đàn Xã Tắc hiện tại không thể đủ diện tích 1.000m2 chứ đừng nói là 1.571.8m2. Vậy ông nghĩ sao về điều này?

- Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe được thông tin như bạn đang nói. Trong bản đồ, biên bản hồ sơ khoanh vùng diện tích của Đàn Xã Tắc, đều có biên bản của những đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc lập bản đồ. Vì thế có thể nói hồ sơ của họ đưa ra là hoàn toàn chính xác không thể nào sai được.

img
Hình ảnh của cây cầu vượt được BQLDATĐ gửi lên Bộ, và 2 trụ móng nằm ngoài phạm vi của khoanh vùng bảo vệ 1 của di tích Đàn Xã Tắc.

Vậy sau khi biết được thông tin, Bộ có nghĩ rằng sẽ xem xét, hay yêu cầu xác minh về diện tích khoanh vùng hiện tại của Đàn Xã Tắc?

- Trước tiên, chúng tôi làm việc trên hồ sơ, mà hồ sơ này do BQLDA phát triển đô thị là chủ đầu tư của dự án này, vậy họ sẽ phải chịu tư cách pháp nhân trước UBND TP.Hà Nội về toàn bộ hồ sơ mà họ đã trình ra. Thứ nữa là hồ sơ này đã được chuyển qua Sở VHTTDL Hà Nội thẩm định, sau đó họ có công văn, kèm với bộ hồ sơ gửi tới Bộ.

Vì vậy với trách nhiệm của Cục thì dựa trên cơ sở các hồ sơ có thủ tục pháp lý, chúng tôi mới có ý kiến trả lời. Sở là cơ quan trực tiếp của TP.Hà Nội phối hợp cùng với BQLDATĐ Hà Nội triển khai thực hiện phương án 2C-1, họ sẽ là nơi chịu trách nhiệm và xem xét chứ Bộ không thể đi xác minh là diện tích đó có đúng hay không được.

Rất nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn như GS Trần Lâm Biền, TS Nguyễn Hồng Kiên, GS Nguyễn Quang Ngọc… đều cho rằng, không nên động vào di tích văn hoá dân tộc?

- UBND TP .Hà Nội và các bên liên quan kể cả các nhà khoa học đã có rất nhiều cuộc họp, bàn về phương án lựa chọn tuyến xây dựng cầu, tuyến Ô Chợ Dừa, Nguyễn Lương Bằng... cho hợp lý nhất, rồi thì dịch chuyển sang trái hay phải để tránh hạn chế xâm phạm di tích và đồng thời hạn chế tối đa việc giải toả đền bù trong khu vực này.

Giải pháp phương án 2C-1 đã được Sở GTVT, Sở VHTTDL Hà Nội, Bộ VHTTDL lựa chọn và thấy rằng phương án này là phương án phù hợp nhất, ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc ít nhất và giảm được mức tối thiểu đền bù, hạn chế tối đa tiền đầu tư. Trên cơ sở đồng thuận của tất cả các bên, Bộ đã đồng ý với phương án 2C-1 và ký văn bản thoả thuận vào tháng 7.2011.

“Bộ không vi phạm Luật Di sản văn hoá về việc thống nhất xây cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa. Theo Luật sửa đổi và bổ sung mới thì được phép xây dựng tại khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ di tích nhưng phải được sự thống nhất của các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.

Theo như ông nói, Bộ đã đề nghị lòng đường của cầu vượt thu nhỏ lại và còn là 14,5m. nhưng chiều dài của cầu là 632m, với 4 làn xe x 3,25m, và như vậy cầu vượt sẽ gồm 9 hoặc 10 nhịp, nghĩa là khoảng 60m sẽ có 1 trụ/mố cầu. Trong khi đó, khu di tích đã được xếp hạng lại có chiều dài trùng với tuyến cầu vượt. Vậy làm sao đảm bảo rằng, không có mố cầu nào xâm hại đến di tích?

- Nói thật chúng tôi cũng rất quan tâm và lo lắng rằng khi xây dựng cây cầu vượt này, mố cầu sẽ làm ảnh hưởng đến bên dưới của di tích. Nhưng qua bản vẽ của BQLDA gửi lên Bộ thì thấy rằng cầu vượt nằm song song với chiều dài di tích nhưng 2 mố cầu lại được dựng nằm ngoài phạm vi vành đai của di tích. Điều quan trọng nữa là BQLDA đã cam kết chắc chắn các mố cầu sẽ không nằm vào phạm vi của di tích Đàn Xã Tắc. Chính vì vậy chúng tôi mới yên tâm và ký văn bản thoả thuận.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem