Đăng ảnh trẻ em lên Facebook: Thế nào là phạm pháp?

Ngọc Phạm Thứ sáu, ngày 03/06/2016 00:00 AM (GMT+7)
Nếu đăng tải hình ảnh của trẻ em lên mạng xã hội mà không xin phép, gây hậu quả nghiêm trọng thì người đăng tải có thể sẽ phải hầu tòa.
Bình luận 0

img

Không phải mọi trường hợp đăng ảnh trẻ em lên mạng đều vi phạm pháp luật. (Ảnh chụp màn hình)

Không phải mọi hình ảnh đều vi phạm

“Người đăng ảnh trẻ em lên các trang mạng xã hội như Facebook mà không xin phép có thể sẽ phải hầu tòa” là thông tin đang nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam quan tâm. Thông tin này xuất hiện khi Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa 13 thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6.2017.

Liên quan tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay đang có một số người nhầm lẫn việc đăng bất cứ hình ảnh nào của con trẻ cũng là vi phạm pháp luật. Hiểu như thế là chưa đúng tinh thần của luật mới”.

“Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn về những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì tôi cho rằng, việc đăng tải các hình ảnh bị nghiêm cấm chỉ là những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn những hình ảnh mang tính chỉ trích, bôi nhọ, bêu rếu, xúc phạm có thể làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của trẻ, gây ảnh hưởng tới tương lai của trẻ về sau”, luật sư Thảo nói.

Thực tế, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) từng giải thích: Hành vi tự ý đăng tải ảnh con lên mạng xã hội sẽ là hành vi vi phạm pháp luật khi Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi đưa hình ảnh con em lên mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật.

Theo ông Nam, hình ảnh trẻ em ở trạng thái không mặc quần áo hoặc những thông tin cá nhân của trẻ,... là những gì không nên xuất hiện trên mạng xã hội. Việc làm lộ thông tin trường, lớp, lịch học hay địa chỉ trang cá nhân,... của trẻ sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu bắt chuyện làm quen, từ đó có thể có hành vi lợi dụng, thậm chí xâm hại tình dục và bắt cóc trẻ.

img

 Việc cô giáo nhờ các trò để tỏ tình trên Facebook từng tạo ra một trào lưu. (Ảnh chụp màn hình)

Trẻ đủ 7 tuổi đã tự quyết định được hình ảnh của mình

Trong các hành vi bị cấm được nêu trong Điều 6 Luật Trẻ em 2016, có hành vi “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Về quy định “trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên”, luật sư Lư Quang Vinh - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, đó là quy định tương tự trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên được xem là đã có thể tự đưa ra quyết định, nguyện vọng của cá nhân trong các vụ việc có liên quan.

Luật sư Vinh cũng khẳng định lại rằng, Luật Trẻ em 2016 còn một năm nữa mới bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, khi luật này có hiệu lực, hành vi đăng tải hình ảnh của trẻ em cũng chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi gây ra hậu quả nào đó. Và hình phạt đối với người có hành vi vi phạm được quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016).

img

Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016.

“Vừa qua có trường hợp cô giáo mầm non đăng ảnh các bé cầm bảng “Chú có yêu cô giáo cháu không”, theo tôi hình ảnh này không ảnh hưởng gì cả. Rõ ràng cô giáo này không có ý đồ gì xấu, vụ việc chỉ mang tính hài hước, không gây ảnh hưởng tới tâm lý, sự phát triển bình thường của trẻ. Tuy nhiên, nếu gia đình không thích thì chỉ cần yêu cầu cô giáo gỡ hình. Có chăng là các “anh hùng bàn phím” thể hiện cảm xúc quá đà theo xu hướng đám đông nên đã đẩy vụ việc lên cao trào”, luật sự Vinh nêu ví dụ.

Cân nhắc khi đăng ảnh người khác

Về sự quan trọng của Luật Trẻ em 2016, luật sư Nguyễn Thạch Thảo đánh giá: “Rõ ràng trong thời buổi công nghệ thông tin đang bùng nổ như hiện nay thì việc ban hành các quy định pháp luật để nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế các trường hợp lạm dụng, sử dụng hình ảnh của trẻ em một cách tùy tiện, một cách tiêu cực là rất cần thiết”.

Luật sư Thảo cho rằng, môi trường mạng xã hội là môi trường rất khó kiểm soát thông tin. Ở đó người tham gia mạng xã hội sẽ tự quyết định các thông tin do mình đăng tải, chia sẻ. Do vậy, bất cứ vấn đề gì hay bất cứ hình ảnh nào mà chúng ta muốn đăng tải, nhất là liên quan một người khác thì phải có sự cân nhắc những mặt tích cực, tiêu cực.

Cũng theo luật sư Thảo, không riêng gì trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cần được pháp luật bảo vệ về mặt hình ảnh. “Hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng kinh doanh áo cưới hay sử dụng hình ảnh của các cô dâu chú rể trong ngày cưới để quảng cáo cho cửa hàng của mình. Về nguyên tắc, việc sử dụng hình ảnh đó phải được sự đồng ý của chủ nhân”, luật sư Thảo nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem