Đắng cay nghề giáo (Bài 2): Phạt hay… buông?

Tùng Anh Thứ ba, ngày 13/03/2018 06:20 AM (GMT+7)
Hệ quả của sự “sòng phẳng” trong giáo dục sau những vụ giáo viên phải hứng chịu đòn roi và sự sỉ nhục của phụ huynh, học sinh chính là tâm lý… co mình để đảm bảo an toàn cho bản thân. “Phạt hay… buông?” là câu hỏi đang nhức nhối hàng ngày của mỗi giáo viên trên bục giảng.
Bình luận 0

Học sinh ngỗ nghịch… coi như không có

Bài học từ vụ cô giáo Long An bị phụ huynh ép quỳ những ngày qua khiến cô T.T.H – giáo viên cấp 2 ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) nhớ lại kỷ niệm buồn cách đây 2 năm của mình. Cô H kể, giờ kiểm tra sử, khi phát hiện một học sinh cá biệt lớp 8 quay cóp tài liệu, cô xuống tận nơi nhắc nhở, đến lần thứ 3 thì cô tịch thu cuốn tập của em. Em đó đã giằng co, vứt tập qua cửa sổ rồi văng tục. Cô H đã yêu cầu em úp mặt vào góc lớp các tiết học khác của cô trong tuần cho đến khi em xin lỗi sẽ tha thứ. Nhưng qua 2 tiết học, học sinh đó vẫn… úp mặt vào tường, không chịu xin lỗi. “Sau đó tôi bị phụ huynh “kiện” đòi đổi giáo viên, đòi nhà trường kỷ luật, hạ thi đua, hạ khen thưởng cuối năm vì hình phạt quá nặng này khiến con họ xấu hổ với bạn bè, không muốn đi học nữa. Họ còn cho rằng sử chỉ là môn phụ, tôi cần gì phải khắt khe với con họ...” – cô H kể.

img

 Nhiều người lo ngại, giáo viên sẽ có tâm lý co mình để đảm bảo an toàn sau các vụ việc bị đánh và sỉ nhục (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Anh

Cô H cho biết thêm, sau vụ đó, cô luôn phải tự đề ra những nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho mình. Đối với những học sinh ngỗ nghịch hãy… bỏ qua, coi như không có trong lớp.

Không chỉ cô  H, nhiều giáo viên hiện nay đều phải chịu áp lực đối với học sinh cá biệt khi đứng trên bục giảng nhưng bị “tước quyền” sử dụng các hình phạt. “Nhất cử nhất động” của thầy cô đều có thể bị học sinh quay clip tung lên mạng, bị phụ huynh can thiệp, bị các “anh hùng bàn phím” xâu xé.

“Muốn đứng vững trên bục giảng, thầy cô phải thuộc lòng rất nhiều nguyên tắc: “Không đánh học sinh, không phạt học sinh đứng xó, không đuổi ra ngoài, không quát mắng xúc phạm, không bắt viết 100 lần lời xin lỗi, không được dùng điểm để phạt… Để thực hiện được như thế, giáo viên chỉ còn cách thờ ơ với tất cả, lên lớp như… một cỗ máy” - cô giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Trang - đã  phải bỏ nghề sau cái tát vào má một học sinh trong lúc thiếu kiềm chế - cay đắng nói.

Phạt trong khuôn khổ?

Phản đối những hình phạt mang tính chất bạo lực, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, hình phạt vẫn rất cần trong môi trường sư phạm. Để “gỡ khó” cho giáo viên, trong quy chế đối với giáo viên bộ môn, Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã cụ thể hóa quy định trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh kèm theo các hình phạt có thể sử dụng.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Có 5 nguyên tắc có thể áp dụng: Thứ nhất, phải tôn trọng học trò, chấp nhận cả ưu và nhược điểm. Thứ hai, cho phép học trò lựa chọn những hình thức giáo dục phù hợp. Thứ ba, không vội vàng kỷ luật học sinh. Thứ tư, giáo viên luôn giải quyết vấn đề một cách khách quan nhất. Và cuối cùng, phải biết “gieo” nhu cầu học tập cho học sinh, để học sinh thấy việc học là cần thiết".

Còn theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), quy chế trong trường học, Luật Trẻ em, Luật Dân sự và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đều cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, quỳ gối, chạy quanh sân trường… Đó là những hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

img

Cảm hóa bằng yêu thương

“Giáo viên hiện nay phải đối diện với nhiều tình huống sư phạm không có trong bất kỳ chương trình đào tạo nào, thường làm khó giáo viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm giảng dạy. Họ rất dễ mắc sai lầm và gây ra hậu quả đáng tiếc.
Học trò chỉ tôn trọng chúng ta khi chúng ta cũng thật sự tôn trọng các em. Xã hội đã thay đổi, hãy cảm hoá các em bằng tình yêu thương, bằng sự trách nhiệm, nhưng cũng phải nghiêm khắc với những lỗi các em mắc phải. Giáo dục là một quá trình cần sự kiên nhẫn, đồng cảm và thấu hiểu học trò của mình, chứ không đơn thuần là một tiến trình truyền thụ kiến thức từ thầy sang trò, từ thế hệ trước cho thế hệ sau”.

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh ngành giáo dục Đại học Newcastle, Australia

img

Giáo viên cần được quyền từ chối dạy

“Một số phụ huynh hiện nay tự cho mình quá nhiều quyền năng. Họ bất chấp tất cả, sẵn sàng đòi công bằng cho con mình ở mọi nơi, mọi lúc dù đứa trẻ hư, bất trị. Ngược lại, giáo viên hiện nay không được quát, phạt và cũng không được từ chối dạy học sinh. Trước đây, học sinh ngang ngược vi phạm nội quy có thể bị đuổi học. Chuyện đuổi học là một hình thức răn đe nghiêm khắc và có hiệu quả. Học sinh sợ bị đuổi học sẽ ngoan hơn, phụ huynh sợ con bị đuổi học sẽ cư xử đúng mực hơn. Ngược lại, giáo viên cũng được tôn trọng hơn và có tiếng nói hơn trong việc giáo dục học trò”.

TS Vũ Thu Hương – giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem