“Dâng” đất vàng cho nhà đầu tư Trung Quốc

Thứ năm, ngày 19/07/2012 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có một nghịch lý tại "vương quốc khóm" Tân Phước: Nhà đầu tư Trung Quốc được trải thảm đỏ, giao đất với giá rẻ mạt thì những nông dân bản xứ được trải thảm gai, tương lai mờ mịt...
Bình luận 0

Theo giấy chứng nhận đầu tư cấp cho ông Weng MingZhao (người Trung Quốc) - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH phát triển KCN Long Giang, ngành nghề kinh doanh của công ty này là khai thác, kinh doanh KCN và bất động sản, thu hút khoảng 300 nhà đầu tư. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, trên mảnh đất vàng rộng đến 540ha này, chỉ có 4 doanh nghiệp hoạt động.

img
Anh Dương Văn Dàng trước căn nhà của mình, bên cạnh là căn nhà cũ nát của cha anh.

Cho không, biếu không

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, tại KCN Long Giang tồn tại một nghịch lý không thể hiểu nổi: Nông dân không được bồi thường khi thu hồi đất mà chỉ được bồi thường hoa màu trên đất.

Trong khi đó, dù nằm ở vị trí đắc địa, cặp hông đường cao tốc Trung Lương - TP. HCM, cách TP. Mỹ Tho chưa đầy 10km và cách TP.HCM khoảng 30km, tỉnh Tiền Giang lại không hề thu tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư.

Để thâu tóm 540ha đất nông nghiệp đang sinh lợi, họ chỉ chi 123 tỷ đồng - là khoản tiền bồi thường hoa màu trên đất của dân và một số chi phí khác. Không chỉ được "biếu không" đất vàng, nhà đầu tư Trung Quốc còn được tỉnh Tiền Giang ưu đãi nhiều thứ khác.

Cụ thể, doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng 10% lợi nhuận thu được trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; giảm tiếp 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được miễn tiền thuê đất trong 15 năm.

Do người dân liên tục khiếu kiện, không đồng ý mức hỗ trợ, bồi thường nên tháng 7.2011, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định hỗ trợ thêm cho dân 100 triệu đồng/ha đất bị thu hồi, tổng số tiền phải chi là 54 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, đây là tiền do chủ đầu tư KCN Long Giang chi trả. Thực tế, số tiền này UBND tỉnh "tạm ứng" ngân sách tỉnh, không nói gì đến thời hạn trả nợ cũng như tiền lãi. Một năm đã trôi qua, ông chủ Weng MingZhao vẫn chưa chi đồng nào để trả về ngân sách.

Dân nghèo lãnh đủ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với hơn 1.000ha đất đang bỏ hoang, mỗi năm xã Tân Lập 1 mất đứt 70 tỷ đồng tiền bán khóm - số tiền mà lẽ ra nông dân được hưởng. Năm 2007, tỉnh chỉ triển khai KCN Long Giang, nông dân đã khốn đốn nhưng tỉnh này vẫn không dừng tiến độ "làm công nghiệp" khi Dự án Khu dân cư Hoà Cường 1, 2, sân golf, KCN Tân Phước 1… lần lượt ra đời.

Những đồng khóm ngày nào rộn tiếng cười đùa vào mùa thu hoạch giờ xác xơ tiêu điều. Nhiều người dân phải bỏ làng đi nơi khác làm thuê. Những căn nhà rách nát, bỏ hoang cũng xuất hiện nhiều hơn.

Ông Bùi Như Hiển (ấp 1, xã Tân Lập 1) nói:

"Quê tôi ở Thái Bình, cha là liệt sĩ nên tài sản để lại cho con chỉ là tinh thần yêu nước, yêu lao động. Nhà nghèo, năm 1993, tôi tự nguyện di dân về đây khai phá đất hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Cả nhà quần quật gần 20 năm, thành quả thu về là 5ha đất khóm màu mỡ, năng suất rất cao.

Chúng tôi còn chưa kịp trả hết nợ nần đầu tư trên đất thì tỉnh Tiền Giang đòi lấy đất làm KCN Tân Phước 1. Nếu việc thu hồi đất cũng diễn ra như ở KCN Long Giang, coi như chúng tôi bị dồn đến bước đường cùng".

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Vui - nguyên Giám đốc Nông trường Tân Lập, 1ha khóm mỗi năm có thể sinh lợi nhuận 40 - 50 triệu đồng. Với diện tích 540ha tại KCN Long Giang, trong 15 năm mà doanh nghiệp được "xài chùa", coi như nông dân bị tước đi khoản sinh lợi trên dưới 400 tỷ đồng.

Anh Hồ Quang Huấn - người cả chục lần ra Hà Nội khiếu nại vượt cấp cho biết, nếu giao đất cho nhà đầu tư, chắc chắn cả gia đình anh sẽ đói.

"Họ bồi thường 181 triệu đồng/ha cho thiệt hại hoa màu, coi như huề tiền mà nông dân đã đầu tư như cây giống, phân, thuốc, lãi vay, nhân công... Số tiền thực sự gọi là hỗ trợ chỉ có 100 triệu đồng/ha, làm sao có thể mua được đất sản xuất?" - anh Huấn bức xúc.

Theo chứng nhận đầu tư, KCN Long Giang sẽ kết thúc san lấp mặt bằng vào tháng 10.2009, xây dựng cơ sở hạ tầng vào tháng 7.2010 nhưng thực tế hơn 80% số đất tại đây vẫn bỏ hoang.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang, nhiều nhà đầu tư hiện rất ngại đổ vốn vào KCN Long Giang bởi mâu thuẫn giữa dân và chính quyền đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Còn tại Dự án KCN Tân Phước 1, đã công bố chủ trương từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai do thủ tục chưa hoàn chỉnh, về nguyên tắc là phải thu hồi. Tỉnh Tiền Giang đã gia hạn cho chủ đầu tư đến 13.3.2012 phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và quy hoạch chi tiết, nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện và dự án vẫn không bị thu hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem