Tàu đường sắt tốc độ cao chạy nhanh nhất thế giới ở nước nào, bao nhiêu km/h?
Tàu đường sắt tốc độ cao chạy nhanh nhất thế giới ở nước nào, bao nhiêu km/h?
Thế Anh
Thứ tư, ngày 02/10/2024 20:12 PM (GMT+7)
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Nhật Bản là nước nghiên cứu và phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao đầu tiên trên thế giới. Tại Nhật Bản, tàu đường sắt tốc độ cao chạy nhanh nhất với tốc độ 581 km/h (hiện giữ kỷ lục thế giới).
Bộ GTVT cho biết, kinh nghiệm lựa chọn sử dụng công nghệ đường sắt tốc độ cao của các nước trên thế giới có nguyên tắc chung là cần đảm bảo sự phù hợp của công nghệ với các yếu tố như điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, thói quen đi lại của người dân,... nhằm mục đích nâng cao khả năng phục vụ và giảm giá thành.
Về lịch sử hình thành công nghệ cũng như sự lựa chọn công nghệ của các nước, Nhật Bản là nước nghiên cứu và phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao đầu tiên trên thế giới.
Nhật Bản nghiên cứu đường sắt tốc độ cao, bởi đất nước này có điều kiện địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, khối lượng công trình lớn nên phát triển công nghệ đoàn tàu sao cho tiết kiệm nhất chi phí xây dựng hạ tầng.
Vào những năm 1957 khi Công ty đường sắt Odakyu ở vùng thủ đô Tokyo ra mắt dịch vụ Romancecar với series tàu 3000 SE, loại tàu này đã lập kỷ lục thế giới nhanh nhất thế giới khi chạy trên đường sắt khổ hẹp với tốc độ 145 km/h.
Đến năm 1964, Công ty Công nghiệp nặng Kawasaki chế tạo, đã đạt tốc độ chuyên chở hành khách tối đa 210 km/h. Đến năm 2003 vẫn là Nhật Bản - với mẫu tàu model MLX01 đã vượt mức tốc độ là 581 km/h (hiện giữ kỷ lục thế giới).
Tiếp theo đó, Pháp là nước nghiên cứu và phát triển công nghệ sau Nhật Bản. Pháp có điều kiện địa hình khá bằng phẳng, tàu chủ yếu chạy trên nền đường đắp. Nhu cầu vận tải không lớn do không hình thành các hành lang tập trung đông dân cư.
Do vậy, đoàn tàu của Pháp có xu hướng tăng cường tính tiện nghi cho hành khách, cải thiện tốc độ đoàn tàu. Công nghệ của Pháp có sử dụng cho chạy chung khách với hàng hóa và chạy chung giữa tàu tốc độ cao với tàu thông thường. Tuy nhiên, hiện Pháp cũng đang chuyển dần sang khai thác riêng tàu khách chạy tốc độ cao.
Pháp có tàu TGV POS khi hoạt động bình thường tốc độ tối đa 321km/h nhưng vào năm 2007, con tàu này đã lập kỷ lục tốc độ thế giới cho các phương tiện đường sắt với tốc độ ấn tượng lên tới 574km/h, trước khi bị soán ngôi bởi dòng tàu L0 của Nhật Bản vào năm 2015.
Tàu TGV POS được vận hành bởi công ty đường sắt Pháp SNCF để sử dụng trên tuyến LGV Est, chạy giữa Paris, miền đông nước Pháp và miền nam nước Đức.
Tương tự, Đức bắt đầu hoạt động đường sắt tốc độ cao vào tháng 6/1991, một thập kỷ sau Pháp. Đức thuộc nhóm các nước có công nghệ gốc đã tự nghiên cứu và phát triển đường sắt tốc độ cao.
Tất cả các tuyến đường sắt tốc độ cao của Đức đều có khổ 1.435 mm và được điện khí hóa sử dụng nguồn điện 15 kV AC, 16,7 Hz, tốc độ khoảng 200 - 250 km/h, một số tuyến triển khai sau với tốc độ 300 km/h.
Công nghệ đường sắt tốc độ cao của Đức chủ yếu đến từ Siemens và hiện đã được xuất khẩu sang nhiều nước Châu Âu. Công nghệ đoàn tàu có cả 2 loại là động lực tập trung cho các thế hệ đoàn tàu cũ (ICE1 và ICE2) tốc độ khai thác 200-280km/h, công nghệ động lực phân tán EMU cho các đoàn tàu thế hệ mới (ICE3 và ICE4) tốc độ khai thác 250 - 300km/h.
Trong khi đó, Ý là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực phát triển đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu, đoàn tàu đầu tiên đưa vào khai thác năm 1977; thế hệ đoàn tàu tốc độ cao với tốc độ lớn hơn 300km/h mới đang khai thác của Ý hiện nay là AGV 575 và ETR1000. Đặc điểm nổi bật của đoàn tàu tốc độ cao của Ý là được trang bị hệ thống tự cân bằng tốt.
Sau đó công nghệ này cũng đã được phát triển ở các nước như: Nhật, Thụy Điển,... Tây Ban Nha nhập khẩu công nghệ từ Pháp và Đức.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã cải tiến các đoàn tàu bằng công nghệ điều chỉnh cự ly giữa 2 bánh xe để tàu có thể đi vào các loại khổ đường khác nhau do mạng lưới đường sắt cũ của Tây Ban Nha sử dụng khổ nhiều loại khổ đường. Thế hệ đoàn tàu mới tốc độ lớn hơn 300km/h đang khai thác hiện nay là S106/122/122M do Talgo-Alstom sản xuất, S108 do Alstom sản xuất, S109 do Alstom-Hitachi sản xuất.
Trung Quốc tiếp nhận công nghệ từ nhiều nước như: Đoàn tàu CRH-1 của Bombardier - Canada, CRH - 2 của Kawasaki - Nhật Bản, CRH - 3 của Siemens - Đức, CRH - 5 của Alstom - Pháp.
Tuy nhiên, sau khi làm chủ công nghệ, Trung Quốc đã tự phát triển các loại tàu như: CR400AF, CRH380. Mặc dù nhập khẩu nhiều loại công nghệ nhưng Trung Quốc định hướng sử dụng đoàn tàu động lực phân tán.
Tốc độ khai thác có nhiều dải tốc độ, 200Km/h, 250 Km/h và 350 Km/h. Chủ yếu tuyến đường sắt tốc độ cao được đầu tư chạy riêng để khai thác tàu khách.
Tại đất nước Hàn Quốc, vào tháng 12/2004, Hàn Quốc đã thử nghiệm thành công đoàn tàu HSR – 350x tự sản xuất.
Đến nay, Hàn Quốc đã sản xuất nhiều loại tàu như: Tàu KTX – Sancheon, HEMU - 430X, KTX - III, EMU - 250... Tốc độ khai thác tại Hàn Quốc là 305 Km/h.
Tại đất nước Nga, phát triển đường sắt tốc độ cao bằng việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu từ Mát-xcơ-va đi Xanh Pê-téc-bua. Đoàn tàu tốc độ cao được Nga nhập khẩu theo công nghệ Siemens của Đức. Do tuyến nâng cấp nên đoàn tàu này chỉ khai thác với vận tốc tối đa 250km/h và điểm khác biệt với các nước khác là tuyến này không chạy trên khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm mà chạy trên khổ đường 1.520mm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.