Trở về Việt Nam để làm Giám đốc nghệ thuật và Chủ tịch danh dự cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần đầu tiên diễn ra từ 5 đến 13-9, NSND Đặng Thái Sơn đã chia sẻ với NTNN những trăn trở, tâm huyết của mình với sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.
- Thưa NSND Đặng Thái Sơn, phải qua rất nhiều cố gắng, lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội mới tổ chức được một cuộc thi piano tầm cỡ quốc tế để chào đón sự kiện 1000 năm Thăng Long và 200 năm ngày sinh của nhạc sỹ vĩ đại người Ba Lan Frederik Chopin. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
|
NSND Đặng Thái Sơn |
- Tôi rất mừng khi có một sự kiện như vậy trong những dịp kỷ niệm trọng đại này. Đây là một sự kiện âm nhạc lớn nhằm phát hiện và hỗ trợ tài năng âm nhạc cổ điển trẻ ở lứa tuổi từ 10 đến 25- một điều khá hiếm hoi ở VN.
Tôi hy vọng, cuộc thi này sẽ góp phần đưa nền âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng yêu âm nhạc tại Việt Nam một cách sâu rộng hơn. Tôi còn muốn cuộc thi này sẽ tiếp tục được tổ chức hai năm một lần trong tương lai để trở thành một hoạt động văn hoá thường xuyên hơn.
Cùng ngồi ghế giám khảo với ông trong cuộc thi này sẽ là những tên tuổi nào?
- Ban tổ chức cũng rất cố gắng để mời càng nhiều chuyên gia uy tín càng tốt, 7 thành viên là: GS Trần Thu Hà (VN), nghệ sĩ Michel Bourdoncle (Pháp), GS. Hae Won Chang (Hàn Quốc), GS Teruko Hakuta (Nhật Bản), GS Kyunghee Lee (Australia), GS Ostrovsky (Nga), GS Snezana Panovska (Malaysia).
Toàn bộ các buổi thi diễn ra liên tục tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội trong 8 ngày sẽ mở cửa miễn phí cho công chúng yêu nhạc đến thưởng thức và đánh giá.
Với cá nhân ông, dường như năm 2010 này đánh dấu nhiều cột mốc trong sự nghiệp âm nhạc của ông?
- Năm nay nếu tính về mặt âm nhạc là năm toàn cầu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin. Cuộc đời tôi gắn liền với nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan và được ưu ái gọi là "Người của Chopin" nên đây là năm rất trọng đại với tôi. Kỷ niệm ngày sinh của ông (1-3) vừa qua đã có một cuộc biểu diễn rất lớn ở Ba Lan do ba pianist từng đoạt giải concours Chopin biểu diễn, trong đó có tôi.
Điều thú vị là vào tháng 10-2010, một lần nữa lại có concours mang tên ông. Concours năm nay có một sự cải cách lớn, giám khảo từ 26 người giảm xuống 12, gồm những người có uy tín về trình diễn Chopin tầm cỡ quốc tế. Tôi may mắn là một trong 12 giám khảo đó.
Riêng với Hà Nội, để góp phần vào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi có kế hoạch biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đúng ngày 1-10 để mở màn đại lễ. Năm nay, tôi kín lịch đến tháng 12.
Đã từng đi biểu diễn khắp thế giới, khi về VN, ông chắc chắn không thể không chứng kiến cảnh chuông điện thoại reo, trẻ con khóc, tiếng vỗ tay lạc lõng giữa bản nhạc... ở rất nhiều đêm diễn. Những điều đó có làm ông nản lòng không?
- Nếu nói với tư cách một nghệ sĩ, thì nghề của tôi đôi khi cũng khá... tàn nhẫn. Mỗi khi ra sân khấu, người nghệ sĩ buộc phải cố gắng hết sức, cho dù trước đó sốt, ốm, đau đớn, còn sự tiếp nhận của khán giả là một cái gì đó nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Có những khi tôi còn phải chịu nỗi đau lớn về tinh thần như sáng vừa nghe tin một người rất gần gũi với mình bị chết một cách thảm hại mà tối lại phải ngồi đánh một bài rất vui.
Đó là một vài mặt trái trong cuộc sống của người nghệ sĩ, đôi khi để khán giả hoan hô không phải là chuyện dễ dàng chút nào. Hiện VN được nhắc trên thế giới rất nhiều về những chuyển biến kinh tế, về những thay đổi ấn tượng... Nhưng điều đáng buồn là sự phát triển về văn hóa nói chung và nhạc cổ điển nói riêng thì còn thê thảm nếu không muốn nói là một vùng trũng.
Trong chuyến trở về biểu diễn tại TP.HCM vào tháng 2-2010, tôi đã từng nói vui với Ban tổ chức, TP.HCM sau bao nhiêu năm đã giàu có lên bao nhiêu, vậy mà vẫn không có một phòng hoà nhạc tử tế, bởi tôi vẫn được mời đến để biểu diễn trong khách sạn Sofitel (cười).
Nếu so với các nước trong khu vực thì sự phát triển của âm nhạc cổ điển VN đang ở đâu thưa ông?
- Trước kia, nước mình không thể so với những nước Tây Âu và sau này là các nước Á Đông phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... thì có thể hiểu được. Nhưng gần đây, có những nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... vốn rất bình thường ở dòng nhạc cổ điển này đã phát triển nhiều. Khoảng 5 năm trở lại, không thể tưởng tượng được là các nước này đã đầu tư rất ghê gớm như thế nào cho giáo dục nhạc cổ điển. Đừng bao giờ nghĩ rằng nhạc cổ điển là “chuyện của ai đó”, nếu giới trẻ VN không cảm nhận được vẻ đẹp của nó, cũng như vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc, thì cho dù họ giàu có bao nhiêu cũng là chưa đủ.
Đã ở trên đỉnh cao của âm nhạc, ông thấy biết ơn nhất điều gì?
- Nhiều điều lắm, mẹ tôi, các thầy tôi, và cuộc sống sơ tán thời chiến tranh trên Hà Bắc từ 1965 - 1969, lúc ấy tôi sống đúng như một cậu bé nông thôn thực thụ. Những đêm trăng, không có điện, không gian hoang sơ nhưng có tiếng trẻ con hát hò, thấy được hương vị đồng quê, có cả núi và "sông Thương nước chảy đôi dòng", ôm thân cây chuối tập bơi và bắt cua đồng khi trời nắng. Nhờ đó mà tôi biết nấu cơm, hồi ấy dùng lá tre, lá sắn với rạ. Mỗi lần nấu là dùng tay đẩy vào bếp để cháy...
Có khi nào ông nghĩ cuộc sống của mình đã có thể đi theo một hướng khác hoàn toàn?
- Nhiều khi tôi băn khoăn nghĩ, nếu ngày xưa không học đàn, chẳng biết bây giờ mình làm nghề gì. Thời thơ ấy tôi sống ở nông thôn, giống như cậu bé nhà quê, thích chăn trâu, trồng cấy. Có lẽ không học nhạc, không được mẹ hoạch định tương lai, tôi sẽ chọn một nghề nào đó gần gũi với thiên nhiên. Nghề nông chẳng hạn, cũng thú vị chứ.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.