Những người già ở các bản không nhớ nổi tranh thờ xuất hiện từ khi nào, ai là tác giả, chỉ biết rằng đã bao đời nay, nghệ thuật tranh thờ được bà con gìn giữ, nâng niu như báu vật của mình. Những bức tranh thờ cổ độc đáo có niên đại hàng trăm năm chính là biểu tượng cho truyền thống của một gia đình, dòng họ, đời nối đời phồn thịnh.
|
Tranh thờ của người Sán Dìu. |
Quan niệm cổ xưa của người Sán Dìu coi thế giới được chia thành 3 cõi: Cõi trên là nơi ngự của tổ tiên cùng các vị thần đức cao, vọng trọng; cõi trần là nơi con người cùng muôn vật chúng sinh tồn tại, trong đó con người là chủ thể; cõi tầng dưới là chốn âm ty, địa ngục.
“Bàn thờ được đặt ở vị trí thanh cao nhất của ngôi nhà. Tranh thờ treo ở trung tâm bàn thờ để mọi người mỗi khi ngước nhìn như gặp được các vị đẳng thần rất đỗi linh thiêng, cao quý. Tranh thờ chính là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Sán Dìu chúng tôi" - cụ Bàng Văn Uông ở bản Cao Đá, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Ở cõi trần, con người không thể nhận thức được cõi trên và đó là lý do để những người nghệ sĩ dân gian Sán Dìu sáng tạo ra tranh thờ vẽ mô phỏng hình hài các nhân vật thần linh theo trí tưởng tượng của cộng đồng nhằm truyền tải một cách sinh động thế giới quan, thời gian trải rộng từ quá khứ tới hiện tại, từ ảo đến thực.
Qua tranh thờ, bằng những nét vẽ giản dị và gần gũi, người ta có thể hình dung được một cách cụ thể về những vị thần linh, sơn thánh, thủy mẫu mà họ thường ngưỡng vọng.
Xưa kia, đồng bào Sán Dìu thường dùng giấy dó, loại giấy thủ công khá dày, rất dai, có màu nâu, bản rộng để vẽ tranh thờ. Màu của tranh được làm từ các loại cây, đất có sẵn trong thiên nhiên nên rất bền màu. Một nguyên tắc mà người Sán Dìu nào cũng biết, đó là khi vẽ tranh thờ, nghệ nhân phải có một không gian riêng, nữ giới không được có mặt và phải làm lễ trước khi sử dụng.
Vĩnh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.