Đang tọa đàm trực tuyến “Du lịch Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế”
Tọa đàm trực tuyến Du lịch quốc tế: Thí điểm đón khách không hạn chế thị trường
P.V
Thứ sáu, ngày 12/11/2021 09:41 AM (GMT+7)
Báo Dân Việt tổ chức tọa đàm trực tuyến “Du lịch Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế” với sự tham gia của các cơ quan quản lý và các địa phương tham gia mở cửa thí điểm đón khách quốc tế.
Bắt đầu từ 8h30 sáng ngày 12/11, tọa đàm trực tuyến "Du lịch Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế" với sự tham gia của đại diện các cơ quản quản lý, 5 tỉnh, thành được thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều doanh nghiệp lữ hành.
Trong đó có ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch; Tiến sĩ Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế); Thạc sĩ Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng vụ lữ hành - Tổng cục Du lịch cùng lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Du lịch của 5 tỉnh và các doanh nghiệp...
Thí điểm đón khách du lịch quốc tế: Linh hoạt "gom" khách quốc tế đủ chuyến bay thuê bao chuyến
Khởi đầu tọa đàm với chủ đề "Chuẩn bị gì cho việc mở cửa", câu hỏi đầu tiên dành cho ông Nguyễn Trùng Khánh: Theo hướng dẫn tạm thời lộ trình đón khách du lịch quốc tế được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 được tính từ tháng 11/2021; Giai đoạn 2 được tính từ 1/2022; Giai đoạn 3 dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu. Như vậy, lộ trình được làm theo thời gian. Tuy nhiên, Tổng cục có tính tới mật độ hay số lượng khách không? Trong trường hợp nếu không đạt 3.000-5.000 khách thì sẽ đánh giá tiêu chí mở rộng tiếp theo như thế nào?
Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: "Trong gần 2 năm vừa qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch trên khắp thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta chưa thể biết khi nào kết thúc, và thiệt hại tổng cộng là bao nhiêu. Dịch vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp. Chủ trương của Chính phủ thời gian gần đây đã có sự thay đổi. Chúng ta đang thực hiện theo Nghị quyết 128 của chính phủ, đảm bảo sự an toàn, nhưng phải thích ứng, linh hoạt trước dịch bệnh.
Bộ VHTTDL đã có nhiều đề xuất để khôi phục lại lĩnh vực du lịch ngay khi dịch được kiểm soát. Vào ngày 10/9, công văn của Chính phủ đã đồng ý thí điểm đón khách du lịch Quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang). Ngày 25/10, bộ VHTTDL đã trình chính phủ dự thảo đón khách quốc tế tới Việt Nam nói chung.
Đến ngày 2/11, văn phòng chính phủ đã có công văn số 8044 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý với lộ trình này. Trên cơ sở đó, bộ VHTTDL đã định hướng 5 địa phương bao gồm Phú Quốc, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh thí điểm đầu tiên trong việc đón khách du lịch quốc tế.
Các địa phương đều rất háo hức, phấn khởi trước quyết định này. Giai đoạn 1 sẽ được Bộ VH triển khai trong tháng 11, đối tượng du lịch quốc tế là người nước ngoài và người Việt Nam cư trú tại nước ngoài, đảm bảo các điều kiện y tế, xuất nhập cảnh. Họ phải có hộ chiếu vaccine, tiêm chủng đầy đủ hoặc đã chữa khỏi Covid-19. Các khách du lịch quốc tế sẽ phải du lịch trọn gói bằng chuyến bay thương mai hoặc chuyến bay thuê bao, thời gian tối thiểu 7 ngày tại 1 trong 5 địa phương được chỉ định.
Giai đoạn 2 dự kiến từ tháng 1/2022, các tiêu chí tương tự như giai đoạn 1, tuy vậy sau khi kết thúc 7 ngày ở địa phương đầu tiên thì khách du lịch có thể di chuyển theo 5 địa phương đã được phép, hoăc có thể tới các địa phương khác nếu Chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn 3, chúng tôi sẽ tiến hành mở lại toàn bộ các hoạt động quốc tế, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh sẽ xác định cụ thể về mặt thời gian. Nhìn chung, lộ trình này đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Mọi vấn đề sẽ được địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng trong giai đoạn thí điểm, với sự phối hợp của các cơ quan, bộ ngành từ trung ương tới địa phương. Còn mức dự kiến ban đầu 3000 – 5000 khách/ tháng mà Bộ VHTTDL trình với chính phủ khi thí điểm với địa phương Phú Quốc (Khánh Hòa), nên với con số 5 địa phương, tôi nghĩ con số này sẽ tăng lên.
Câu hỏi: Cũng theo lộ trình đón khách, sau khi khách thực hiện đủ 7 ngày, khách muốn ở hơn phải làm xét nghiệm RT-PCR, nhận được kết quả âm tính, khách có thể đến các địa phương khác được phép đón khách du lịch quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói, thậm chí nếu khách du lịch có nhu cầu thăm thân tại các địa điểm khác ngoài các địa điểm đã được đón khách du lịch quốc tế, phải có văn bản đăng ký với đơn vị tổ chức. Vậy xin được hỏi Tổng cục, việc di chuyển của khách sẽ như thế nào? Khách có thể tự di chuyển, đi lẻ hay vẫn đi theo đoàn?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Căn cứ theo hướng dẫn số 4122 ngày 5/11 của Bộ VHTTDL, khách du lịch sau 7 ngày tới địa phương khác sẽ phải test PCR, phải đăng ký khi tham gia du lịch tại các địa phương khác. Doanh nghiệp lữ hành sẽ cùng phối hợp với các địa phương được chỉ định để liên hệ với cơ quan y tế để quản lý du khách đó.
Trường hợp 2, nếu khách có nhu cầu thăm thân, theo hướng dẫn, khách du lịch cũng sẽ đăng ký qua doanh nghiệp lữ hành để chuyển đổi mục đích trên visa nhập cảnh. Tối đa 90 ngày, khách du lịch cũng có thể trở về nước thông qua các chuyến bay thương mại. Trong hướng dẫn, Bộ TTVHDL đã nêu rất rõ, chúng ta vẫn đặt ưu tiên hàng đầu là công tác an toàn phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế của các địa phương để xử lý các tình huống cũng như vấn đề liên quan.
Trách nhiệm của các công ty lữ hành trong việc giám sát, theo dõi thông tin của khách là vô cùng quan trọng. Yêu cầu về khách tham gia du lịch trọn gói là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn thí điểm này. Dần dần sẽ có những bài học để chúng ta hoàn thiện hơn. Các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể gộp khách trong một chuyến bay về Việt Nam.
Câu hỏi:Trong phương án đón khách, việc truyền thông, quảng bá du lịch cũng là điểm quan trọng để thu hút du khách trở lại Việt Nam. Xin hỏi Tổng cục Du lịch, hiện tại kế hoạch truyền thông, quảng bá như thế nào? được truyền thông trên những hãng thông tấn lớn ra sao?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Đúng là công tác truyền thông quảng bá là công việc quan trọng không kém so với các công tác chuẩn bị khác, thậm chí công tác này cần phải đi trước. Thời gian qua, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng nội dung truyền thông hướng tới các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam .
Chúng tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL để xây dựng chương trình mang tên "Living fully in Vietnam" – "Sống trọn vẹn tại Việt Nam" và sẽ có trong chương trình Việt Nam vẻ đẹp bất tận.
Hiện nay "Living fully in Vietnam" – "Sống trọn vẹn tại Việt Nam" đã được Tổng cục triển khai truyền thông, quảng bá trên trang Vietnam.travel (trang giới thiệu du lịch Việt Nam), ngoài ra trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Pinterest… và đón nhận những phản hồi tích cực của khách quốc tế.
Hiện tại, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện dần để tiếp tục làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài mà trước đó Bộ đã làm việc với 15 đại sứ Việt Nam tại nước ngoài để chúng tôi cũng phối hợp với họ để tuyên truyền cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, và thông tin với khách du lịch một cách chi tiết.
Tiếp đến Bộ VHTTDL cũng đã làm việc với các hãng truyền thông quốc tế lớn, mà họ hướng tới mục tiêu là Việt Nam như CNN, CNBC… để có những chương trình truyền thông mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng vụ lữ hành - Tổng cục Du lịch trả lời: Trong bối cảnh chúng ta cần sự an toàn, linh hoạt và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi yêu cầu địa phương từng bước mở lại hàng quán các các dịch vụ. Bên cạnh đó các công ty lữ hành cũng phải phối hợp với địa phương để xây dựng các chương trình an toàn.
Về mặt thị trường, hiện nay chúng ta đã xây dựng được quy trình và đảm bảo được an toàn phòng chống dịch, Khi đối tượng khách đó đã đạt đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, thì chúng ta hoàn toàn có thể tiếp đón. Chúng ta cũng phải xác định rằng du khách không chỉ xuất phát từ một điểm cố định mà còn đi qua nhiều điểm khác nhau.
Điều quan trọng nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ và địa phương. Chúng ta có những hưỡng dẫn rất cụ thể để giúp địa phương đón khách 1 cách an toàn. Về đề xuất bảo hiểm, ở đây chúng ta không đặt ra vấn đề bảo hiểm covid, mà có thể mở rộng ra là bảo hiểm du lịch, trong đó có covid-19. Chúng ta có thể sàng lọc ban đầu, nhưng quan trọng là các phương án để đảm bảo xử lý nếu có vấn đề xảy ra rủi ro. Đây là điều mà chúng tôi đã làm việc rất kỹ càng với các địa phương.
Thí điểm đón khách du lịch quốc tế không hạn chế thị trường
Nhiều câu hỏi dành cho ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam: việc tổ chức tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành du lịch đã thực hiện đến đâu? Quảng Nam đã lựa chọn khu vực và các đơn vị cung ứng dịch vụ đón khách ra sao?
Phân khu vực riêng dành cho khách quốc tế, không ở chung khu vực cùng với khách nội địa như thế nào? Quảng Nam dự tính bao giờ sẽ đón đoàn khách đầu tiên/ Thị trường nào đã có hứa hẹn gửi khách trong giai đoạn thí điểm này?
Quảng Nam có chuẩn bị đặc biệt gì đối với đoàn khách trong giai đoạn thí điểm để họ vừa được hưởng dịch vụ tốt mà vẫn an toàn trong phòng chống dịch…? Tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở cung cấp dịch vụ ra sao trong bối cảnh bình thường mới này?
Ông Lê Ngọc Tường Quảng Nam là 1 trong 5 tỉnh được chọn đón khách thí điểm vào Việt Nam. Hiện nay tỉnh đã triển khai tiêm đủ 2 mũi vaccine (qua 14 ngày) cho các đơn vị cung ứng dịch vụ, tham gia đón khách giai đoạn đầu theo lộ trình Bộ VHTTDL và Chính phủ đã hướng dẫn. Hiện chúng tôi đang tập trung tiêm cho dân ở phố cổ Hội An và có 90% người dân đã tiêm mũi 1, số còn lại đang được tiêm mũi 2 để đảm bảo đủ hai mũi đón khách quốc tế. Giai đoạn 2-3 theo lộ trình tất cả các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo tiêm chủng để đón khách quốc tế.
Về lựa chọn khu vực và đơn vị cung ứng dịch vụ, tháng 4/2021, Tổng cục Du lịch và Quảng Nam đã khảo sát các địa điểm du lịch đáp ứng đủ điều kiện để đón khách quốc tế. Đến nay ở giai đoạn 1, chúng tôi đã đưa khu Nam Hội An; Nam Vinpearl... Đây là 3 khu lớn, có nghỉ dưỡng; khu casino; khu vui chơi giải trí…. Khách ở đây sẽ được thăm quan phố cổ và khu du lịch Thánh địa Mỹ Sơn. Theo lộ trình hướng dẫn của Bộ VHTTDL, khách sẽ được xét nghiệm ngay khi tới Quảng Nam, sau đó 1 ngày thăm phố cổ Hội An, 1 ngày thăm khu Thánh địa Mỹ Sơn, còn lại thăm chơi dịch vụ giải trí khác.
Trước mắt, chúng tôi tính toán là nếu đón khách quốc tế thì không đón khách khác. Hoặc chúng tôi sẽ phân luồng đón khách quốc tế và khách trong nước tới du lịch để phục vụ phòng chống dịch. Tại thời điểm này, khách du lịch tới Quảng Nam có thể tham quan các điểm liên kết với nhau. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng địa điểm được chọn để khách tới du lịch, ưu tiên các khách sạn, địa điểm đã đón khách cách ly có thu phí trước đó.
Theo thống kê, 5 tháng qua có 27 khách sạn trên địa bàn tỉnh đón khách du lịch nhập cảnh cách ly, đã đón được gần 25.000 người nhập cảnh về Quảng Nam. Đây đều là các đơn vị đã có kinh nghiệm có thể đón khách quốc tế trong giai đoạn tới.
Một số đơn vị lữ hành đã làm việc với Quảng Nam để đón khách quốc tế. Quyết định 4122 quy định Quảng Nam sẽ đón khách du lịch quốc tế vào cuối tháng 11; Một số thị trường lớn hướng tới: Hàn Quốc; Đài Loan; Nhật Bản…
Câu hỏi dành cho Thạc sĩ Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam: Đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT đã cấp phép bao nhiêu chuyến bay thuê bao chuyến và những thị trường nào? Được biết, Cục hàng không đề xuất với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế không hạn chế thị trường? Xin được hỏi vì sao Cục lại đề xuất không hạn chế thị trường, trong khi với lộ trình hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTTDL thì lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế có trọng điểm?
Trong 5 tỉnh, thành phố thí điểm đón khách du lịch quốc tế thì tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là nơi tiếp nhận khá đặc biệt, bởi không chỉ tiếp nhận đoàn khách quốc tế của tỉnh Quảng Nam mà còn có cả của thành phố Đà Nẵng. Vậy xin được hỏi Cục cảng hàng không, sự kết hợp với tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng trong việc bố trí vị trí, địa điểm nhập xuất cảnh, thực hiện thủ tục kiểm soát dịch tễ như thế nào? Việc phân luồng ra sao để tránh tình trạng mật độ khách tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng bị dồn ứ, tắc nghẽn?
Thạc sĩ Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam trả lời: Bộ VHTTL đã xây dựng 1 đề án rất lớn, đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc chúng ta tái mở lại các chuyến bay quốc tế. Cả một quá trình dài, từ sau Tết đến nay, chúng ta đã có bản hướng dẫn khá chi tiết của bộ.
Tuy nhiên, thời gian để chuẩn bị của các hãng hàng không và tour thực ra không nhiều. Lí do bởi chúng tôi không biết các điều kiện cụ thể về sau nhập cảnh như thế nào để xây dựng những quy trình cụ thể sau chuyến bay và tour du lịch. Thực tế, về các chuyến bay, ngày hôm qua 11/12 có 2 chuyến thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ sân bay InCheon, 222 khách và 1 chuyến từ Tokyo chở 207 khách đến Nha Trang - Khánh Hòa.
Theo kế hoạch tổ chức các chuyến bay của 1 số hãng, hiện nay chúng tôi nhận được của VNA ngày 17/11 tới đây có 1 chuyến, VJA có kế hoạch là 2 chuyến ngày hôm qua và 1 chuyến ngày 20/11 về Kiên Giang. Sau đó, sẽ có khoảng 24 chuyến về Kiên Giang, Khánh Hòa.
Du khách sẽ nằm ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. Đây là những kế hoạch ban đầu, là những tín hiệu khích lệ cho dự án của chúng ta, có thể coi như là một khởi đầu thuận lợi. Ngành hành không của Việt Nam tái lập lại nhưng chuyến bay chở khách là cách để tạo điều kiện cho du khách nước ngoài và bà con Việt Nam đang kẹt tại nước ngoài có thể về nước.
Quảng Nam có 2 sân bay: 1 là Đà Nẵng, 2 là Chu Lai, rất tiếc chúng ta chưa chuẩn bị đc cho sân bay Chu Lai đảm đương và thay thế được sân bay Đà Nẵng trong tương lại. Khách quốc tế sẽ qua sân bay Đà Nẵng, đây là sân bay có thể đáp ứng được yêu cầu đi lại của du khách.
Không có trở ngại gì về mặt sân bay quốc tế phục vụ đón khách. Quá trình vận chuyển khách từ sân bay Đà Nẵng và Quảng Nam, chúng ta có nhiều tour đủ yêu đầu đảm bảo để cho du khách di chuyển dễ dàng. Chúng tôi tin rằng sẽ không có sự cố nào xảy ra, quy trình đã được hoàn thiện để đảm bảo an toàn cho du khách.
Còn vì sao không hạn chế thị trường? Nếu chúng ta hạn chế các thị trường du lịch, vô hình chung chúng ta hạn chế tính hiệu quả của đề án du lịch. Thị trường du lịch trọng điểm chưa chắc đã có khách. Ví dụ Trung Quốc, nếu không có dịch thì không có thị trường nào cạnh tranh được với Trung Quốc, nhưng hiện tại Trung Quốc đã có chính sách hạn chế cư dân ra nước ngoài. Nếu chỉ bám sát vào thị trường trọng điểm, chúng ta sẽ hạn chế lượng khách.
Ngược lại, thực tế nhiều đoàn khách đi du lịch hàng tháng và trải qua nhiều nước. Nếu chúng ta cứ bám sát vào thị trường trọng điểm, lượng khách này rõ ràng sẽ không thể tới Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng chính sách các du khách tới ASEAN thì sẽ được miễn visa trong 1 tháng. Khách đi tàu biển cả tháng trời, họ cập bến Quảng Nam thì không còn là xuất phát từ trọng điểm nữa.
Ngoài thị trường mục tiêu thì chúng ta tạo điều kiện cho các hãng hàng không và các công ty tour có nguồn khách bổ sung, để phòng khi thị trường mục tiêu không có khách. Ngày 1/11, Thái Lan công bố bổ sung 17 quốc gia có quyền nhập cảnh không phải cách ly. Nhưng khách đi từ Việt Nam khi trở về chúng ta chưa có quy định nhận lại những người này. Trong du lịch chúng ta phải có sự trao đổi, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài và quay trở lại.
Tiếp nói câu trả lời của Cục hàng không Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh trả lời: Những phân tích của ông Võ Huy Cường vừa nêu chúng tôi hoàn toàn tán đồng. Trong việc đề xuất và tham mưu, chúng tôi đã hướng tới các thị trường mục tiêu và có mức độ an toàn cao về phòng chống dịch như Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông, Úc… Tuy vậy tôi cho rằng khi khách đảm bảo về y tế và xuất nhập cảnh, chúng ta cũng không có lý do gì phải hạn chế ở các thị trường khác. Thí dụ Isarel, họ đã tiêm tới mũi thứ 3, trong khi nhu cầu tới Việt Nam của họ cũng rất cao.
Câu hỏi dành cho ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở du lịch tỉnh Kiên Giang: Cho tới thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã thực hiện đến đâu? Quy trình đón khách như thế nào? Hiện có thông tin ngày 20/11, Phú Quốc đón đoàn 250 khách Hàn Quốc…? Vậy xin hỏi đoàn khách đầu tiên này lộ trình như thế nào?
Theo đề xuất của tỉnh thì khách sẽ được nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi cụ thể ở những đâu? Việc chuẩn bị về nhân lực để đón khách quốc tế ra sao, kết hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh như thế nào?
Ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang trả lời: Kiên Giang đã chuẩn bị sẵn sàng đón du khách quốc tế. Từ xây dựng tiêu chí, lựa chọn đối tượng du khách, xác định quy trình đón phục vụ khách, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ, phương án xử lý sự cố khi phát sinh… Hiện nay tỉnh đã sàng lọc tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thí điểm đón khách quốc tế. Ngày 9-10/11 vừa qua cũng, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã đến khảo sát tại Phú Quốc chuẩn bị đón khách quốc tế. Đoàn đánh giá chuẩn bị về mọi mặt chu đáo, kỹ lưỡng.
Quy trình danh sách đăng ký chương trình đối với các đơn vị lữ hành; Gửi hồ sơ xét duyệt cấp thị thực; Chuẩn bị quy trình xuất nhập cảnh khi đến sân bay… Theo cơ sở hướng dẫn đó, tỉnh đã đưa vào nội dung để phù hợp với điều kiện địa phương. Sắp tới sẽ có chuyến bay đầu tiên vào 12h trưa ngày 20/11 đoàn khách Hàn Quốc với số lượng 250 khách sẽ đến Phú Quốc. Đó là chuyến bay đầu tiên do VietJet tổ chức sau 2 năm dừng đón khách quốc tế.
Trong giai đoạn 1, Kiên Giang tổ chức 13 cơ sở lưu trú. Qua đó du khách sẽ tham quan mua sắm tại chính khu lưu trú như Safari, sân goft, sunworld, mua sắm ngọc trai… du khách có thể nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm như đi bộ dưới biển, trải nghiệm vườn thú hoang dã...Giai đoạn tiếp theo chúng tôi sẽ đề xuất các khu nghỉ dưỡng và khu lưu trú khác..
Do nhân lực đón du khách quốc tế, các đơn vị kinh doanh thời gian vừa qua đã phải cắt giảm phần lớn nhân viên nên thời gian vừa qua các đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn, tiêm vaccine để chuẩn bị sẵn sàng… Hiện tại, TP Phú Quốc tiêm đủ 2 liều cho 100% dân số và người lao động 18 tuổi trở lên, 70% tiêm cho độ tuổi học sinh. Công tác y tế đã cũng sẵn sàng như sàng lọc y tế cho các cộng đồng, khu cách ly, khu điều trị, sửa chữa khu y tế để làm khu cách ly nếu khách có tình huống xấu xảy ra.
Doanh nghiệp lữ hành mong muốn thống nhất trong hoạt động đón khách và mở cửa với thị trường khách quốc tế
Câu hỏi dành cho doanh nghiệp, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc công ty lữ hành Fiditour: Trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi. Vậy lữ hành Fiditour đã tổ chức sản phẩm, chiến lược quảng bá như thế nào? Cụ thể tại 5 khu vực thí điểm đón khách quốc tế. TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở tâm thế chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế, doanh nghiệp liệu đã có sự chuẩn bị chưa?
Ông Trần Thế Dũng – Tổng giám đốc công ty lữ hành Fiditour: "Trước xu thế mở cửa và khả năng khống chế dịch bệnh hiện nay, công ty đã kết hợp với tất cả các địa phương, điểm đến đã mở cửa để tạo sự phối hợp, liên kết giữa trong công tác đón khách.
Với các địa phương đã mở cửa như Phú Quốc, có thể thấy rằng tất cả các doanh nghiệp đều muốn dẫn khách và đưa đoàn đến với địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong muốn các địa phương khác tiếp tục mở cửa và đưa thí điểm khách quốc tế đến Việt Nam.
Hiện nay, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp lữ hành là tiếp cận với những thông tin, cập nhật mới nhất công tác mở cửa, đón khách của những địa phương trên cả nước. Đồng thời chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Tổng cục Du lịch, Vụ Lữ hành và các ban ngành liên quan để tạo sự thống nhất trong hoạt động đón khách và mở cửa với thị trường khách quốc tế.
Trên cơ sở quan điểm cá nhân, tôi cho rằng chúng ta có thể tiếp cận những quốc gia lân cận. Bởi lẽ đây là những thị trường tiềm năng, có điều kiện dịch tễ tương đương và thuận lợi hơn trong quãng đường di chuyển đến Việt Nam. Việc đánh giá thị trường trọng tâm này cũng cần có những định hướng cụ thể từ cơ quan lãnh đạo đầu ngành. Bởi lẽ mong muốn của doanh nghiệp sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự chỉ đạo, hướng dẫn từ bên trên.
Chia sẻ về tiếng nói chung của các doanh nghiệp lữ hành, ông Trần Thế Dũng cho biết: "Chúng tôi mong muốn quá trình tiêm chủng sẽ tiếp tục mở rộng. Đồng thời, các đơn vị lữ hành luôn mong mỏi có được bản đồ du lịch từ lãnh đạo ngành. Qua đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng những kế hoạch, chiến lược cụ thể trong công tác đón khách nội địa và quốc tế.
Trên cơ sở tiếp nhận bản đồ du lịch, các đơn vị lữ hành quốc tế sẽ tự tin hơn khi mở bán và đón khách quốc tế tới Việt Nam. Với các địa phương sắp mở cửa với khách quốc tế như: Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam... Chúng tôi cho rằng địa phương nên xây dựng những kịch bản, điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống an toàn. Từ đó giúp các đơn vị lữ hành chủ động xây dựng những điểm đến, lộ trình phù hợp và an toàn nhất với du khách.
Thị trường Nga không thực hiện cách ly khi trở về, đây là một thuận lợi trong việc tìm kiếm thị trường quốc tế
Câu hỏi dành cho ông Lê Văn Nghĩa – Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh: Việc tìm kiếm thị trường khách quốc tế như thế nào? Kế hoạch đón khách ra sao? Có những khó khăn, khúc mắc gì trong lộ trình hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTTDL? Doanh nghiệp kỳ vọng những gì khi đón khách quốc tế trong thời điểm này?
Ông Lê Văn Nghĩa trả lời: Thời gian qua, doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện những phương án thí điểm đón khách quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ UBND tỉnh Khánh Hòa.
Tỉnh Khánh Hòa thường xuyên tổ chức những cuộc gặp mặt tọa đàm để giúp doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, hoạt động tiêm chủng vắc xin tại Khánh Hòa cũng đạt mức cao kỷ lục, đáp ứng nhu cầu đón khách du lịch. Nhờ đó hoạt động thí điểm đón khách tại Bãi Dài diễn ra vô cùng thuận lợi.
Các điểm đến lưu trú tại đầy đều là những khách sạn có chất lượng 5 sao. Từ đó đáp ứng tốt mọi nhu cầu của du khách. Về phân khúc thị trường, hiện nay doanh nghiệp đang tập trung hướng tới thị trường khách Nga. Bởi lẽ đây là thị trường sở hữu lượng khách có nhu cầu du lịch lớn. Đặc biệt là nhu cầu du lịch của khách Nga tại Việt Nam luôn ở mức cao
Chúng tôi đã sẵn sàng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa rất mong mỏi được "mở cửa" để đón khách từ thị trường Nga.
Thị trường Nga, du khách người Nga đi du lịch trở về thì không bị cách ly, đây là thuận lợi rất lớn. Khác với các thị trường từ Nhật Bản, Đài Loan.
Chúng tôi đã lập kế hoạch, từ tháng 12 sẽ có 4 chuyến 1 tuần, kế hoạch này đã đc chuẩn bị và bố trí máy bay. Chỉ cần Chính phủ đồng ý, chúng tôi có thể triển khai ngay lập tức.
Bên cạnh đó, một hãng khác đã lên kế hoạch 1 tuần 20 chuyến đến Đà Nẵng và Nha Trang cũng đang đợi Cục Hàng không cho phép triển khai. Thị trường Nga rất mạnh và thấy được thực tế khách Nga tiềm năng như thế nào. Thời điểm này là mùa của người Nga đi trốn mùa đông giá lạnh để đến với biển và du lịch của Việt Nam.
Câu hỏi bà Trần Thị Minh Thảo - Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Công ty du lịch Vietravel: Trong thời gian Việt Nam thí điểm đón khách quốc tế, Vietravel có sự chuẩn bị và kế hoạch gì với lượng khách này?
Bà Trần Thị Minh Thảo trả lời: Viettravel tiếp nhận thông tin về thí điểm mở cửa hoạt động đón khách quốc tế tại một số địa phương. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là hoạt động cần thiết, tuy nhiên sẽ gặp nhiều sẽ khó trong giai đoạn đầu. Do đó, Viettravel hiện đang tập trung xây dựng về mặt hạ tầng và cơ sở vật chất để đón khách quốc tế trong thời gian tới. Cùng với đó, chúng tôi tiến hành tập chung xây dựng liên kết với các đối tác và địa phương liên quan với mong muốn tìm kiếm nguồn khách hàng cho doanh nghiệp. Trên tình thần ưu tiên đảm bảo an toàn dịch bệnh, Vietravel luôn chủ động trong công tác tìm hiểu và tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch bệnh".
Câu hỏi những ý kiến, đóng góp của Vietravel trong hoạt động thí điểm đón khách quốc tế?
Chúng tôi đề cao công tác truyền thông với khách quốc tế. Chúng tôi mong muốn có thêm những chiến dịch truyền thông rộng rãi liên quan đến công tác mở cửa với khách quốc tế của Việt Nam.
Để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao nhất, Viettravel cho rằng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng với từng thị trường. Từ đó tìm ra những thị trường phù hợp và tiềm năng nhất.
Hiện nay tất cả các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tiếp cận nguồn thông tin. Do đó không tránh khỏi những e dè trong mọi kế hoạch, hành động. Viettravel tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tin chính thống và cụ thể để xây dựng những kế hoạch lâu dài trong tương lai. Bên cạnh đó, Vietravel cũng băn khoăn về những quy định và thủ tục trong công tác đưa khách từ Việt Nam sang nước ngoài.
Câu hỏi dành cho Tiến sĩ Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế):
Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam cần phải đáp ứng các yêu cầu gì trong phòng chống dịch? Đối với khách quốc tế di chuyển đến các địa phương (Với tour trọn gói trên 7 ngày) thì việc khai báo y tế có gì đáng lưu ý?
Ông Tiến sĩ Đặng Quang Tấn trả lời: Chúng tôi rất cảm ơn sự chung tay đóng góp lớn của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và từng người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Từ năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Song song với kiểm soát dịch bệnh chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Về câu hỏi này tôi cho rằng có mấy tiêu chí cơ bản, du khách tới Việt Nam cần lưu ý.
Lưu ý thứ nhất là khách du lịch phải tiêm đủ vaccine, đủ mũi, mũi thứ 2 phải đủ 14 ngày. Tất cả những điều này có thể có trong hộ chiếc vaccine. Việt Nam cũng đang thúc đẩy quá trình công nhận giấy chứng nhận vaccine giữa các quốc gia.
Lưu ý thứ 2 là du khách khi vào Việt Nam cần có xét nghiệm âm tính Covid -19 trong vòng 72 tiếng trước khi vào Việt Nam. Trường hợp mắc bệnh đã khỏi phải có giấy chứng nhận mắc bệnh trong vòng 6 tháng trước ngày tới du lịch.
Lưu ý thứ 3 là, khách tới Việt Nam cần phải khai báo y tế; có bảo hiểm y tế. Khi có trường hợp bất thường thì điều trị, chăm sóc ngay lập tức.
Bên cạnh đó, tại các điểm du lịch cần phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch. Ví dụ: Trong phạm vi được du lịch cần bố trí cán bộ y tế để theo dõi thân nhiệt, y tế, vấn đề chuyên môn. Đồng thời cung cấp số đường dây nóng cho khách hàng, khi có vấn đề thì ghi nhận để xử lý, cung cấp thông tin kịp thời cho khách hàng.
Theo tôi cũng nên khuyến cáo địa điểm du lịch trang bị những thiết bị tối thiểu; như máy đo thân nhiệt; nước diệt khuẩn; test nhanh, khẩu trang… để phòng chống dịch.
Theo quyết định 4122, Bộ VHTTDL đưa ra 3 giai đoạn mở cửa từng bước ngành du lịch. Hết giai đoạn 1, nếu mở rộng để du khách đi những địa điểm khác trong địa điểm đã đăng ký du lịch thì cần phải báo cáo địa phương, phối hợp phòng chống dịch. Việc đi đến các địa điểm khác khá phức tạp, nên đi tới địa điểm đã chọn, hoặc nếu đi tới địa điểm khác thì không nên tiếp xúc với khách khác.
Chúng tôi đã khuyến cáo người dân, du khách cần phải khai báo y tế trước khi đến bất cứ địa điểm nào. Hiện nay người dân, và du khách có thể khai báo điện tử, hoặc khai báo trực tiếp bằng giấy.
Trong quá trình thăm quan, nếu có biểu hiện bất thường sốt, ho thì phải thông báo ngay với hotline của tour du lịch, hoặc khách sạn đó. Ngay lập tức, du khách đó cần cách ly để bảo vệ cho những người xung quanh trước khi có kết quả xét nghiệm.
Để làm được điều này cần có cán bộ y tế làm công tác phòng chống dịch tại cơ sở du lịch. Trong trường hợp bất thường thì hướng dẫn du khách ứng phó, xử lý như: Khẩu trang; test nhanh…. để kiểm tra.
Về câu hỏi " Những loại vaccine nào đã được Việt Nam công nhận?" Tiến sĩ Đặng Quang Tấn trả lời: Hiện tại Việt Nam đã tiêm vaccine toàn dân. Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine. Hiện Việt Nam có 8 loại vắc xin đã được cấp phép là: AstraZeneca, SPUTNIK V, Vero Cell, Pfizer/BioNTech, Moderna, Janssen, Hayat-Vax, Abdala.
Như vậy, khách du lịch nào đã tiêm 8 loại này và có giấy chứng nhận thì được Việt Nam công nhận.
Giai đoạn mở cửa, Việt Nam đang tiến hành song song công tác phòng chống covid-19 với hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch. Thí điểm này là cần thiết, bởi Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ thành công khi triển khai chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Câu hỏi Khánh Hòa đã chuẩn bị thế nào cho việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế? trong phương án xử lý nếu xảy ra sự cố, Khánh Hòa đã tính đến trường hợp nếu chẳng may có du khách dương tính. Một ca thì thế nào, 5 ca hay 10 ca dương tính thì tính sao?
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa trả lời: Về công tác chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh, chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để triển khai thực hiện. Khi sự cố xảy ra, chúng tôi phối hợp cùng Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể. Cung cấp các bệnh viện cho các công ty lữ hành để xử lý khi có sự cố xảy ra; Tổ chức tập huấn đảm bảo an toàn khi xử lý tình huống cụ thể và ngành Y tế là cơ quan chủ trì. Công ty lữ hành sẽ cung cấp thông tin cho Sở Y tế để kiểm soát và xử lý tình huống.
Thời gian vừa qua Khánh Hòa đã có kinh nghiệm xử lý tình huống nên trong thí điểm lần này sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.
Khánh Hòa đang tiến hành thẩm định và chuẩn bị những khu resort biệt lập để phục vụ khách quốc tế. Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ đưa vào khai thác và sử dụng các dịch vụ du lịch tại địa danh Bãi Dài. Chi tiết về lộ trình, khách sạn, dịch vụ và điểm đến lưu trú tại đây cũng được cập nhật một cách cụ thể và chi tiết nhất trên cổng thông tin điện tử du lịch của tỉnh Khánh Hòa.
Đây chính là cơ sở để các công ty lữ hành quốc tế tham khảo thông tin và liên hệ với tỉnh Khánh Hòa trong những hoạt động đón khách quốc tế sắp tới. Cùng với đó, địa phương đang xây dựng giai đoạn hai trong công tác đón khách quốc tế.
Câu hỏi thời điểm hiện tại, thị trường khách Nga đã có chưa? Số lượng khách Nga như thế nào? Đã có những doanh nghiệp lữ hành nào đề xuất tour trọn gói?
Với tiềm năng lớn là thị trường khách du lịch đến từ Nga, tỉnh Khánh Hòa coi đây là thị trường mục tiêu lớn. Về công tác chuẩn bị và phối hợp giữa nhiều đơn vị, Khánh Hòa đã xây dựng những phương án cụ thể khi đón khách. Hiện nay, địa phương đã xây dựng nhiều buổi tập huấn với chủ đề ứng phó, xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra. Các công ty lữ hành khi đón khách quốc tế sẽ phải tiến hành khai báo đầy đủ, đồng thời phối hợp giám sát cùng với ngành y tế địa phương. Thực tế cho thấy, khi Khánh Hòa đã đón khách cách ly và thực hiện tốt công tác khoanh vùng, dập dịch và đảm bảo an toàn cho du khách", bà Lệ Thanh cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi đón khách quốc tế có nhu cầu thăm thân, Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết: "Với những khách hàng có nhu cầu thăm thân, địa phương sẽ áp dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, tỉnh huy động sự hỗ trợ, phối kết hợp của nhiều lực lượng khác nhau như công an, y tế... Tỉnh cũng đã xây dựng văn bản 11368 của UBND tỉnh để triển khai hướng dẫn đến các công ty lữ hành trong hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ du khách có nhu cầu thăm thân. Hiện nay, hoạt động này vẫn được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn chưa được áp dụng vào thực tế. Trong thời gian tới, sau khi tiến hành thí điểm đón khách quốc tế, tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung, làm mới các kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn".
Câu hỏi lựa chọn địa điểm đón khách, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho hay: Đối với Khánh Hòa, giai đoạn đầu tiên đã lựa chọn khu vực Bãi Dài để đón du khách quốc tế. Danh sách các khách sạn, resort đã được đăng tải lên mạng để cho các công ty lữ hành quốc tế tiện liên hệ về các cơ sở dịch vụ cung ứng, cơ sở lưu trú cũng như khu tham quan… Để chuẩn bị cho giai đoạn 2 sắp tới, chúng tôi đang tiếp tục thẩm định thêm các cơ sở lưu trú ở khu vực biệt lập để sẵn sàng đón du khách quốc tế.
Câu hỏi tiếp theo dành cho tỉnh Khánh Hòa: Trong trường hợp khách ở trên 7 ngày và có nhu cầu thăm thân, thực hiện đầy đủ yêu cầu theo lộ trình thì phương án theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định của Khánh Hòa như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh trả lời: Sau khi tham quan du lịch 7 ngày, du khách có nhu cầu thăm thân thì thực hiện theo đúng tinh thần của Bộ VHTTDL và kết hợp với cơ quan công an địa phương thực hiện. Khi có thông tin khách du lịch có nguyện vọng thì các công ty sẽ chịu trách nhiệm làm việc với cơ quan công an.
Hiện nay chúng tôi vẫn có sự phối hợp chặt chẽ nhưng do mới bước đầu nên chưa thấy được khó khăn thực tế. Sau này nếu có khó khăn gì chúng tôi sẽ có kiến nghị để được tháo gỡ.
Câu hỏi dành cho Sở du lịch Quảng Ninh: tỉnh có e ngại khi đón khách trong bối cảnh hiện nay không?
Quảng Ninh cũng là tỉnh khá đặc biệt khi khách du lịch quốc tế có thể đến bằng ba đường khác nhau, đó là đường hàng không, đường bộ và đường thủy. Điều đáng nói là lâu nay đường bộ được cho là trọng điểm, thu hút rất nhiều du khách nước ngoài, vậy tỉnh đã có kế hoạch như thế nào để đón khách?
Ngoài thực hiện theo nghị định 128, theo hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTTDL, thì tỉnh còn có những yêu cầu, quy định nào cho du khách quốc tế khi đến Hạ Long? Quảng Ninh có kiến nghị gì tới Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Du lịch, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Y tế…?
Ông Lê Minh Tân – Phó Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh trả lời: Quảng Ninh là 1 trong những tỉnh trình đến Chính phủ, Bộ về việc triển khai đón khách quốc tế. Hiện tại tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và triển khai chắc chắn để có khách du lịch an toàn, thích ứng linh hoạt. Trong tháng 11 chúng tôi sẽ có phương án cụ thể, các bên liên quan để đảm bảo an toàn cho khách và khu vực thực tế.
Quảng Ninh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ban ngành. Chúng tôi kiến nghị việc đón khách tỉnh bạn đến và khách quốc tế phải có chỉ đạo nội dung chung để các tỉnh phối hợp triển khai thực hiện.
Câu hỏi dành cho hãng hàng không Vietnam Airlines hãng đã hỗ trợ, hướng dẫn như thế nào cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong quá trình làm thủ tục? trong trường hợp trước giờ bay, nếu khách dương tính, phải hủy/hoãn chuyến đi thì hãng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thế nào cho các doanh nghiệp?
Với những khách được xác định có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 thì sẽ xử lý ra sao?
Hiện nay, Mỹ, Thái Lan, Singapoo đã đồng ý không cách ly công dân Việt Nam tới nước họ, Vietnam Airline kỳ vọng gì khi thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ những quốc gia này và các nước khác?
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng ban Tiếp thị và bán sản phẩm Vietnam Airlines trả lời: Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian sắp tới số lượng chuyến bay sẽ tăng. Theo kế hoạch, chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ khai thác từ Hàn Quốc, ngày 17/11/2021.
Với câu hỏi, nếu chẳng may du khách bị nhiễm covid, quan điểm của Vietnam Airlines (VNA) luôn dồng hành cùng du khách và các cty du lịch. Chúng tôi sẽ có chính sách để hỗ trợ du khách.
Đối với thông tin các nước xung quanh Việt Nam đã dần mở cửa đón khách du lịch. Chúng tôi thấy có 1 điểm rất thuận lợi, đây là ví dụ trực quan cho Việt Nam để chúng ta quan sát, rút ra bài học kinh nghiệm và tự tin đón khách quốc tế. Điểm thứ 2 rất quan trọng, đó là nếu chúng ta nhập cuộc chậm và thiếu quyết liệt thì sẽ chậm chân so với các nước xung quanh. Chúng ta sẽ ở cái thế khó hơn so với các nước khu vực.
Câu hỏi tiếp cho ông Nguyễn Minh Tâm trong trường hợp kết thúc chuyến bay, phát hiện ra tiếp viên dương tính. Chi phí phát sinh của du khách sẽ được VNA xử lý ra sao?
Theo quy định về đón khách thí điểm. Du khách phải tuân thủ quy định bảo hiểm y tế 5000 USD, khách chẳng may dương tính thì các chi phí liên quan tới ăn ở thì VNA sẽ hỗ trợ, còn lại chi phí y tế sẽ được hãng bảo hiểm chi trả.
Tôi khẳng định, VNA không để xảy ra trường hợp tiếp viên dương tính trước chuyến bay, bởi chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt các quy định của hãng trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn. Phi hành đoàn của Vietnam Airlines sẽ phải tuân thủ tiêm 2 mũi vắc xin, triển khai test âm tính đầy đủ trước khi lên máy bay. Trong quá trình làm nhiệm vụ phải trang bị báo hộ và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của công ty đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Kiến nghị và đề xuất từ các doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước:
Ông Lê Văn Nghĩa đặt câu hỏi với Cục hàng không: Chúng tôi xin trao đổi luôn là thuận lợi hiện nay của chúng tôi là chúng tôi đang làm những chuyên bay thuê bao nguyên chuyến. Chúng tôi mong muốn những thủ tục dễ dàng hơn, thông tin cũng rõ ràng để hỗ trợ chúng tôi trong công việc.
Ông Cường trả lời ông Lê Văn Nghĩa – Giám đốc đốc Công ty Cổ phần Nhật Minh: Bộ GTVT và Hàng không Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành du lịch và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hãng hàng không cũng như các công ty tour phát triển hoạt động du lịch. Đấy là một trong những nội dung ngành hàng không tự mình thoát ra khỏi khó khăn hiện nay.
ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng trả lời Viettravel: Chúng tôi hoàn toàn tán thành việc doanh nghiệp lữ hành đề nghị việc có kế hoạch truyền thông mạnh mẽ hơn. Địa bàn trọng điểm mà du lịch Việt Nam hướng tới là Đông Bắc Á, tuy vậy Trung Quốc đang rất hạn chế khách ra nước ngoài, cũng hạn chế người nước ngoài về nước nên ta chưa kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, nhưng với những nước như Nhật Bản, Đài Loan thì có tiềm năng hơn. Còn tại Đông Nam Á, ASEAN sắp tới dự định sẽ có hiệp định đi lại tự do, đảm bảo các nguyên tắc an toàn, đây là thị trường chúng ta hướng tới.
Thứ 3 là thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, New Zealand, đây cũng là thị trường mục tiêu của chúng ta. Như tôi đã nói ban đầu, chúng ta sẽ hướng tới những kênh truyền thông có ảnh hưởng mạnh mẽ trên các thị trường này. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với Phú Quốc, và sắp tới là các địa phương còn lại. Nội dung thứ 2 về việc cần có những hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp.
Trong hướng dẫn tạm thời số 4122, chúng tôi đã nêu rất rõ việc địa phương cần làm gì, các doanh nghiệp lữ hành cần làm gì, các doanh nghiệp khác liên quan tại địa phương cần làm gì?. Chúng tôi cũng đang cố gắng mô hình hóa, dạng infographics để tiện quảng bá. Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần đọc kỹ hướng dẫn. Về vấn đề khách đi ra quốc tế chúng tôi cũng rất mong muốn, nhưng hiện tại chúng ta đang nói tới thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, còn dần dần từng bước chúng ta sẽ triển khai tiếp.
Xin cám ơn các vị khách mời, nhà tài trợ chi nhánh Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội tại Hà Tây đã đồng hành và tham gia tọa đàm trực tuyến "Du lịch Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách quốc tế" do báo Dân Việt tổ chức!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.