Đánh bom xe kinh hoàng ở thủ đô Afghanistan, tấn công khủng bố ở Mali làm nhiều người thương vong

Chủ nhật, ngày 12/06/2022 14:28 PM (GMT+7)
Vụ đánh bom xe buýt ở phía Đông thủ đô Kabul của Afghanistan, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và một số người bị thương. Trong khi đó, ít nhất 5 người, gồm nhân viên hải quan và dân thường, cũng thiệt mạng ở phía Đông Nam của Mali trong một vụ tấn công khủng bố nhằm vào một đồn hải quan.
Bình luận 0

Vụ đánh bom xe buýt ở Kabul chiều 11/6 là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công gây thương vong làm rung chuyển Afghanistan trong mấy tháng gần đây, chưa đầy một năm kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Nam Á này.

Đánh bom xe kinh hoàng ở thủ đô Afghanistan, tấn công khủng bố ở Mali làm nhiều người thương vong - Ảnh 1.

Nhân viên an ninh Afghanistan gác tại hiện trường vụ đánh bom xe buýt chở các nhân viên Chính phủ tại Kabul, ngày 18/3/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, người phát ngôn cảnh sát Afghanistan, ông Khalid Zadran cho hay, một đội nhân viên an ninh của chính quyền Taliban đã được triển khai tới hiện trường để điều tra về vụ đánh bom. Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào thừa nhận gây ra vụ tấn công trên.

Mặc dù số vụ đánh bom đã giảm trên khắp Afghanistan kể từ khi Taliban nắm chính quyền kể từ tháng 8/2021, song các vụ tấn công đã tăng trở lại trong thời gian gần đây. Hàng chục dân thường đã thiệt mạng ở Kabul và các thành phố khác trong các vụ tấn công chủ yếu là giáo phái trong tháng lễ Ramadan vốn kết thúc vào ngày 30/4, trong đó tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thừa nhận tiến hành một số vụ.

Vụ tấn công tồi tệ nhất gần xảy ra ngày 29/4 tại thánh đường Hồi giáo Khalifa Sahib ở thủ đô Kabul với số người thiệt mạng lên tới hơn 50 người. Vụ đánh bom liều chết xảy ra khi các tín đồ Hồi giáo đang thực hiện nghi lễ cầu nguyện tại thánh đường trên. Theo người đứng đầu thánh đường này Sayed Fazil Agha, một phần tử đánh bom liều chết đã trà trộn vào các tín đồ trong thánh đường và đã kích hoạt chất nổ giấu mang theo người.

Trong khi đó, tại Mali, cùng ngày 11/6, một nguồn tin quân sự và một quan chức địa phương cho biết ít nhất 5 người, gồm nhân viên hải quan và dân thường, đã thiệt mạng ở phía Đông Nam của Mali trong một vụ tấn công khủng bố nhằm vào một đồn hải quan.

Đánh bom xe kinh hoàng ở thủ đô Afghanistan, tấn công khủng bố ở Mali làm nhiều người thương vong - Ảnh 2.

Nhà bị phá hủy trong vụ tấn công do các phần tử cực đoan tiến hành tại Gao, Mali, ngày 13/11/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, vụ tấn công khủng bố đã khiến nhiều dân thường và nhân viên hải quan tại trạm kiểm soát Koutiala thiệt mạng. Một nguồn tin quân sự cho hay lực lượng an ninh tại chỗ đã giáng trả mạnh mẽ những kẻ tấn công, gây tổn thất lớn và tình hình hiện đang được kiểm soát.

Quân đội Mali đã tiến hành một cuộc truy quét vào hôm 11/6 tại khu vực Koutiala, gần biên giới với Burkina Faso, một quốc gia tâm điểm bạo lực do các chiến binh thánh chiến gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, vụ tấn công khủng bố đã khiến nhiều dân thường và nhân viên hải quan tại trạm kiểm soát Koutiala thiệt mạng. Một nguồn tin quân sự cho hay lực lượng an ninh tại chỗ đã giáng trả mạnh mẽ những kẻ tấn công, gây tổn thất lớn và tình hình hiện đang được kiểm soát.

Quân đội Mali đã tiến hành một cuộc truy quét vào hôm 11/6 tại khu vực Koutiala, gần biên giới với Burkina Faso, một quốc gia tâm điểm bạo lực do các chiến binh thánh chiến gây ra.

Từ năm 2012, các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như xung đột bạo lực do dân quân tự vệ tự xưng và băng cướp thường xuyên diễn ra. Bất chấp sự hiện diện của các lực lượng Liên hợp quốc, Pháp và châu Phi, tình trạng bạo lực bắt đầu ở miền Bắc, sau đó lan đến miền Trung Mali và cả các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, khiến hàng nghìn dân thường và quân nhân thiệt mạng cũng như hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn.

Mali đã chìm sâu trong khủng hoảng an ninh, chính trị và nhân đạo kể từ năm 2012. Hai cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra tại nước này trong vòng chưa đầy một năm (tháng 8/2020 và tháng 5/2021). Đầu năm nay, cơ quan lập pháp Mali do quân đội kiểm soát đã thông qua kế hoạch cho phép chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo trong tối đa 5 năm. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) chỉ đồng ý thời hạn tối đa của quá trình chuyển đổi dân sự tại Mali là 16 tháng.


Ngọc Tú/Ngọc Thúy (baotintuc.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem