Đánh giá công chức xã, phường ở Đà Nẵng: Dân hồ nghi sự chính xác

Thứ năm, ngày 02/05/2013 06:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sở Nội vụ Đà Nẵng đang thí điểm mô hình chấm điểm công chức xã, phường. Mô hình này được người dân thành phố đặc biệt quan tâm vì có liên quan đến cuộc sống, công việc của họ...
Bình luận 0

“Dân chấm mới thiết thực”

Theo Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, từ năm 2012, mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức đã được thí điểm ở 10 sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn và nhận được những kết quả tích cực trong việc đánh giá cán bộ công chức.

img
 

Năm 2013, chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã giao Sở Nội vụ chủ trì mở rộng đối tượng đánh giá đối với công chức chuyên môn xã, phường. Trong đó, mỗi công chức sẽ độc lập đánh giá kết quả công việc của bản thân và các công chức khác theo phân quyền. Việc đánh giá này sẽ thông qua phần mềm hỗ trợ, nên người được đánh giá không biết ý kiến đánh giá của các công chức khác về mình.

Ông Mai Dũng (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho rằng: Mô hình này rất sáng tạo và rất hay. Tuy nhiên, tôi lo ngại về tình trạng công chức cùng đơn vị có mối thâm giao với nhau thì đánh giá tốt cho nhau, còn nếu thù ghét cá nhân dẫn đến việc không công tâm khi chấm và có thể mượn “con dao” này để triệt hạ nhau. Như vậy mô hình này sẽ phản tác dụng.

Ông Nguyễn Tuấn - cán bộ hưu trí phường Thuận Phước, quận Hải Châu bày tỏ băn khoăn khi cho rằng: Cán bộ công chức làm việc để phục vụ nhân dân, nếu có sai phạm như thế nào thì cũng trong nội bộ của họ. Nên nếu họ tự chấm cho nhau thì không được công tâm cho lắm. Phải để cho người dân chấm điểm công chức mới thiết thực.

Theo ông Võ Công Chánh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, mô hình thí điểm này được chia thành 3 tiêu chí với thang điểm 100. Các công chức sẽ chấm điểm ở 2 nội dung (tổng cộng 30 điểm) về thái độ trách nhiệm và thực hiện nội quy, quy chế cơ quan, pháp luật nhà nước. Còn 60 điểm còn lại thuộc về tiêu chí kết quả thực hiện công việc. Phần này sẽ do cá nhân công chức và cấp trên trực tiếp đánh giá.

Chấm nhiều vòng, nhiều cấp

Về những lo ngại, băn khoăn việc công chức tự đánh giá nhau có thể không công tâm, chính xác, ông Võ Công Chánh cho rằng, để triệt tiêu tình trạng đó thì việc cần làm là không công tâm thì quy trình của việc chấm điểm phải qua rất nhiều vòng.

Trước nhất là tự cán bộ công chức đánh giá bản thân mình rồi đánh giá chéo lẫn nhau. Sau đó tới một hội đồng gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã, chủ tịch công đoàn và bí thư đoàn cơ sở thẩm định các nội dung tự đánh giá. Việc đánh giá công chức còn được thực hiện bởi các phần mềm hỗ trợ rồi cuối cùng mới tới chủ tịch UBND phường, xã kết luận.

“Với quy trình khép kín như vậy thì khó có thể xảy ra tiêu cực. Nếu có thì cũng rất dễ nhận thấy” - ông Chánh khẳng định

TP.Đà Nẵng đã triển khai phần mềm cho công dân tự đánh giá công chức từ tháng 12.2012. Tuy nhiên, phần mềm chỉ để cho người dân đánh giá phần thái độ làm việc của công chức ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ.

“Chưa thể mở rộng ra tất cả các thành phần công chức được bởi vì đâu phải công chức nào cũng trực tiếp làm việc với người dân” - ông Lê Hoàng Phúc - Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Đà Nẵng nói.

Ông Lê Văn Soạn- Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho rằng, nếu đánh giá không chính xác sẽ dẫn tới mất đoàn kết. Vì vậy phải tính toán, cân nhắc thật kỹ các tiêu chí, thang điểm và quy trình chấm điểm để đánh giá công chức một cách chính xác. Bởi những người làm việc kém hiệu quả thường tìm đủ cách để che lấp cái yếu kém, còn những người làm việc tốt thì thường không quan tâm mình được điểm cao hay thấp.

Ông Chánh cho biết, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá trước khi trình chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng quyết định chính thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem