Đánh giá đúng để đầu tư, gìn giữ

Thứ ba, ngày 08/11/2011 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các đại biểu Quốc hội đã tỏ ra bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, khi thảo luận về chính sách môi trường làng nghề vào hôm qua (7.11).
Bình luận 0

Trá hình để hưởng lợi

Bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ ra nguyên nhân chủ yếu đó là do hệ thống văn bản pháp luật vừa thiếu, vừa thừa, vừa chồng chéo trong khi việc thực hiện thiếu nghiêm túc.

img
Các làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề môi trường (ảnh minh hoạ).

“Công tác cán bộ, những người trực tiếp bảo vệ môi trường không có ở cấp xã mà cán bộ địa chính kiêm luôn dẫn đến tình trạng chúng ta chậm phát hiện những hạn chế, bất cập” - đại biểu Thái Học phản ánh.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu quan điểm: Làng nghề trong quá trình song hành với sự phát triển về kinh tế đang đứng trước sự suy thoái về môi trường. Khu kinh tế thành lập năm 2003, đến 2008 mới có Luật Môi trường và sau 8 năm có khu kinh tế vấn đề môi trường đã trở nên trầm trọng.

“Làng nghề là một phần của kinh tế nông nghiệp. Việc làng Cốm truyền thống mà pha tạp hóa chất công nghiệp vào chứng tỏ không còn làng nghề. Nhiều làng nghề thực chất là cụm công nghiệp mới. Hạ tầng xã, huyện không đáp ứng đủ với một khu công nghiệp nên mới có tình trạng trá hình để hưởng lợi”.

Chính vì vậy, đại biểu Dương Trung Quốc đề xuất cần phải đánh giá lại thế nào là làng nghề đúng nghĩa để đầu tư, gìn giữ. Còn đâu không phải làng nghề, mà là cụm công nghiệp thì phải có chính sách hợp lý để phát triển. Nếu không xác định chính xác thì sẽ như “đánh vật với cối xay gió”.

Tăng chi cho môi trường

Hầu hết các đại biểu đều nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu kinh tế hiện nay là rất nghiêm trọng và thống nhất cần phải sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về bảo vệ môi trường các khu kinh tế, làng nghề.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề xuất: “Tôi đề nghị Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, có chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề. Trên cơ sở đó, sẽ phân bổ ngân sách, kinh phí, sự nghiệp môi trường hàng năm để thực hiện chương trình này và ưu tiên phân bổ cho các địa phương có nhiều vấn đề môi trường bức xúc”.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng: “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên đến 5,5% GDP/năm. Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề, đề nghị Nhà nước bố trí cho kinh phí môi trường theo hướng tăng dần lên 2% tổng kinh phí ngân sách hàng năm thay vì 1%”.

Xung quanh giải pháp về nguồn vốn cho bảo vệ môi trường làng nghề, khu kinh tế, đại biểu Đặng Thành Tâm (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần thành lập Quỹ Môi trường, để giảm tải ngân sách cho Nhà nước.

“Tôi đề nghị, không nên tập trung theo hướng chi giống như cho để xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường, kể cả làng nghề. Nếu chúng ta chi theo kiểu cho không, sẽ gây nên tình trạng không đồng đều, không bình đẳng, hơn nữa nếu chi dàn trải thì cũng không đủ, không hiệu quả”- ĐB Tâm nêu rõ.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Lê Minh Thông cho rằng: Không thể trông cậy vào sự tự giác của doanh nghiệp mà chúng ta phải có giải pháp căn cơ. Đó là cần sớm hình thành nên những doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ môi trường và các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp phải trả phí cho doanh nghiệp này”.

“Liệu việc phát triển làng nghề có thực sự đem lại chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực nông thôn hay không khi mà làng có nghề thì người dân có tuổi thọ thấp hơn so với làng không có nghề từ 5-10 năm. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì sự phát triển của kinh tế không còn ý nghĩa nữa. Đề nghị Chính phủ không để cho những làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng tồn tại và tiếp tục phát triển nữa”- đại biểu Thông nói.

Cần xem lại hiệu quả của các khu kinh tế

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho biết, với 3 khu kinh tế (KKT) được bổ sung vào quy hoạch hồi đầu năm 2011, cả nước sẽ có 18 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 765.275,27 ha trong quy hoạch phát triển các KKT đến 2020.

Theo báo cáo, 15 KKT ven biển mới đã được Thủ tướng phê duyệt thành lập đến cuối năm 2010, hầu hết tỷ lệ hoạt động của các dự án sản xuất kinh doanh mới đạt từ 20 – 30%, thậm chí có nơi chỉ đạt 10% - 20%. Có đến 10/15 KKT không có số liệu chính xác về diện tích đất đã sử dụng. Tỷ lệ lấp đầy các KKT quá thấp và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp cũng chỉ trên 40%, đã được xem là lãng phí lớn trong đầu tư công. Bên cạnh đó nhiều KKT còn vướng mắc trong việc hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, xây dựng hạ tầng hoặc kêu gọi đầu tư.

Chính phủ cũng cho biết, hiện có trên 800 dự án với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem