Danh lục Xanh bảo tồn thiên nhiên một cách công bằng và hiệu quả
Danh lục Xanh bảo tồn thiên nhiên một cách công bằng và hiệu quả
Anh Thơ - Tố Loan
Thứ năm, ngày 18/01/2024 11:01 AM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) - Bộ NNPTNT; WWF Việt Nam phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức cuộc họp các bên liên quan để cập nhật tiến trình chứng nhận Danh lục Xanh tại Việt Nam.
Danh lục Xanh IUCN là bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các Khu bảo vệ và Bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Tính đến năm 2022, sáng kiến này đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới.
Trọng tâm của Danh lục Xanh là Tiêu chuẩn Bền vững Danh lục Xanh, đưa ra tiêu chuẩn toàn cầu về cách đáp ứng những thách thức quản lý các Khu bảo vệ và Bảo tồn trong thế kỷ 21. Mục tiêu của Chương trình Danh lục Xanh IUCN là công nhận và tăng số lượng các Khu bảo vệ và Bảo tồn đạt được kết quả bảo tồn lâu dài cho con người và thiên nhiên. Quyết định XIII/2 của Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) cũng đã ghi rõ "Chương trình Danh lục xanh IUCN cho các Khu bảo vệ và Bảo tồn là một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm thúc đẩy và khuyến khích quản lý hiệu quả các Khu bảo tồn".
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình Danh lục Xanh IUCN, và tiến trình này đã diễn ra 3 năm tại Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu. Sau quá trình đánh giá tỉ mỉ kéo dài 2 năm, Vân Long là Khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh.
Ông Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng ban BQL các Dự án Lâm nghiệp, Giám đốc BQLDA VFBC Trung ương nhấn mạnh: "Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) viện trợ không hoàn lại. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2021 trên địa bàn 11 tỉnh và 3 vườn quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Dự án gồm 2 hợp phần chính: Hợp phần quản lý rừng bền vững tập trung chủ yếu tại các khu vực rừng trồng và rừng tự nhiên sản xuất".
Không giống như các danh hiệu khác như di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển, Danh lục Xanh IUCN hỗ trợ bảo tồn thành công các khu bảo vệ và bảo tồn bằng cách chứng nhận, khuyến khích và nâng cao năng lực để đạt được tác động cụ thể cho cả khía cạnh pháp lý, văn hóa, xã hội, địa lý và sinh thái. Điều này giúp đưa ra tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý mang tính định lượng, đồng bộ và bao trùm các khía cạnh của bảo tồn theo khu vực".
Một Khu bảo vệ và Bảo tồn sẽ đạt được chứng nhận Danh lục Xanh của IUCN sau khi đạt được những kết quả bảo tồn liên tục cho con người và thiên nhiên một cách công bằng và hiệu quả. Bất kỳ Khu bảo tồn nào cũng có thể tham gia Danh lục Xanh, nỗ lực để đạt được thành công, sau đó duy trì tiêu chuẩn hoặc cải thiện hơn nữa – ông Hưng chia sẻ.
Việt Nam nỗ lực tham gia Danh lục Xanh
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong đó có tiêu chuẩn Danh lục Xanh, bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID Việt Nam cho biết: "Dựa trên các kết quả bằng bẫy ảnh gần đây cho thấy VQG Cát Tiên có các kết quả tốt và những đầu tư dài hạn vào cải thiện công tác quản lý của các khu bảo tồn đem lại kết quả tích cực. Chính vì thế, USAID dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các vườn quốc gia ứng viên để đạt được danh hiệu Danh lục Xanh nhằm chứng minh tính hiệu quả và khả năng ứng dụng của Danh lục Xanh".
Vườn quốc gia Cát Tiên hiện là khu bảo tồn đang ở bước gần nhất với Giai đoạn Danh lục Xanh. Cát Tiên là khu nổi bật đã thực hiện giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài quan trọng như chim, linh trưởng, hươu và cá sấu.
Tại các cuộc họp nhóm chuyên gia EAGL vào tháng 4 và tháng 9 năm 2023, hồ sơ Cát Tiên đã được xem xét kỹ lưỡng và toàn bộ chuyên gia EAGL đều thông qua quyết định đề cử vườn quốc gia Cát Tiên. Cơ quan thẩm định độc lập đã phê duyệt hồ sơ vào tháng 12 năm 2023 và trình lên Ủy ban Danh lục Xanh để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu Danh lục Xanh.
Hiện tại, có 10 Khu bảo vệ và Bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh gồm: Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo. Hai khu đang trong Giai đoạn Đăng ký (VQG Côn Đảo và VQG Pù Mát) và các khu còn lại đang trong Giai đoạn Ứng viên.
Trong năm 2024 và 2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ ít nhất 3 vườn quốc gia để hoàn thiện hồ sơ xin công nhận Danh mục xanh là các vườn quốc gia Bidup Núi Bà, Bạch Mã và Cúc Phương.
Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn thành công. Danh lục Xanh được đồng chủ trì bởi Ủy ban Thế giới về các Khu bảo tồn của IUCN (WCPA) và Ban Thư ký IUCN.
Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN gồm bốn hợp phần:
- Quản trị tốt
- Thiết kế và lập kế hoạch tốt
- Quản lý hiệu quả
- Kết quả bảo tồn thành công
Ba hợp phần đầu tiên hỗ trợ cho hợp phần thứ tư. Mỗi hợp phần được hỗ trợ bởi các tiêu chí và chỉ số để đo lường thành tựu. Có 17 tiêu chí với 50 chỉ số bao trùm cả bốn hợp phần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.