Đánh thuế nhà đất cao, có 'siết' được đầu cơ bất động sản?
Minh Khôi
Thứ sáu, ngày 31/12/2021 14:13 PM (GMT+7)
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản, như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ.
Trong thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có thị trường bất động sản. Sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản có xu hướng tăng cao.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Đặc biệt, tình đáng lo ngại khi mà giá đất bị tăng lên một cách nhanh chóng, phi mã; phá vỡ đi sự cân bằng của thị trường. Nạn ''thổi'' giá đất này mang đến nhiều hệ lụy cho cả địa phương nền kinh tế quốc gia.
Người có nhu cầu mua đất thì không có đủ khả năng để mua hoặc phải mua với giá quá cao. Các nhà đầu tư thì có nguy cơ bị "kẹt" khi mà giá đất quay về đúng giá trị ban đầu, dẫn tới nguy cơ nợ xấu...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2161/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, một trong những mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… Hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên trong phát triển nhà ở.
Để thực hiện Chiến lược trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản, như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Đồng thời hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến vấn đề về thuế bất động sản, trước đó Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư "lướt sóng".
Ngoài ra, HoREA cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính cần thiết xem xét ban hành thuế bất động sản đánh trên giá trị nhà và đất. Bởi hiện nay người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở, với thuế suất đối với đất ở trong hạn mức 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.
Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết. Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến bất động sản để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030.
Theo luật sư Nguyễn Văn Nhật (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), để đưa ra được mức thuế suất cụ thể cho trường hợp đầu cơ bất động sản không hề dễ dàng. Nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và còn phải được nắm bắt một cách chính xác.
Tuy nhiên, theo luật sư này, về định hướng thì chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới về việc đánh thuế này. Chẳng hạn như việc áp dụng mức thuế đất, thuế giao dịch đất đai cao trong những trường hợp nhận quyền sử dụng đất sau đó lại tiếp tục chuyển nhượng trong khoảng thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, có thể xem xét xây dựng hệ thống biểu phí, thuế lũy tiến đối với việc sở hữu bất động sản thứ hai trở đi và lũy tiến theo diện tích sử dụng, giá trị bất động sản, hoặc mục đích sử dụng.
Ngoài việc cải thiện chính sách về thuế liên quan bất động sản, mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp; yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản , doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
"Các trường hợp chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.