Danh tướng trung thành đến chết, khiến Tào Tháo rơi lệ

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ sáu, ngày 03/02/2017 10:55 AM (GMT+7)
Dưới trướng Tào Tháo có vô số những vị tướng kiệt xuất, lập nhiều công trạng nhưng có một danh tướng hết mực trung thành, sớm chết trận khiến Tào Tháo hết sức đau lòng mà khóc thương.
Bình luận 0

img

Phác họa hình ảnh Tào Tháo (trái) và Điển Vi.

Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.

Theo trang mạng Lishiquwen (Trung Quốc), Điển Vi (?-197) là một trong những danh tướng phục vụ dưới quyền Tào Tháo cuối thời Đông Hán.

Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung mô tả Điển Vi là người tướng mạo khôi ngô, dũng mãnh hơn người, có chí hướng và thích làm điều nghĩa hiệp.

Năm 190, thái thú Đông quận là Trương Mạo khởi binh chống nghịch tặc Đổng Trác. Điển Vi đầu quân cho Trương Mạo và được biết đến là người một tay giữ được lá cờ rất lớn trong nha môn trước trại quân. Tài năng của Điển Vi được tư mã Triệu Sủng hết sức mến mộ.

Sau khi Trương Mạo chết vì khởi binh chống Tào Tháo, Điển Vi đi theo Tào Tháo. Nhờ công lao trên chiến trường mà ông được phong làm Tư mã.

Người liều chết bảo vệ Tào Tháo

Năm 194,  Tào Tháo và Lữ Bố giao tranh ở Bộc Dương, bị quân Hách Manh, Tào Tính, Thành Liêm bao vây 4 phía. Trong tình thế nguy cấp, Tào Tháo hô to: “Ai tới cứu ta?”. Điển Vi không ngại hiểm nguy, phi thân xuống ngựa, cầm song kích, kẹp với đoản kích đến hỗ trợ Tào Tháo.

Là người nổi tiếng dũng mãnh nhưng Điển Vi không múa võ lung tung mà quan sát tình thế trên chiến trường, tìm cách đối phó.

Hiểu rõ ưu và nhược điểm của song kích, đoản kích nên Điển Vi dặn quân sĩ: “Kẻ thù đến trong vòng 10 bước thì nhớ gọi ta”. Khi quân địch đến cách 10 bước, Diển Vi lại dặn: “Còn 5 bước thì gọi ta”.

Bất cứ quân địch nào xông tới vị trí của Tào Tháo trong vòng 5 bước chân đều bị Điển Vi dùng 10 cây đoản kích ném trúng, không trượt phát nào.

Các tướng của Lữ Bố là Hách Manh, Tào Tính, Thành Liêm, Tống Hiến biết mình không phải đối thủ của Điển Vi nên xua quân rút lui. Điển Vi sau đó tiếp tục hộ giáo Tào Tháo về quân trại.

img

Điển Vi là một trong những dũng tướng có sức mạnh nhất thời Tam quốc.

Tuy nhiên, lúc ra đến ngoài thành Bộc Dương, Điển Vi ngoảnh lại không thấy Tào Tháo. Ông lại đột phá vòng vây, tìm kiếm bằng được.

Sử sách Trung Quốc chép lại: “Điển Vi yểm trợ Tào, mở đường máu ra được đến cửa thành. Xung quanh lửa cháy ngùn ngụt, cỏ rác chồng chất, Điển Vi cầm kích gạt lửa hai bên, phi ngựa mở đường tiến ra ngoài. Tào Tháo theo sau, vừa đến cửa thành, có một cái xà cháy trên nhà rơi vào chân sau ngựa của Tào Tháo.

“Cả người và ngựa ngã gục xuống, Tào Tháo lấy tay đẩy xà ra, lửa bén vào cả cánh tay và đầu tóc. Điển Vi quay ngựa lại cứu. Vừa may Hạ Hầu Uyên cũng ở đâu đến. Hai người vực Tào Tháo dậy rồi đưa đi chạy trốn”.

Điều này cho thấy Điển Vi là mãnh tướng thông minh, nhạy bén và cũng hết mực dũng cảm, trung thành với Tào Tháo.

Học giả Trung Quốc thời nhà Thanh, Mao Tôn Cương, đánh giá cao Điển Vi. “Điển Vi mạnh như rồng hổ, thoắt xuống ngựa, thoắt lên ngựa, thoắt dùng đoản kích thoắt lại dùng đại kích”.

Danh tướng “lấy nước mắt” Tào Tháo

Năm 197, Tào Tháo mang quân đánh Trương Tú ở Uyển Thành (Nam Dương), thuộc Kinh châu. Khi Trương Tú ra hàng, Tào Tháo không ngần ngại mở tiệc thết đãi.

Trong tiệc, Tào Tháo lần lượt đi mời rượu. Điển Vi tay cầm rìu lớn đi kèm, thường giơ rìu lên nhìn chằm chằm vào người mà Tào Tháo mời. Vì vậy trong suốt tiệc, Trương Tú và các tướng dưới quyền không dám ngẩng lên nhìn Tào Tháo.

img

Phác họa hình ảnh Điển Vi.

Cuốn Phẩm Tam quốc của tác giả Dịch Trung Thiên có viết, vì Tào Tháo ham mê sắc đẹp mà ép vợ Trương Tế, thím của Trương Tú là Châu thị làm thiếp. Tào Tháo cũng lôi kéo bộ tướng của Trương Tú là Hồ Xa Nhi. Lo ngại sớm muộn cũng sẽ chết dưới tay Tào Tháo, Trương Tú quyết định ra tay trước.

Đêm hôm đó, khi Tào Tháo đang cùng Châu thị nghỉ ngơi trong trướng, Điển Vi nhận nhiệm vụ canh giữ vòng ngoài.

Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung phác họa Ðiển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng chợt nghe tiếng ngựa, tiếng người reo hò, giật mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu nên Vi vội vàng giật lấy cây kiếm của lính canh chạy ra ngoài.

Các sử gia Trung Quốc sau này không ghi nhận chi tiết này. Đây có thể là tình tiết dược hư cấu để nâng cao tố chất của người anh hùng Điển Vi.

Nhưng các học giả sau này đều đồng ý rằng, Điển Vi nhận nhiệm vụ bảo vệ ngoài trướng Tào Tháo, và ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, khiến cho quân địch kinh hãi.

Trong bối cảnh hỗn chiến như vậy, Điển Vi cùng 10 thủ hạ lăn xả vào đám quân phản loạn, giết hàng chục người. Nhưng vì lực lượng ít ỏi, lại không có một mảnh giáp, hành động dũng mãnh của danh tướng trung thành với Tào Tháo không khác gì “lấy trứng chọi đá”.

Các thủ hạ lần lượt bị tiêu diệt cũng là lúc trên người Điển Vi có hơn 10 nhát đâm. Quân Trương Tú tiến lại gần định bắt, thì Điển Vi chồm tới tóm lấy hai tên địch, đập vào nhau khiến cả hai chết ngay tại chỗ.

img

Khi Điển vi chết trận, Tào Tháo thương xót hơn cả con trai, họ hàng.

Một mình ông quần thảo với kẻ địch giết thêm vài chục người. Cuối cùng, quân Trương Tú phải dùng đến cung tên và cuối cùng là mũi lao đâm trúng giữa lưng mới vô hiệu hóa được Điển Vi. Ông chết trong khi mắt vẫn mở to, khiến cho kẻ địch nửa ngày sau mới dám tiến lại gần.

Nhờ có Điển Vi chặn giữ cửa trước nên Tào Tháo có đủ thời gian để trốn thoát lúc đêm tối. Quân Tào lui về đóng ở Vũ Âm. Nghe tin Điển Vi tử trận, Tào Tháo thương khóc, sai người đi lấy thi thể ông về, an táng tại Tương Ấp.

Tào Tháo vô cùng thương tiếc Điển Vi nên đã thốt lên: “Ta mất một con trưởng (Tào Ngang) và một cháu yêu (Tào An Dân), cũng không thương tiếc tới mức này, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi".

Các học giả Trung Quốc đánh giá, Điển Vi bảo vệ Tào Tháo đến hơi thở cuối cùng là một trong những cái chết đáng tiếc nhất thời Tam quốc.

Lữ Bố dù mang danh là “Chiến thần Tam quốc” nhưng là nghĩa vong ơn bội nghĩa, bị giết bởi tay Tào Tháo cũng là điều dễ hiểu. Quan Vũ trời sinh bảo thủ, sớm muộn cũng bị diệt. Trương Phi tàn bạo thành tính, bị các tướng dưới quyền bất bình giết chết cũng không oan.

Một dũng tướng như Điển Vi, hết lòng phụng sự Tào Tháo nhưng sớm hi sinh trên chiến trường, chưa thể giúp Tào làm nên đại sự là điều các sử gia Trung Quốc cho rằng hết sức đau lònghết sức đau lòng.

_______________________

5 võ tướng dũng mãnh nhất của Tào Tháo, mỗi người đều có những dấu ấn riêng. Trong số này, có một vị tướng không được lịch sử đánh giá cao nhưng là người mà Tào Tháo hết sức khâm phục, so sánh với chiến công của Tôn Tử. Bài viết xuất bản ngày 4.2 sẽ đề cập đến nhân vật này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem