Đạo diễn "Trung úy": Tôi không lạm dụng sex vào phim

Thứ ba, ngày 19/10/2010 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Tôi chỉ băn khoăn sao một phim chiến tranh cách mạng lại phải xếp vào danh mục phim “cấm khán giả dưới 16 tuổi”, mặc dù đã cắt rất nhiều...", đạo diễn phim "Trung úy" Hà Sơn nói.
Bình luận 0

Tối 18-10, bộ phim “Trung uý” của đạo diễn Hà Sơn chính thức ra mắt khán giả trong Liên hoan phim quốc tế VN. Hai suất chiếu của phim đã “cháy vé”. 

Ông nghĩ gì khi “Trung úy” được quyết định tham dự Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam?

- Theo tôi biết phim được quyết định dự liên hoan sớm nhất, nhưng có lẽ vì lý do tế nhị nào đó, việc ra mắt có phần hạn chế. Có lẽ vì nội dung phim thực sự gai góc. Tất nhiên chả có phim nào đi ngược lại truyền thống, văn hoá nước mình, nhưng nói một cách trung thực, khiêm nhường, “Trung uý” là một đột phá. 

img
Một cảnh trong phim truyện nhựa “Trung úy”

Sáng 18-10, một lãnh đạo Cục Điện ảnh đã thông báo “Trung uý” cháy vé. Tôi chỉ băn khoăn sao một phim chiến tranh cách mạng lại phải xếp vào danh mục phim “cấm khán giả dưới 16 tuổi”, mặc dù đã cắt rất nhiều, và hơn nữa đây lại là phim tham dự liên hoan quốc tế.

Ông tự nhận xét phim mình là “đột phá” có hơi quá không?

- Qua phim này, tôi càng thấy rằng không phải phim chiến tranh cách mạng là không ai xem, hay cứ mãi đi theo một định hướng nhất định. Phim của tôi xứng đáng đặt vào bảo tàng! Có bạn quốc tế đến xem phim “Trung uý” nói đây mới thực sự là con người dân tộc VN.

“Trung uý” còn là bản tình ca, để nói rằng, chúng tôi cũng yêu, hết mình, quên mình, để sống, chiến đấu vì Tổ quốc, và cũng để giới trẻ thấy bộ phim không xa cách. Lớp trẻ không thể chỉ thấy thế hệ chỉ có trước cầm súng, cầm gươm ra trận. Tôi ra trận từ 16 tuổi, cho đến hết chiến tranh. Mong ước lớn nhất của chúng tôi trong chiến tranh là sớm quay trở về. Tại sao ta không nói lên những điều đó?

Trong phim có một số cảnh “nóng”. Đây có phải là “gia vị” để góp phần lôi kéo khán giả?

- Nói thẳng ra, cảnh nóng và dư luận nóng về chuyện đó là để PR, để người ta chú ý đến phim. Nhưng khi xem phim của tôi, mọi người sẽ thấy cảnh nóng không là cái gì cả. Toàn bộ câu chuyện, số phận nhân vật chính mới là điều tôi chú ý nhất.

Chúng ta là nước đang phát triển, những yếu tố về sex chẳng hạn, đang là cái mới nhưng không thể lạm dụng nó được. Chúng ta có luật pháp, có quy định rồi, vậy thì phải biết giới hạn. Phải thấy rằng, đó chỉ là một phần cuộc sống, quan trọng nhất là số phận nhân vật.

Bộ phim gặp nhiều “lận đận” và làm lâu như thế, vì sao thưa ông?

img Sản xuất trong điều kiện thiếu thốn, thì tác phẩm vẫn phải có giá trị văn hoá đã! Vấn đề quan trọng nhất không phải là tiền bạc hay công nghệ, mà là ý tưởng, nội dung anh tạo ra thật trúng, thật hấp dẫn. Chúng ta càng nghèo thì càng phải để ý đến nội dung. img

Đạo diễn Hà Sơn

- Một trong những điều đầu tiên là kinh phí quá ít, bản thân Ban giám đốc Hãng phim Truyện cũng nói kinh phí này chỉ đủ làm phim video. Phim quay bằng phim nhựa rẻ nhất, tráng phim ở Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh VN, âm thanh mono… Giai đoạn cuối, chúng tôi quay bằng tiền của đạo diễn và đoàn làm phim góp vào. Thiếu 6 hộp phim để quay những cảnh cuối, đoàn chỉ đủ tiền mua 2 hộp rưỡi. Cho nên gần nửa phim quay các cảnh chỉ với một “đúp”.

Khó khăn thiếu thốn như vậy, liệu phim về chiến tranh có “ra chất” chiến tranh?

- Thực tế, việc lưu giữ, bảo tồn di vật chiến tranh của chúng ta quá kém. Có lẽ đến nay ngoài các đống xác máy bay, xe pháo... của các viện bảo tàng, chỉ còn lại mỗi sân bay Nha Trang là còn khả dĩ để có thể làm bối cảnh sân bay cách đây 50 năm. Máy bay thì ở trường dạy lái của Nha Trang cũng chỉ còn 4 chiếc cũ đặt trên bệ.

Làm sao tạo ra một sân bay để mà đánh phá! Kỹ xảo điện ảnh của ta thì thực sự chưa tốt! Nhưng chúng tôi đã rất cố gắng để khi xem phim, nhiều người cảm nhận được không khí của một sân bay dã chiến cách đây nửa thế kỷ.

Xin cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem