Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Khoảng lặng

Thứ năm, ngày 06/10/2011 07:14 AM (GMT+7)
Nhiều người băn khoăn, sao Bùi Thạc Chuyên lại đi vào dòng phim thị trường, phải chăng anh đang thỏa hiệp?! Còn anh thì nói: "Làm gì có phim nghệ thuật hay phim thị trường. Với một người làm phim chuyên nghiệp, thì chỉ có phim hay, hay phim dở".
Bình luận 0

Sau "Sống trong sợ hãi", phải mất đến 3 năm, mới thấy Bùi Thạc Chuyên xuất hiện với "Chơi vơi". Và cũng phải gần 3 năm sau nữa, anh mới xuất hiện nhưng trong một thể loại phim hoàn toàn mới ở Việt Nam, phim kinh dị, "Lời nguyền huyết ngải".

img

Nhiều người ngạc nhiên, khi anh, một đạo diễn đã thành danh với những bộ phim nghệ thuật lại lựa chọn dòng phim thị trường. Nhưng với Bùi Thạc Chuyên, làm điện ảnh chuyên nghiệp, không quan trọng phim nghệ thuật, hay phim giải trí. Mà chỉ đơn giản, phim hay, hay phim dở.

Bùi Thạc Chuyên ngồi một mình ở một góc quán nhỏ ở 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội, trong một buổi chiều muộn, nơi nhiều năm anh vật lộn với Trung tâm Đào tạo Điện ảnh trẻ. Trông anh mệt mỏi hơn. Chuyên bảo, anh vẫn thường ngồi cà phê một mình. Tránh những chỗ ồn ào, đôi khi là nhiều thị phi của thế giới nghệ sĩ.

Anh cũng không ưa những cuộc tranh luận, đàm tiếu của họ mà lặng lẽ làm công việc của mình. Và ít quan tâm đến dư luận. Tâm huyết của anh dồn vào đám học trò làm phim, với mong muốn đào tạo một thế hệ trẻ yêu điện ảnh và biết thưởng thức nghệ thuật.

22 khóa học, với hơn 400 học sinh, mỗi năm có ba, bốn em theo nghiệp điện ảnh đã là một thành công. Và nhìn thấy anh cười hồn nhiên khi xem những thước phim còn vụng về của đám học trò do chính anh hướng dẫn.

Với Bùi Thạc Chuyên, đó là một niềm vui trong đời sống, ngoài những phút quăng mình vật lộn với máy quay, với phim trường. Ở thế giới trong trẻo và hồn nhiên đó, anh tìm lại được những cảm giác ngày thơ bé của mình. Và anh muốn truyền đam mê cho thế hệ trẻ, có thể dù rất ít người trong số họ sau này lớn lên sẽ làm điện ảnh chuyên nghiệp, thì cũng trang bị cho họ một cách nghe và nhìn. Đó là điều thực sự thiếu đối với thế hệ trẻ lúc này. Niềm yêu thích sẽ cuốn các em ra khỏi thế giới của game, của nghiện hút, cờ bạc… Một mình vật lộn, và tự tay hướng dẫn, chăm chút cho bọn trẻ, tôi hiểu, anh còn mong muốn nhiều và xa hơn thế.

Nhưng điều đau đáu của Bùi Thạc Chuyên vẫn là phim ảnh, dù lúc này, Chuyên không nói nhiều về công việc và những dự định của mình. Cảm giác như anh đang rơi vào bế tắc. Có những quãng buồn trong cơ chế làm phim hiện nay, mà những nhà làm phim độc lập như Chuyên, chỉ là những cá nhân đơn lẻ đang tự vẫy vùng. Cảm giác của một người lữ hành cô độc, giữa một thị trường khán giả đầy tiềm năng, hơn 80 triệu dân khiến Chuyên có lúc thấy bất lực.

Sau thành công của "Chơi vơi", Bùi Thạc Chuyên định hình phong cách làm phim của một đạo diễn trẻ, tự chọn cho mình một lối đi riêng. 10 năm, ba phim nhựa, có vẻ như anh quá cầu toàn. Nhưng rõ ràng, anh không thỏa hiệp, không thỏa hiệp với chính mình và với khán giả trong cơ chế làm phim hiện nay.

Chuyên vẫn khát vọng về một điều gì đó, mà anh chưa chạm tới. Đôi khi nó khiến anh, trong nhịp sống hối hả của đời sống đô thị, của phim ảnh, vẫn thấy mình chơi vơi. Có thể đây là một khoảng lặng chưa có lối thoát trong thế giới sáng tạo của Bùi Thạc Chuyên chăng?

img

Khi nhận lời đề nghị của Hãng phim Thiên Ngân về phim kinh dị, Chuyên chỉ nghĩ, đơn giản đó là một mảnh đất mới mẻ mà anh muốn thử sức mình. Phim ảnh, không chỉ là những thước phim kinh điển, để cất vào tủ kính, mà nó còn là sân chơi của một nền công nghiệp giải trí đang manh nha ở Việt Nam. Thực tế ở nước ta từ trước đến giờ chỉ làm một loại phim, phim kịch tính, phim kể chuyện, lấy yếu tố kể làm hàng đầu mà chưa có thể loại phim thị trường như hài, cao bồi, viễn tưởng.

Thị trường phim giải trí hoàn toàn mới mẻ và rời rạc, kéo theo nó là những hình thức làm phim mới. Con người ưa khám phá, ưa sự dấn thân, Bùi Thạc Chuyên luôn muốn chinh phục những địa hạt mới. Chắc nhiều người sẽ băn khoăn, sao Chuyên lại đi vào dòng phim thị trường. Phải chăng Chuyên đang thỏa hiệp.

Còn anh thì nói: "Làm gì có phim nghệ thuật hay phim thị trường. Với một người làm phim chuyên nghiệp, thì chỉ có phim hay, hay phim dở. Mọi người sẽ đánh giá nó ở góc độ hình ảnh đẹp và nghệ thuật quay". Chuyên bắt tay vào "Lời nguyền huyết ngải", từ khâu kịch bản đến đạo diễn. Phim đang trong giai đoạn làm hậu kỳ. Mất cả năm trời để casting, (Chuyên bảo, thiếu diễn viên trầm trọng, và anh buộc phải mạo hiểm với những diễn viên mới).

Anh cũng gặp khá nhiều khó khăn trong hành trình làm phim, điều kiện làm việc ngặt nghèo và lạc hậu, nếu không muốn nói là chưa có một môi trường làm phim giải trí thực thụ. Tự làm, tự mò mẫm, và biết tiết chế để thích nghi, đó là cách của Bùi Thạc Chuyên, để phim kinh dị của anh không quá lạc hậu với thế giới, mà vẫn giữ được bản sắc riêng của phim Việt.

Anh tự viết kịch bản, từ ý tưởng của một truyện ngắn của nhà văn Phạm Hải Anh. Đó là những đêm triền miên mệt nhoài từ 4 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Cầu toàn đến từng khuôn hình, từng thước phim, và trong giai đoạn hậu kỳ, anh cũng chưa hết lo lắng. Ở Chuyên luôn có sự khác biệt. Và sự khác biệt đó, Chuyên được thừa nhận nhiều hơn là chê. Đó là thành công của anh.

Với thể loại mới mẻ này, trong bối cảnh làm phim lạc hậu ở Việt Nam, để đạt được ý đồ quả là một điều khó khăn. Thế nên, Bùi Thạc Chuyên đã hóa giải bài toán này bằng cách đưa điện ảnh trở về với nguyên thủy của nó, anh viết nên một câu chuyện mà ở đó không cần nhiều kỹ xảo. Anh hướng câu chuyện về gần với đời sống hiện thực, dù là ma mị, là siêu thực, thì vẫn mang hơi thở nóng hổi của đời sống.

Một câu chuyện hay, một lối kể hấp dẫn và những diễn viên tốt. Đó là cách Chuyên lựa chọn để kể cho khán giả. Trong khi phim kinh dị Mỹ chú trọng khai thác kỹ xảo, và lấy kỹ xảo làm chủ điểm thì Chuyên hướng vào đời sống trên nền văn hóa và tâm linh Việt. Một câu chuyện thuần chất phương Đông, về y học cổ truyền, về tâm thức của người phương Đông, về người sống và người chết, về thuyết nhân quả.

Nhưng giản đơn và dễ hiểu hơn bằng sự cuốn hút và hấp dẫn, chứ không bằng tảng băng chìm như cách anh khai thác thế giới tâm linh và sự bế tắc của đời sống trong "Chơi vơi". Chuyên hóa giải những ám ảnh về đời sống, về tâm thức dân tộc trong những mộng mị của ba chàng trai trẻ, trong thế giới hư hư ảo ảo, nhưng rất thực của con người.

Anh muốn hướng đến một đối tượng khán giả rộng hơn, và anh dám chắc, họ sẽ bị cuốn hút vào cách kể của anh, một thế giới khác biệt. Có những triết lý, những suy ngẫm khiến người xem phải trăn trở, ám ảnh với nó, chứ không đơn thuần chỉ là kỹ xảo.

Người xem không chỉ bị ám ảnh bởi những hình ảnh ma mị trực diện trong phim, mà còn bị ám ảnh bởi những điều không nhìn thấy, đó là hiệu ứng từ thế giới âm thanh mà Bùi Thạc Chuyên trực tiếp thuê những chuyên gia nước ngoài làm. Những thước phim, những khuôn hình đẹp. Đó là cách Bùi Thạc Chuyên thể hiện sự đẳng cấp và chuyên nghiệp của mình. Đó cũng là cách anh tôn trọng khán giả.

Chuyên kỳ vọng nhiều vào "Lời nguyền huyết ngải", ở một cách khác, đó là đám đông của khán giả. Làm phim, không thể nói, tôi không quan tâm đến đám đông. Nhưng cảm giác, đó vẫn không phải là thế giới của Chuyên, hay đây chỉ là một khoảnh khắc anh ghé qua trong dòng chảy ồn ào của cuộc sống, trong những lúc bế tắc.

Điều Bùi Thạc Chuyên đau đáu, vẫn còn nằm đâu đó, trong thế giới của riêng anh. Chuyên nói nhiều về thực trạng buồn của nền điện ảnh. Anh tự ví, những người làm phim độc lập, anh hay Phan Đăng Di, chỉ là những cá nhân vẫy vùng giữa biển cả, chỉ làm gợn sóng, chứ chưa đủ sức làm nên sóng. Thấy Bùi Thạc Chuyên vẫn đau đáu về những điều lớn hơn cho nền điện ảnh nước nhà.

Không phải giải Oscar, không phải sự vinh danh của những giải thưởng trong nước hay quốc tế. (Dù anh là người được trải thảm đỏ). Mà là một nền điện ảnh Việt thực sự cho hơn 80 triệu dân, một nền điện ảnh thị trường. Phim không phải là vấn đề của đầu tư mà là vấn đề của thị trường giải trí. Ở đó cần sự cởi mở, cần tài năng.

Anh nói: "Ai hứng thú thì tham gia các giải thưởng này nọ, chứ tôi thì không quan tâm. Vấn đề của chúng ta là làm sao có một thị trường phim, có phim để làm, và có thể nuôi sống được người nghệ sĩ đang hằng ngày phải vật lộn để mưu sinh, và khán giả có phim để xem. Họ có một nền điện ảnh Việt thực sự của hơn 80 triệu dân này, điều đó quan trọng hơn nhiều. Ở Hàn Quốc, công nghiệp giải trí còn phát triển hơn cả ô tô.

Trong khi đó, chúng ta cứ nhập nhằng giữa điện ảnh tư nhân và nhà nước, mà mãi vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản là, làm thế nào để có một nền điện ảnh Việt thực sự". Câu hỏi nhức nhối đó vẫn chưa tìm được câu trả lời trong bối cảnh nền điện ảnh đang rơi vào khủng hoảng.

Thế nên, những cá nhân độc lập như Bùi Thạc Chuyên, vẫn phải tìm cách để thoát ra, và đi một lối của riêng mình. Và tôi biết, sau những khoảng lặng chưa có lối thoát, Bùi Thạc Chuyên đã bắt đầu những bước đi mới, chậm rãi, nhưng sẽ bền lâu.

Theo CAND
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem