Đấu thầu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Nhiều đạo diễn “kêu trời” vì quá nhiều bất cập

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 15/06/2024 08:33 AM (GMT+7)
Nhiều đạo diễn, nhà tổ chức nghệ thuật phải "kêu trời" khi một số quy định của Luật Đấu thầu 2023 áp dụng vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có quá nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn và đặc thù lĩnh vực.
Bình luận 0

Phải đấu thầu cả kịch bản, đạo diễn... mà không có tiêu chí đo lường

Trong buổi họp báo tổng kết Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra hôm 13/6, ông Trần Hữu Thùy Giang - chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm nay là năm đầu tiên Festival Huế thực hiện đấu thầu công khai các tiết mục nghệ thuật biểu diễn. Theo quy định của Luật Đấu thầu, đơn vị tham gia đấu thầu nào đưa ra số tiền trúng thầu thấp nhất, đáp ứng đủ các quy định thì sẽ được ưu tiên lựa chọn trúng thầu (tính theo thang điểm).

Đấu thầu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Nhiều đạo diễn “kêu trời” vì quá nhiều bất cập- Ảnh 1.

Festival Huế 2024 lần đầu tiên thực hiện đấu thầu công khai các tiết mục nghệ thuật biểu diễn. Ảnh: BVH

Luật Đấu thầu quy định như vậy nên một số đơn vị tổ chức nghệ thuật dù "quen mặt" với Festival Huế từ nhiều năm nay nhưng cũng không góp mặt được vì không trúng thầu. Và đó cũng là lý do khiến ca sĩ Đen Vâu, Soobin Hoàng Sơn, Suboi… vắng mặt trong một chương trình nghệ thuật dù trước đã được công bố sẽ tham gia biểu diễn trong khuôn khổ Festival Huế, chỉ vì đơn vị tổ chức không trúng thầu theo Luật Đấu thầu.

Thực tế, Luật Đấu thầu được Quốc hội ban hành tháng 11/2023 đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để việc tổ chức đấu thầu được thuận lợi, phù với các quy định của pháp luật hiện hành, tránh lãng phí và thất thoát ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, có một số quy định của Luật khi áp dụng vào các lĩnh vực đặc thù, cụ thể là lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật vẫn tạo nên độ "chênh", khiến công tác tổ chức đấu thầu gặp nhiều khó khăn.

Đấu thầu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Nhiều đạo diễn “kêu trời” vì quá nhiều bất cập- Ảnh 2.

Đạo diễn Biện Lan - Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Thương mại Song Hà. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Dân Việt, đạo diễn Biện Lan – Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Thương mại Song Hà (Song Hà Media) khẳng định, Luật Đấu thầu là cần thiết đối với công tác tổ chức đấu thầu trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, nghệ thuật biểu diễn.. lại có nhiều bất cập. Trước hết đó là quy định đấu thầu về kịch bản, đạo diễn… khi muốn tham gia tổ chức một chương trình nghệ thuật, trong khi không có quy định cụ thể về tiêu chí đo lường.

"Kịch bản một chương trình nghệ thuật là giá trị trí tuệ, sáng tạo của mỗi đạo diễn, mỗi công ty sẽ có những sáng tạo riêng biệt nên chất lượng chương trình cũng sẽ khác biệt. Nếu đem điều này ra so sánh rồi đo lường bằng tiền thì e là khó... Dĩ nhiên, thông thường ngoài giá tiền, bài thầu có thể đề ra một số tiêu chí kèm theo nữa, nhưng rốt cục, giá trị gói thầu bằng tiền vẫn là ưu thế hàng đầu.

Đối với một đơn vị tổ chức sản xuất sự kiện văn hóa - nghệ thuật đòi hỏi phải có thời gian để đầu tư cho chất lượng nhưng thời gian đấu thầu thường bị khống chế rất ngắn, nhà thầu muốn trúng thầu khách quan thường phải chọn khả năng trúng cao nhất, nên khó có chuyện "ngon, bổ, rẻ" ở đây.

Bữa tiệc nghệ thuật "ngon, bổ" phải đáp ứng các yếu tố: tài năng của tác giả kịch bản, của đạo diễn và ê-kíp biên đạo, giám đốc nghệ thuật, giám đốc sản xuất, giám đốc âm nhạc... Các chất liệu nghệ thuật và các yếu tố về nội dung, đòi hỏi sự khảo sát, nghiên cứu cẩn thận, yêu cầu chuyên môn cao về kỹ thuật, về công nghệ, về hiệu ứng hỗ trợ, về nhân sự sản xuất và nhân sự nghệ thuật... nên không thể có chuyện rẻ và gấp mà lại hay được, có chăng cũng chỉ là "tô mì nghệ thuật ăn liền".

Đơn vị chúng tôi chọn chất lượng chương trình là trên hết, nên thông thường những sự kiện có thời gian sản xuất ngắn thì chúng tôi sẽ không tham gia dự thầu, vì nếu dự thầu bất chấp như vậy sẽ không đảm bảo được về mặt chất lượng".

Đấu thầu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Nhiều đạo diễn “kêu trời” vì quá nhiều bất cập- Ảnh 3.

Đạo diễn Hoàng Công Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần giải trí HCC. Ảnh: NVCC

Tương tự, đạo diễn Hoàng Công Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần giải trí HCC cũng bày tỏ với Dân Việt rằng, Luật Đấu thầu 2023 đã tạo ra nhiều cơ chế minh bạch, đảm bảo hiệu quả cho công tác đấu thầu, nhất là giúp các cơ quan Nhà nước có thể lựa chọn được đơn vị tham gia đấu thầu với số tiền thấp nhất, tiết kiệm cho nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật khi tham gia đấu thầu, ai cũng phải dựa vào giá trị của trang thiết bị, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực đầu vào để đưa ra giá chào thầu phù hợp. Điều này dẫn đến giá gói thầu phải ở mức có thể đảm bảo được chất lượng nghệ thuật và tiến độ thực hiện.

"Việc các đơn vị tổ chức đấu thầu lựa chọn giá chào thầu thấp nhất khiến một số đơn vị tham gia thầu lo sợ trượt thầu, cố tình đưa giá thấp xuống gây khó khăn cho công tác lựa chọn đơn vị có kịch bản đặc sắc, chất lượng nghệ thuật cao. Công ty chúng tôi luôn đặt chất lượng nghệ thuật và hiệu quả tổ lên hàng đầu, vì vậy, với những gói thầu mà chúng tôi cảm thấy giá gói thầu không đảm bảo được chất lượng đầu ra, chúng tôi sẽ không tham gia ngay từ đầu để giữ gìn thương hiệu và định hướng của công ty", đạo diễn Hoàng Công Cường nhấn mạnh.

Cần điều chỉnh lại để Luật không phải là "vòng kim cô"

Đạo diễn Biện Lan nhìn nhận, Luật Đấu thầu hiện hành hầu như chưa tính toán kỹ càng về các gói thầu đối với chương trình văn hóa - nghệ thuật, gây nhiều bất cập, bộc lộ nhiều sơ hở dẫn đến thông thầu hoặc thiếu an toàn cho những chủ thầu - đơn vị thầu... Đó là chưa tính đến những rủi ro, phiêu lưu cho những sự kiện tầm cỡ, đòi hỏi thời gian, chất lượng cao (nhất là đấu kịch bản, đấu thầu đạo diễn và ê-kíp nghệ thuật). Bà Biện Lan đưa ví dụ, từ khi mời thầu đến mở thầu một sự kiện lớn chỉ có khoảng 10 đến 15 ngày, việc này không khác gì "đánh đố" các đơn vị tổ chức sự kiện vì ngần đó thời gian không ai có thể đáp ứng được hết các yêu cầu của nhà thầu.

Đấu thầu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Nhiều đạo diễn “kêu trời” vì quá nhiều bất cập- Ảnh 4.

Chương trình "Áo dài Huế - Chuyện kể từ dòng sông" do Song Hà Media tổ chức. Ảnh: NVCC

Bản thân đạo diễn Hoàng Công Cường cũng cho rằng: "Nghệ thuật là lĩnh vực được xã hội đánh giá thông qua cảm nhận và dấu ấn mà nó để lại. Người làm nghệ thuật có thể chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn nhưng vẫn đủ năng lực, tài năng và kinh nghiệm để sáng tạo nên "đứa con tinh thần" hoàn chỉnh. Tuy nhiên, một số hồ sơ mời thầu lại giới hạn nhà thầu tham gia bằng cách bắt buộc phải có bằng cấp đại học liên quan đến công việc chuyên môn thực hiện mà không chấp nhận các tài liệu để chứng minh kinh nghiệm làm việc tương tự. Đây cũng là trăn trở của doanh nghiệp tôi, khi này tôi phải nghĩ đến thay đổi kế hoạch tuyển dụng lao động của công ty mình.

Thêm nữa, cần tách bạch gói thầu chuyên môn về nghệ thuật và gói thầu cho các đơn vị sản xuất để đạt được hiệu quả cao nhất. Công tác thẩm định về chuyên môn liên quan đến yếu tố nghệ thuật đòi hỏi tính thẩm mỹ và tính khách quan, ảnh hưởng rất lớn đến nội dung chương trình nghệ thuật. Đồng thời, việc tách bạch gói thầu cũng góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật cho các tác giả".

Theo đạo diễn Hoàng Công Cường, để khắc phục những bất cập và hạn chế của Luật Đấu thầu trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, bước lập dự toán vô cùng quan trọng. Chủ đầu tư cần tham khảo giá thị trường từ nhiều đơn vị, nhiều khu vực, nhiều sự kiện ở các thời điểm khác nhau để đảm bảo dự toán chính xác, sát với thực tế. Đồng thời, chủ đầu tư/bên mời thầu cần nâng cao bảo đảm thực hiện hợp đồng để ràng buộc nhà thầu, tránh trường hợp nhà thầu cố tình chào giá thấp để trúng thầu bằng mọi cách. Khi đó chủ đầu tư/bên mời thầu sẽ không bỏ lỡ các đơn vị chào thầu có uy tín, có tiềm năng thực hiện gói thầu.

Đạo diễn Biện Lan cũng bày tỏ: "Tôi nghĩ, đối với lĩnh vực này, cần quy định thời gian đấu thầu dài hơn, yêu cầu năng lực cao hơn, tiêu chí nội dung được đặt lên hàng đầu, chọn nội dung đáp ứng yêu cầu rồi mới đến giá thầu... Tức là ngược lại với tiêu chí quyết định thắng thầu hiện nay, giá được đặt lên đầu tiên. Thật sự mà nói, đấu thầu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn quá nhiều bất cập, không thể đấu thầu rộng rãi, phải chăng chỉ nên chào cạnh tranh, đấu thầu hạn chế, tốt nhất là chỉ nên chỉ định thầu, bởi đã có Nghị định số 21/2015 Quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác" Quyết định số 14/2015 của Thủ tướng về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn quy định mức thù lao, chi phí. Nên đưa thêm nhiều cơ sở phù hợp hơn cho phép chủ đầu tư chỉ định thầu. Hiện đang là những cơ sở chưa thuận lợi, chưa hợp lý để được phép chỉ định thầu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem