Đạo diễn Lê Quý Dương: Nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại

Thanh Hà (ghi) Thứ bảy, ngày 12/11/2022 06:41 AM (GMT+7)
Là đạo diễn tâm huyết với di sản, Lê Quý Dương mong muốn thế hệ hôm nay và nhiều thời đại sau nữa cảm nhận và hiểu được rằng, để được ghi danh trên bản đồ nhân loại thì cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy từng nét chạm khắc trên đền, đài miếu mạo.
Bình luận 0

Thế giới có 3 cách để ứng xử với di sản

Đạo diễn Lê Quý Dương: Nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại - Ảnh 1.

Đạo diễn Lê Quý Dương. Ảnh: NVCC

Sau hai năm tạm dừng mọi kế hoạch vì dịch Covid, giờ đây trở lại với nghệ thuật, được biết anh đang bắt tay làm một dự án khá "khủng" tại Ninh Bình, vậy anh có thể chia sẻ về dự án này?

- Đây là một dự án đã được tôi ấp ủ từ năm 2019, nhưng sau đó vì vướng vào dịch nên mọi thứ tạm dừng. Năm nay, dịch đã không còn gây trở ngại thì dự án này được tiếp tục thực hiện.

Tôi kết hợp với tỉnh Ninh Bình làm chương trình "Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022" với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" với sự tham gia của 13 tỉnh thành.

Chương trình sẽ có 5 hoạt động đặc sắc được diễn ra trong 3 ngày tại thành phố Ninh Bình gồm: Chương trình khai mạc Festival; Triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống; Chương trình lễ hội đường phố; Chương trình đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng đương đại và Chương trình Bế mạc Festival.

Tôi được biết, ở mỗi quốc gia, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản rất được coi trọng. Đặc biệt là với những quốc gia có số lượng di sản lớn. Một số quốc gia lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam sẽ có số lượng di sản rất khác so với các quốc gia mới thành lập Úc, Mỹ. 

Đạo diễn Lê Quý Dương: Nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại - Ảnh 2.

Tuần lễ du lịch Tam Cốc - Tràng An Ninh Bình. Ảnh: Huy Hoàng

Các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Việc chúng ta có thái độ như nào với di sản trong công tác bảo tồn và phát huy di sản đã được những người làm chương trình như chúng tôi đưa ra bàn luận rất nhiều.

Theo đó, thế giới có 3 cách để ứng xử với di sản. Cách thứ nhất là bảo tồn di sản nguyên gốc ở chính nơi di sản đó được sinh ra. Cách thứ hai là ứng dụng di sản trong đời sống, đặt di sản đó trong một không gian mới. Ví như, với nghệ thuật múa rối nước, Nhà hát múa rối Thăng Long đã xây dựng nhà thuỷ đình bên trong chính trong nhà hát để giới thiệu tới khách du lịch. Cách thứ ba là kết hợp các loại hình di sản để sáng tạo trên nền tảng mới.

Đối với Festival Ninh Bình – Tràng An kết nối di sản, chúng tôi chọn phương pháp thứ hai, lấy toàn bộ di sản của các vùng miền đặt trong không gian rộng lớn hơn. Đấy là phương án xuyên suốt để chúng tôi lựa chọn với mong muốn giá trị di sản của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng nguyên gốc và khi cần thiết được hỗ trợ dàn dựng để thăng hoa hơn giữa một sân khấu rộng lớn.

Đạo diễn Lê Quý Dương: Nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại - Ảnh 3.

Nhìn vào chương trình có tới 13 tỉnh thành tham gia, vậy anh làm thế nào để kết hợp, tránh bị loãng hay mất đi tính di sản trong 13 tỉnh, thành đó?

- Về nguyên tắc tổ chức và dàn dựng Festival, tôi muốn giữ nguyên bản và tôn trọng tuyệt đối các giá trị di sản của từng tỉnh, thành phố mang về giới thiệu tại đây do đó chương trình trước hết phải chuẩn về mặt di sản để các nhà nghiên cứu, chuyên gia di sản, UNESCO công nhận và đánh giá cao. Vì vậy chúng tôi có nguyên tắc bất di bất dịch là tỉnh thành nào mang di sản đến chúng tôi sẽ tôn trọng tuyệt đối. 

Nhóm nghệ sĩ dàn dựng chính của Festival gồm biên đạo múa Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Phong; Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Trọng Tuấn cùng thống nhất quan điểm và nguyên tắc dàn dựng Festival này là phải giữ tính nguyên bản độc đáo đặc sắc của từng tỉnh, thành phố. Chúng ta đừng lo ngại rằng tổ chức Festival di sản là xưa cũ, nhàm chán. Làm di sản rất thú vị, số lượng di sản rất đặc sắc và rất lớn nên nó tạo cho chúng tôi nguồn cảm hứng rất lớn.

Mong muốn nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại

Anh thuyết phục tỉnh Ninh Bình như nào để họ tổ chức Festival?

- Tôi là người đã lên sáng tạo ý tưởng, viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng cho hơn hàng chục chương trình lễ hội và sự kiện lớn trên khắp cả nước. Cùng với Festival Huế, tôi đã làm Festival Võ cổ truyền Quốc tế (Bình Định); Festival Dừa (Bến tre); Festival Gốm (Bình Dương); Festival Cà Phê (Đắk Lắk); Festival lúa gạo (Sóc Trăng); Festival Đờ Ca Tài tử (Bạc Liêu); Festival Biển (Nha Trang); Festival Di sản Đông Dương (Quảng Nam)…

Năm 2019, cơ duyên là sau khi đạo diễn "Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng dảy lịch sử của dân tộc" tại tỉnh Ninh Bình, tôi đã đặt vấn đề và xây dựng đề án chi tiết rất kỹ về Festival này để trình lên Thường trực tỉnh Ninh Bình. Ban đầu có rất nhiều ý kiến phản biện. Đáng ra chương trình đã làm từ năm 2020. Nhưng 2 năm dịch Covid-19 nên không thực hiện được. Sang năm nay, 2022 mới tổ chức và vì là lần đầu tiên có rất nhiều cái vất vả, trong đó kinh phí rất ít, tài trợ rất ít.

Đến giờ phút này, với sự cố gắng nỗ lực của tôi và ê-kip, mọi thứ đã hòm hòm. Chiều 15/11, tất cả các đoàn nghệ thuật mới tập kết về Ninh Bình và chúng tôi chỉ có khoảng mấy tiếng để ráp nối thôi. Thời điểm công nghệ 4.0, chúng tôi làm việc trên nền tảng số, các đoàn nghệ thuật tập tại địa phương gửi video tập đến. Từng đoàn đã được duyệt tại mỗi tỉnh thành đó. Tôi vẫn luôn bám sát nguyên tắc giữ nguyên gốc nên mình tôn trọng từng tiết mục nghệ thuật của từng tỉnh thành. Sáng 17/11, chúng tôi sẽ tập duyệt điều chỉnh lại và tối 17 bắt đầu khai mạc.

Đạo diễn Lê Quý Dương: Nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại - Ảnh 4.

Mùa vàng trên đường đi Tam Cốc, Bích Động.

Festival Ninh Bình sẽ khác Festival Huế như nào, thưa anh?

- Bản chất Festival Huế và Ninh Bình là khác nhau, từ chủ đề đến cách thể hiện. Ở Huế có 3 lớp di sản tiêu biểu: Cung đình, Tâm linh, Dân gian với các làng nghề và cộng với việc kết nối các chương trình quốc tế mang tính mở. Festival Huế làm chỉ tập trung về di sản Huế thôi. Có thể dành 2/3 cuộc đời tôi cũng chưa chắc làm hết các di sản về Huế.

Còn tại Festival Ninh Bình là câu chuyện là kết nối di sản. Kết nối ở đây là từ di sản Tràng An, mời gọi và kết nối những di sản các vùng miền về đây. Rất dung dị, không đao to búa lớn, đây là cuộc chơi của Ninh Bình nên để làm cái gì nó nặng nề thì không nên. Định hướng của Festival này rất rõ ràng, không phải đây là Festival của riêng Ninh Binh để tôn vinh di sản Ninh Bình mà Ninh Bình chỉ là đơn vị đăng cai để kết nối các miền di sản các tỉnh thành, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau.

Duyên nào đẩy đưa để đạo diễn nhận lời mời làm Festival Ninh Bình?

- "Ninh Bình ám ảnh tôi từ năm 2018 khi tôi nhận lời mời của UBND tỉnh Ninh Bình về khảo sát, nghiên cứu, viết kịch bản và tổng đạo diễn Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một ngày về với Ninh Bình, thắp nén hương trong đền thờ Vua Đinh, Vua Lê và nhà bia tưởng niệm Vua Lý trên quảng trường Hoa Lư, ngắm núi Mã Yên sừng sững, nơi yên nghỉ của vị Hoàng Đế đầu tiên mở nền độc lập, tự chủ, khơi nền chính thống cho dân tộc, cảm xúc trở về nguồn đã dâng lên mạnh mẽ trong tôi. Ngỡ ngàng! Cảm phục! Tri ân! Một dân tộc khi cần đứng lên thì trẻ chăn trâu cũng lập cờ lau tập trận, thành anh hùng cứu dân lập quốc. 

Không có di sản lịch sử, văn hoá, nghệ thuật nào mà không bắt đầu từ con người. Khởi nguồn cho mọi di sản chính là con người và dân tộc chúng ta đã làm nên một di sản đồ sộ, đa dạng và vô cùng độc đáo cho chính mình. Suy nghĩ này ám ảnh, thôi thúc và thách thức tôi phải làm một điều gì đó ý nghĩa, mong muốn nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại. 

Đạo diễn Lê Quý Dương: Nhiều di sản Việt Nam được ghi danh trên bản đồ nhân loại - Ảnh 5.

Tôi muốn những thế hệ hôm nay và nhiều thời đại sau nữa cảm nhận và hiểu được rằng, để được ghi danh trên bản đồ nhân loại thì phải biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy như thế nào. Các bạn trẻ nên biết, để có từng nét chạm khắc trên đền đài miếu mạo, có từng nhịp ngân rung trong tiếng hát còn mãi qua nhiều thế kỷ, cha ông chúng ta đã vượt qua mọi thử thách, thăng trầm, với đôi bàn tay và khối óc sáng tạo nên diện mạo, hình hài và tâm hồn của dân tộc.

Cám ơn đạo diễn Lê Quý Dương!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem