Sau những thành công của "Đập cánh giữa không trung" tại các liên hoan phim Quốc tế, Nguyễn Hoàng Điệp đang bắt đầu cho dự án mới của mình, một "Câu chuyện buồn nhất thế gian".
Tôi thấy chị liên tục có những chuyến đi sau khi "Đập cánh giữa không trung" ra mắt. Cảm giác của chị sau những chuyến đi là gì?
- Sau những chuyến đi, cảm giác của tôi thay đổi rất nhiều. Hồi mới mang phim đi dự liên hoan phim thì khác, lúc đó tôi háo hức vì muốn biết bộ phim sẽ được đón nhận hay chối bỏ theo cách nào. Một tháng đầu tiên "Đập cánh giữa không trung" ra mắt ở Venice, tôi có cảm giác như đứa con vừa rời khỏi bụng mình và tôi mắc chứng "trầm cảm sau sinh", mình thấy thiếu nó, giống như mình có nhu cầu kiểm soát, để nó được như ý mình.
Tôi cố gắng bơi theo lịch trình làm việc của nhà sản xuất nhưng sức khỏe mình có hạn, việc cứ di chuyển liên miên từ sân bay này sang sân bay khác, phòng chiếu này qua phòng chiếu khác, đến một lúc - về mặt sinh học, làm mình mệt mỏi và chán. Có một sự kháng cự, chống đối từ bên trong mình. Đó là một giai đoạn khó khăn khiến tôi phải từ chối trên 60% lịch đi liên hoan phim. Những chuyến đi đã tước đi thời gian, năng lượng, cảm xúc. Có lẽ bây giờ là lúc mình cần phải dừng, chậm lại, ngồi ở nhà để viết một điều gì đó.
Chị có thấy mỏi mệt vì hành trình của một nhà làm phim độc lập, không chỉ đơn thuần chuyện làm phim mà còn vất vả đưa phim của mình ra với công chúng ?
- Lúc "Đập cánh giữa không trung" chưa đập cánh ở đâu cả, tôi cũng rơi vào trầm cảm vì mình chưa tìm được đường đi đúng, chưa biết mọi chuyện ra sao, cũng giống như cô bé Huyền trong phim, hoàn toàn cô độc, nhưng mình là người duy nhất phải có trách nhiệm trong chuyện này, nếu mình không làm được mọi thứ sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Tôi cố chờ một tia sáng lóe lên nhưng nó đã không lóe.
Và phải chờ rất lâu sau đó (5 năm). Nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn thích khoảng thời gian này, tâm thế của một người làm phim hoàn toàn không bị lệ thuộc, không bị tác động bởi những thứ không thuần khiết. Trong suy nghĩ của tôi, với một người làm nghệ thuật thì càng nên cố gắng tránh xa sự lệ thuộc, càng giảm bớt được sự lệ thuộc bao nhiêu thì sự tự do và nhẹ nhõm sẽ càng lớn bấy nhiêu.
Tôi sẽ lựa chọn giai đoạn khó khăn đó, hơn là giai đoạn tôi phải chịu trách nhiệm về sự thành công của bộ phim ở thị trường này hay thị trường khác. Tất cả những điều đó lẽ ra nó phải được chăm bẵm, lo lắng bởi một bộ phận khác. Khi mình ép mình phải làm tất cả thì tôi thấy mình như một con bò gầy gò không đủ sức kéo một chiếc xe. Quan sát loanh quanh tôi nhận ra, cách làm phim của các nhà làm phim độc lập ở mình hoặc quá nghệ sĩ hoặc là quá cu li. Tôi là dạng thứ 2.
Thế nhưng, chúng ta vẫn không có nhiều phim tử tế, thậm chí, nói như như một đạo diễn Việt kiều phim Việt thiếu bản sắc và copy - patse. Chúng ta chạy theo thị hiếu của người xem?
- Cũng phải xem lại người nói điều đó là ai? Đã làm gì trong hoặc cho điện ảnh? Đã xem - yêu - ghét những gì trong số rất nhiều phim Việt Nam... chứ cứ nghe ai đó là mệt vô cùng! Định hướng thị trường một cách rất thị trường như chúng ta bây giờ, gây sự hiểu sai, khiến cho sự thuần khiết ban đầu của nghệ thuật có thể bị ảnh hưởng, bị trầy xước. Sự thuần khiết nó là cái lõi, nếu mình để nó xước xác, mòn đi rất nguy hiểm. Nên một cách nào đó mình phải làm được cả hai.
Thị trường đang rất tốt, tự động sẽ sản sinh ra những người làm phim, những nhà sản xuất, những nhà phát hành (các bộ phận mà có thể trước nay ta chưa có vì trong hoạt động chuyên môn cũng như đào tạo chúng ta chỉ chú trọng đào tạo bộ phận sáng tác: đạo diễn, biên kịch, quay phim). Tuy nhiên, họ phải có gốc rễ, được đào tạo, học hành, nghiên cứu một cách căn bản. Người làm phim vẫn phải giữ được sự thuần khiết của nghệ thuật thay vì leo từ ngọn leo xuống. Chúng ta đang đi với những giá trị có quá nhiều chân và không biết được đâu là điều mình muốn, đâu là thực sự giá trị.
Nếu được lựa chọn, chị sẽ chọn phim nghệ thuật để ra thị trường. Chị làm thế nào để không bị trầy xước và giữ được sự thuần túy của nghệ thuật như chị nói?
- Thị trường Việt Nam rất thông minh, những người làm phim được hưởng lợi từ đó. Các nhà làm phim không phải lo lắng gì đến việc mình phải kéo tụt mình xuống để làm vừa lòng văn hóa thị dân (mà hiện giờ nhiều khi chúng ta đánh đồng hoặc cố ý hiểu sai theo hàm ý xấu, thấp kém, tầm thường). Họ mà cứ giữ cái bài làm phim rẻ tiền vì cho rằng khán giả dốt nên chỉ thích xem như thế, là họ nghĩ sai và coi thường thị trường, may mắn nếu họ có sẽ không kéo dài.
Ai có suy nghĩ như vậy, họ sẽ ngã ngựa ngay từ lần đầu tiên chạm mặt thị trường phim ảnh. Tôi không giỏi nên không thể nói gì về thị trường, nhưng tôi biết chắc chắn rằng tôi không thể làm một phim tồi được. Chuyện làm phim nghệ thuật hay thương mại không quyết định bạn làm phim tốt hay phim tồi. Phim tốt là phim tốt.
Phim đầu tay đã mang đến những thành công, liệu đó là thuận lợi hay áp lực với chị?
- Tôi bị áp lực vì những lý do khác. Càng ngày tôi càng thấy thời gian ít quá. Đôi khi tôi ước, giá mình trẻ hơn, có nhiều thời gian hơn, giá mình còn độc thân, không phải lo lắng cho gia đình, mình sẽ có bao nhiêu sự tự do để lựa chọn. Giờ mình bị lệ thuộc vào quá nhiều thứ mà "Đập cánh" chỉ là một điều thôi. Tôi không bị áp lực rằng "Đập cánh" đã đến Venice nên bây giờ tôi phải làm một phim thành công hơn nữa. Cái chuyện thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu... hàng đầu rồi biết đi đâu... chuyện đó vừa buồn cười và vừa nên tránh xa nếu bạn muốn tạo tác một cảm giác thuần khiết cho bộ phim của mình.
Nhưng tôi bị một áp lực khác. Liệu tôi có đủ thời gian để dành cho một dự án phim độc lập nữa hay không, trong khi có quá nhiều lời mời. Tôi bị mắc kẹt, một năm mình sẽ làm vài dự án để kiếm tiền, hay bỏ ra 3 năm để làm phim của mình mà không có một đồng thu nhập nào, để đảm bảo dự án mình làm ra sẽ thuần khiết. Tôi vẫn nói với chồng, có lẽ tôi đi bán than, bán hoa, bán cà. Chứ bây giờ tôi nhảy vào làm phim tháng này qua tháng khác, tôi không biết làm thế nào để giữ được khoảng cách đủ tốt, đủ an toàn, đủ đẹp đẽ, đủ trọn vẹn cho phim thứ 2. Và tôi thấy mình loay hoay giữa không trung. Tôi đang cực kỳ lo lắng.
Chị đã thoát khỏi ám ảnh của "Đập cánh giữa không trung" để bắt đầu cho dự án mới của mình rồi chứ?
- Tôi thoát khỏi nó khá lâu rồi. Tôi không phải đạo diễn say đắm với phim mình, ôm ấp phim của mình năm này qua năm khác. Tôi sẽ có cảm xúc trong lúc quay, lúc viết kịch bản, lúc làm việc, xong là dứt. Nếu nó dở thì mình đã không cho ra, còn nếu đã ra thì đó là khả năng lớn nhất của mình rồi. Mình không làm được gì hơn thế. Với tôi, thế là đủ rồi.
Sẽ là một "Câu chuyện buồn nhất thế gian". Phim của chị luôn bị ám ảnh bởi nỗi buồn và sự bế tắc, bởi những thân phận phụ nữ. Vì sao vậy?
- Với tôi, những ý tưởng tiêu cực bao giờ cũng đến sớm hơn những ý tưởng tích cực. Hoặc những ý tưởng tích cực nó đến nhanh quá và chạy ngay đến giai đoạn tan rữa, lụi tàn. Khi tôi gặp một người trẻ tuổi, sự trẻ trung của họ sẽ làm mình thấy khoan khoái, dễ chịu, nhưng rất nhanh chóng cảm giác đó đi qua, nhường chỗ cho một tưởng tượng về một khoảng thời gian sau đó, rồi thì bạn sẽ nâng mũi, sửa cằm, và vẻ đẹp đó sẽ không còn, mình sẽ làm được gì ngoài chuyện ngắm?
Tôi ít khi cảm thấy vui khi ngắm một bông hoa nở mà nghĩ ngay đến ngày mai nó sẽ tàn. Đó là thứ nó tự nhiên xảy đến với mình. Những điều mình nhìn thấy hàng ngày là chất liệu để xắn nó ra từng mảng đưa vào phim. Đời cơ bản là buồn. Và tôi cũng không có nhu cầu thay đổi chuyện đó.
Thực ra tôi làm phim hài rất tốt. Và tôi thích thú với chuyện đó, miễn nó giữ được trạng thái thuần khiết. Mình làm phim và tôn trọng nó, còn buồn vui, nghệ thuật hay thương mại chỉ là cách thể hiện.
Đó sẽ là câu chuyện tiếp nối của "Đập cánh giữa không trung"?
- Tôi không nghĩ vậy, "Câu chuyện buồn nhất thế gian" kể về một nhân vật nữ ở độ tuổi lớn hơn, qua giai đoạn phải đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành. Nó không còn là một người mẹ và đứa con vô hình trong bụng nữa, mà người mẹ trong giờ phút sinh tử với những đứa con bên cạnh, và hành trình của những đứa con đi tìm câu trả lời tôi là ai. Nếu người xem có một sự liên tưởng nào đó với "Đập cánh" thì đó là cách suy nghĩ của họ, chứ tôi không cố tình làm thế. Mà thực ra thì, cách liên tưởng ấy cũng có lý của nó - tôi nghĩ vậy!
Chị bảo, đời chị nhạt và đơn giản, nhưng phim của chị rất dữ dội và buồn bã, điều này có vẻ rất mâu thuẫn?
- Điều này nhiều người luôn thắc mắc. Họ nghĩ, chắc đời tôi giông bão lắm. Tôi làm phim không phải vì cuộc đời mình như thế và mang vào phim. Tôi làm nghệ thuật thôi chứ cuộc đời tôi không có gì nghệ thuật cả. Khi tôi nói tôi có 1 chồng, 2 con và cuộc sống bình yên, chồng cũng luôn ủng hộ cho những dự án của tôi, mọi người rất ngạc nhiên.
Cũng may ngoài chuyện làm phim tôi cũng không có mong muốn gì. Mặc dù tôi cũng rất la cà, thời trang, tranh pháo cũng xen một tí. Nhưng để làm một điều gì đó mình muốn quản lý, nắm trọn nó, tắm trong nó thì chỉ có phim ảnh. Tôi chẳng có suy nghĩ mình phải mua xe cộ, nhà cửa hay váy áo. Khi tôi không bị tốn thời gian tiền bạc vào những thứ đó, thì tôi càng có nhiều diện tích não để cho phim bấy nhiêu.
Đời tôi mà phức tạp như đời cô Huyền (nhân vật chính trong "Đập cánh") có lẽ tôi chẳng làm được gì. Cho nên, về bản chất đời mình càng đơn giản thì mình mới thẩm thấu được sự phức tạp của người khác. Đời tôi mà phức tạp chắc tôi không làm được phim. Nhiều khi tôi hay ghen tị, muốn đời mình đỡ nhạt, mình phải có rắc rối. Nhưng rõ ràng, sẽ rất thú vị nếu mình là nước lọc, mình muốn pha gì cũng được. Tôi nghĩ, làm nghệ thuật hãy giữ cho mình sự thuần khiết tối đa.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.
(Theo Cảnh sát Toàn cầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.