Kết thúc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, bộ phim “Người trở về” của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã giành được 2 giải thưởng. Nhưng đằng sau giải thưởng đó, có rất nhiều điều “khó nói” mà Đặng Thái Huyền đã quyết định chia sẻ với NTNN.
Sau nhiều năm từ khi “Người trở về” chỉ mới là ý tưởng làm phim từ cảm hứng truyện “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, 2 năm hoàn thành phim, và giờ đây là gặt hái với giải thưởng, chị cảm thấy đã hài lòng với những thành công bước đầu này chưa?
Đại diễn Đặng Thái Huyền (thứ 2 từ phải) trên trường quay phim “Người trở về”. Ảnh: T.L
- Tôi thích truyện ngắn “Người về bến Sông Châu” từ rất lâu. Ngay từ những dòng đầu tiên trong tác phẩm văn học: “Mây xuất hiện trên triền cát ven sông”, Mây đã ám ảnh tôi trong rất nhiều ngày tháng. Tuy nhiên vào thời điểm đó (cách đây gần 5 năm), tôi tự thấy mình chưa đủ độ chín, sự trải nghiệm về cuộc sống nên chỉ giữ trong lòng.
Và khi cơ hội tới, dự án phim điện ảnh của Bộ Quốc phòng nhằm hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn được giao cho Điện ảnh Quân đội, tôi đã cùng với một biên kịch nữa hợp tác triển khai viết kịch bản với tên gọi mới “Người trở về”. Từ kịch bản tới khi làm phim nhiều khi tôi muốn gục ngã giữa chừng, bây giờ nhìn lại không hiểu sao tôi lại đủ sức để vượt qua được quãng đường gian nan đó.
Mỗi ngày một việc không vui, nhưng dần tôi luyện cho mình sự bình tĩnh khi đối mặt với những vấn đề xảy ra. Nhưng cũng chưa là gì so với những tình huống khi phim đang bấm máy: Lã Huyền vai Mây kiệt sức, suy nhược cơ thể phải truyền nước; nhà quay phim Trịnh Quang Tùng thì bị chấn thương cột sống; đoàn phim có lúc gần 70% quân số người bị ốm, bị sốt…
Tuy nhiên tất cả đã ở lại phía sau để cho ngày ra mắt của “Người trở về” và đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng của êkip: Sự đón nhận, yêu thương của khán giả, báo giới. Nhưng có lẽ “Người trở về” đã chạm ngưỡng khó khăn cuối cùng khi mà sự yêu thương và tung hô đã đưa “Người trở về” đi một chặng đường quá xa, xa tới mức vượt ra khỏi sự mong đợi và tầm kiểm soát của chính những người làm ra nó.
Và lúc đó, chị đã nghĩ gì?
- Khi bộ phim ra mắt, tôi đọc được những lời khen “Bộ phim chiến tranh hay nhất trong vòng 10 năm trở lại đây…”; “Bộ phim mang giá trị nghệ thuật hay nhất kể từ sau những phim...”, hoặc “Người trở về” đã làm sống dậy một nền nghệ thuật tuyên truyền khô cứng...”- đã làm tôi thật sự hoang mang và lo lắng.
Chúng tôi không định khoác lên tác phẩm những giá trị cao siêu như vậy, chúng tôi chỉ là những người trẻ đang gắng sức làm một bộ phim chiến tranh qua lăng kính của thế hệ mình bằng tất cả nhiệt huyết, tâm huyết… Chúng tôi không định chứng tỏ hay khẳng định gì với ai hết. Tôi không phải là người ảo tưởng, tôi tự biết mình đang đứng ở đâu và khả năng mình tới đâu. Và tôi biết, số phận của “Người trở về” sẽ thật sự không được bình yên như tên gọi của nó.
Nhiều người nói bộ phim đáng lý phải được giải cao hơn thế tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, chị nghĩ sao? Và để đánh giá một cách công bằng về giải thưởng, chị sẽ nói gì?
" Đạo diễn Đặng Thái Huyền đã giành được 4 giải thưởng trên 10 hạng mục tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Với thể loại phim truyện nhựa, bộ phim “Người trở về” giành giải Ban giám khảo và giải Tác giả kịch bản xuất sắc. Ở thể loại phim truyện video, Giải bông sen Bạc cho phim “Đất lành” và Giải đạo diễn xuất sắc – Đặng Thái Huyền phim “Đất lành”.
|
- Tôi nghĩ ai đi thi mà nói chỉ tham gia cho vui, cho có để học hỏi, giao lưu chỉ đúng một phần. Ai cũng muốn có giải thưởng để khẳng định giá trị của tác phẩm do mình và êkip rút ruột rút gan ra làm. Tôi cũng có hy vọng “Người trở về” sẽ làm nên chuyện ở Liên hoan phim Việt Nam 19. Nhưng như tôi đã nói ở trên, sự dừng bước của bộ phim không ở giải cao nhất cũng là điều dễ hiểu.
Có lẽ so với các phim được giải, phim tôi còn nhiều hạn chế. Mà hạn chế lớn nhất, đã không nhận được… lời chê nào dành cho phim, nhất là từ phía báo giới vốn nổi tiếng là khe khắt, nghiêm cẩn khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. ‘Người trở về” quá lạc dòng, và quá đặc biệt: Khi báo chí, khán giả ủng hộ khen ngợi nhưng doanh thu là 0 đồng. Đơn giản vì phim của quân đội không có cơ chế bán vé. Và vì vậy tôi nghĩ “Người trở về” cũng không nằm trong những tiêu chí cộng thêm khi xét giải.
Với khó khăn như vậy chị có tự tin mình đủ bản lĩnh để ứng phó?
- Tôi không nghĩ mình đủ bản lĩnh hay không đủ bản lĩnh. Mà tôi hiểu ra một chân lý: Một đội bóng tập hợp những cầu thủ giỏi không có nghĩa là đó là đội bóng mạnh nhất. Nó cần nhiều yếu tố như- kinh phí duy trì, kinh phí truyền thông, kinh phí đào tạo…
Làm nghệ thuật cũng vậy, ngoài yếu tố may mắn, ngoài có một kịch bản hay, một êkip mạnh, hùng hậu, đạo diễn là người cầm quân phải hiểu rõ mình đang làm phim cho đơn vị nào và phim sẽ phát hành hoặc tham gia trong sân chơi nào. Đừng có quá hy vọng và ảo tưởng, hãy hoàn thành mục tiêu đặt ra từ đầu là: Có một tác phẩm sạch sẽ, có giá trị nhân văn, đem lại cảm xúc của người xem… đã là thành công và là phần thưởng lớn nhất của người làm nghề.
Xin cảm ơn chị!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.