Đạo diễn Việt Tú: Đây là giờ khắc lịch sử không chỉ cho riêng tôi

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 20/03/2019 13:55 PM (GMT+7)
“Tôi nghĩ đây là giờ phút lịch sử không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả các nghệ sĩ hiểu được giá trị của sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ trong sự phát triển của nền công nghiệp giải trí”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ với báo chí ngay sau khi kết thúc phiên toà.
Bình luận 0

Sáng 20.3, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp “Quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội (TCHN) và bị đơn là Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm chủ.

Ngay sau khi kết thúc phiên toà, đạo diễn Việt Tú đã có những chia sẻ với báo chí.

img

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc phiên toà. Ảnh: Huy Hoàng

Thưa đạo diễn Việt Tú, anh cảm thấy thế nào sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án?

- Tôi nghĩ đây là giờ phút lịch sử không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả các nghệ sĩ hiểu được giá trị của sáng tạo, của quyền sở hữu trí tuệ trong sự phát triển của nền công nghiệp giải trí.

Lần đầu tiên, chúng ta đã có một án lệ về quyền sở hữu trí tuệ. Tôi tin rằng, sau đây không chỉ riêng tôi mà các nghệ sĩ, nhà đầu tư, doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ chú ý cũng như ý thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ.

Tôi đã chờ giây phút này rất lâu. Tôi cảm thấy mình may mắn vì ở thời điểm này không chỉ các thành phần trong xã hội mà các cơ quan hành pháp, luật sư hiểu được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ.

Tôi có rất nhiều cảm xúc trong thời điểm này khi mà quyền sở hữu trí tuệ, sự sáng tạo của mình được công nhận.

Anh nghĩ như thế nào khi Toà tuyên án Công ty DS phải trao trả quyền sở hữu kịch bản tác phẩm vở diễn Ngày xưa cho Công ty Tuần Châu Hà Nội?

- Xin được nhắc lại một lần nữa, tôi chưa bao giờ có ý định giành quyền sở hữu vở diễn Ngày xưa. Tôi đến tòa không phải để đòi quyền lợi về mặt tài chính. Điều tôi quan tâm nhất, điều tôi tìm kiếm là sự tôn trọng với sự sáng tạo của mình - với tư cách là người nghệ sĩ.

Khi tòa đã tuyên dựa trên bằng chứng mà DS và Tuần Châu cung cấp, dựa vào phán quyết của hội nghề nghiệp là Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, phán quyết Tinh hoa Bắc Bộ là sản phẩm phái sinh của Ngày xưa.

Những ai làm nghề, đặc biệt là những người có may mắn để xem cả hai vở, đều có kết luận. Đó là điều mà tôi hài lòng.

Tôi muốn trở thành một phần của hoạt động nghệ thuật mà ở đó nghệ sĩ, doanh nhgiệp cùng đồng hành phát triển dựa trên sự tôn trọng dành cho hoạt động sáng tạo, làm cho hoạt động sáng tạo được thăng hoa và phát sinh lợi ích cho hai bên.

img

Vậy còn điều gì khiến anh lăn tăn sau khi Toà tuyên án?

- Tôi có chút thất vọng vì trong vụ việc vừa rồi, có nhiều nghệ sĩ mà tôi cho là họ hiểu vấn đề nhưng không cất lên tiếng nói.

Tôi chỉ có một thông điệp rằng, chừng nào chúng ta còn chấp nhận việc những sáng tạo còn chưa được tôn trọng thì chừng đó tất cả những sáng tạo của giới nghệ sỹ sẽ không được tôn trọng, không được thừa nhận, như thế giấc mơ vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế sẽ không thực hiện được và là điều xa vời. 

Theo kết luận của Toà án Hà Nội, các đương sự có quyền kháng cáo 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Nếu như công ty Tuần Châu Hà Nội tiếp tục kháng án thì anh sẽ chuẩn bị như thế nào?

- Nếu Tuần Châu không tiếp tục những vụ kiện tụng phi lý như này, tôi cũng không có bất cứ động thái pháp lý tiếp theo.

Tôi cho rằng những việc quan trọng nhất được Tòa giải quyết thỏa đáng. Còn nếu phía Tuần Châu tiếp tục kháng cáo thì đó là lựa chọn của họ.

Vụ kiện tụng này chưa bao giờ là sự lựa chọn của tôi. Tất cả lùm xùm đang diễn ra, tôi là người bị động.

Tôi cảm thấy kỳ lạ khi tôi liên tục bị tấn công bởi những luận điểm vô căn cứ. Tôi cho rằng, kết luận của tòa đã giải quyết những vấn đề đó

Đầu tiên là tôi không tự động đi đăng ký bản quyền vở diễn Ngày xưa. Tôi đã gửi 2 văn bản, giới thiệu Tuần Châu tới công ty đăng ký bản quyền. Tuần Châu từ chối quyền đó.

Cho dù tôi có muốn đăng ký cho Tuần Châu nhưng họ không cung cấp đăng ký kinh doanh, không có pháp nhân đi cùng thì cũng không thực hiện được.

Tôi chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt bất cứ thứ gì của Tuần Châu. Họ có nghĩa vụ phải trả lại cho tôi những gì họ chưa thực hiện trong hợp đồng.

Toà tuyên án phần 10% doanh thu mà anh đã yêu cầu Tuần Châu Hà Nội bồi thường là không hợp lý, anh nghĩ như thế nào?

- Tôi cũng không đòi 10% doanh thu của vở diễn. Tôi cho rằng, không hợp nhau thì chia tay.

Vậy anh nghĩ sao về việc đạo diễn Hoàng Nhật Nam đang kiện anh tại toà án Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh?

- Tôi nghĩ, đạo diễn kia không có ý định kiện tòa hay kiện tiếp lên Hội sau tuyên án của Hội đồng xét xử hôm nay. Nếu bạn ấy vẫn làm điều đó, bạn tạo ra khoảnh khắc lịch sự, lần đầu tiên có người quay lại quy định của Hiệp hội nghề nghiệp của những đồng nghiệp.

Thực ra bạn ý cũng có một vài công sức sáng tạo trên mọi nền tảng tôi tạo dựng. Nếu bạn cầu thị thì việc đó cũng qua mau. Bạn sẽ có sự trải nghiệm thú vị với quyền sở hữu trí tuệ.

Tôi không có ý định tấn công vào tác phẩm phái sinh. Nếu muốn tôi làm tự lâu rồi. Tôi nghĩ rằng, việc kinh doanh của chủ đầu tư quan trọng. Mình tôn trọng.

Đặc biệt là việc kinh doanh đó còn ảnh hưởng tới công ăn việc làm của rất nhiều người nông dân, những người mà tôi coi như gia đình thứ 2 của mình.

Xin cám ơn anh! 

Luật sư Trương Anh Tú, luật sư đại diện cho công ty Tuần Châu Hà Nội đã chia sẻ với Dân Việt sau khi kết thúc phiên toà:

Tôi nghĩ ngày hôm nay, Hội đồng xét xử đã có bản án phân tích hết sức đầy đủ. Cảm xúc của tôi là lẫn lộn về kết quả này.

Về nội dung chính của vụ án, chúng tôi khởi kiện với yêu cầu phía công ty DS phải trả lại quyền sở hữu kịch bản cho Tuần Châu, yêu cầu này đã được chấp nhận. Với nguyên đơn đây là yêu cầu lớn nhất, là mục tiêu tối thượng đã đạt được.

Bên cạnh đó, tôi rất băn khoăn về vấn đề tại sao lại  Hội đồng xét xử lại phán quyết và xem xét về vấn đề phái sinh hay không phái sinh. Thứ nhất về mặt hình thức, đạo diễn Việt Tú và công ty DS đã khởi kiện trong một vụ án khác, mà chúng tôi đề nghị nhập vụ án đó vào vụ án này mà không được chấp nhận. Nội dung vụ án đó chính là khởi kiện về quyền tác giả của kịch bản vở diễn "Ngày xưa", có phái sinh hay không phái sinh.

Nay lại đưa tiếp yêu cầu đó vào vụ án này, tôi từng nói rằng việc đó là không có cơ cở pháp luật và không phù hợp với quy định về phản tố trong một vụ án. Hơn nữa nó lại trùng lặp. Tôi không hiểu khi giải quyết xong yêu cầu phản tố ở đây thì liệu có giải quyết vụ án kia nữa không? Nếu giải quyết nữa thì một sự việc được giải quyết 2 lần, mà không giải quyết nữa thì cũng không được vì đã thụ lý rồi.

Về nội dung thì tôi thấy căn cứ không rõ rằng, vì Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là nơi có thể tham khảo nhưng theo quy định của luật pháp thì đây không phải cơ quan có đủ chức năng để giám định sở hữu trí tuệ, mà lại có sự gợi ý của bên bị đơn thì tôi băn khoăn về tính khách quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem