Đã có lần cả hai vợ chồng tôi bị công an huyện thẩm vấn rồi cho người theo dõi. Đôi khi nản quá, chúng tôi định bỏ cuộc, nhưng thấy những đứa trẻ lê la, đói rét, lòng lại không đành.
Là con út trong một gia đình nghèo có 6 người con, khi tôi 10 tuổi thì cha ngã bệnh nằm liệt giường, các anh chị phải tha hương để kiếm sống. Chuẩn bị lên cấp II, tôi đành bỏ học ở nhà theo mẹ ra đồng bắt cua, mò ốc. Tai họa ập xuống khi anh và chị của tôi lần lượt qua đời sau bạo bệnh. Tiếp đó, người chị hơn tôi mấy tuổi cũng mắc bệnh rồi bại liệt giống cha.
|
Anh Sáu và một em bé tật nguyền ở trung tâm. |
Thương mẹ cha, 17 tuổi, tôi khăn gói vào Đăk Lăk làm phu mỏ đá. Quanh năm ăn rừng ngủ lán, mặt bạc lưng oằn, những đồng tiền công rẻ mạt dành để gửi về nhà giúp mẹ trị bệnh cho cha và chị, nào ngờ tôi bị cướp đường lột sạch. Không tiền, không nghề, chữ hiếu chưa báo đặng, chẳng dám về quê, tôi vào TP.Hồ Chí Minh với hai bàn tay trắng.
Đói, bệnh, vô vọng, tôi đi như kẻ bụi đời và gục xuống bên lề một công viên. May mà tôi được hai cha con ông mù hát rong cứu sống với lưng bát cháo. Tôi chợt nhận ra cái đạo của cuộc đời này. Tôi đã đứng thẳng dậy, lang thang khắp các con phố, làm đủ việc: Bán vé số, bán báo rong, rửa bát thuê, khuân vác... Ngày cha mất, nhận được tin từ quê nhà mà tôi bất lực vì không có tiền về.
Như là duyên phận, tôi gặp người con gái đồng hương, cùng cảnh ngộ, bén duyên nhau và nên vợ chồng. Chúng tôi về lại quê nhà. Chính ở quê, tôi được chứng kiến cảnh đời éo le của những em bé mồ côi, những người tật nguyền không nơi nương tựa. Mình cũng nghèo, có giúp cũng chỉ được dăm bữa cơm, những ngày tiếp theo của họ thì sao? Hình ảnh hai cha con mù hát rong đã cứu sống tôi hiện về.
"Người ta khổ như thế, còn giúp đỡ mình, tại sao mình không thể giúp người khác". Tôi bàn với vợ thế chấp hết tài sản, vay tiền để thành lập trung tâm cưu mang, giúp đỡ trẻ em mồ côi, tật nguyền không nơi nương tựa. Vợ tôi ủng hộ ngay.
Ngày nhận được quyết định của UBND huyện Yên Thành cho phép thành lập Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hiền Lương, vợ chồng tôi mừng trào nước mắt. Giờ đây, Trung tâm Hiền Lương của chúng tôi đang cưu mang 46 cháu khuyết tật, mồ côi và dạy các cháu làm chổi đót, làm hương... Mỗi tháng ngoài nuôi ăn, tôi trả cho mỗi cháu từ 300-400 nghìn đồng để làm vốn.
Gọi là trung tâm, nhưng Hiền Lương chỉ là những nhà cấp 4, mái lợp fibrô-ximăng, chỉ đủ chỗ ở, ăn học, sinh hoạt cho hơn 20 cháu khuyết tật nặng và mồ côi. Vợ chồng tôi đang gắng sức để tới đây toàn bộ các cháu được ở lại trung tâm.
Nhiều đoàn khách đến thăm trung tâm, ngắm những bức tượng Phật, những lời khuyên răn của đạo Phật bày ở gian chính giữa, hỏi rằng, phải chăng chúng tôi theo đạo Phật? Không, vợ chồng tôi chỉ theo đạo đời. Còn đạo Phật, đơn giản, tôi thấm thía những lời răn của Phật nên trưng ra đó để thường xuyên nhắc nhở mình phải sống nhân ái...
Anh Tạ Duy Sáu - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hiền Lương (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
Yên Minh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.