Mấy gánh hát nhỏ thường chọn nhà lồng chợ làm nơi biểu diễn. Trước nhà lồng, họ treo một hàng ngang chân dung các nghệ sĩ quan trọng. Tấm hình nào cũng được phóng lớn, tô màu đẹp đẽ. Những tấm hình này quyến rũ nhiều người dân quê đứng xem mê mệt, nhất là trẻ em. Nhìn hình đã đời, người ta tìm tới nơi trọ của các đào kép chính. Thường thì họ ăn và ở trong một nhà dân nào đó. Coi nghệ sĩ “mãn nhãn” người ta chưa vừa lòng, nên có bà, có cô còn mua bánh hoặc làm thức ăn ngon đem tới biếu các nhân vật này như bày tỏ lòng cảm mến.
Gánh hát đào kép cải lương xưa một thời vang bóng. Ảnh: T.L
Cũng như các đoàn hát nhỏ, các đoàn hát lớn diễn ở các rạp hát ở thành thị cũng treo hình đào kép trước cửa rạp. Các đào kép chính nổi tiếng thường ở trong các khách sạn. Họ tới lui bằng xe lôi hoặc xe hơi riêng.
Buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi xế chiều, trước cửa các khách sạn thường có những người mộ điệu cải lương đứng chực chờ nhìn đào kép họ “mê” xuất hiện. Ngoài nhìn cho đã con mắt, người ta còn ào tới xin đào kép tặng một tấm hình chân dung có chữ ký. Cô đào, anh kép nào cũng có một xấp hình trong túi. Có hình đào kép nổi tiếng với chữ ký là niềm vui, là niềm hãnh diện để khoe bạn bè. Những tấm hình đó được người ta trang trọng cất trong bóp hoặc lồng trong các quyển vở.
Những người mộ điệu đào kép cải lương không có điều kiện tiếp cận nhân vật mình quý mến, thì đã có những cuốn sách khổ nhỏ in trọn một bài vọng cổ bán ngoài chợ. Bìa cuốn vọng cổ in hình cô đào, anh kép trình bày bài vọng cổ đó. Cũng ở ngoài chợ, người ta bày bán hình nhiều đào kép cải lương. Những tấm hình khổ 6 x 9cm trắng đen hoặc tô màu luôn luôn bán rất chạy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.