Đào tạo nhân lực lĩnh vực sân khấu - điện ảnh: Thừa mơ màng, thiếu thực tiễn

Thanh Hà Thứ hai, ngày 22/09/2014 10:24 AM (GMT+7)
Bộ VHTTDL vừa giao cho Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm về “Đào tạo nguồn nhân lực sân khấu - điện ảnh - truyền hình và nhu cầu thực tiễn” với sự góp mặt của 2 trường- Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội và TP. HCM, cùng một số nhà hát. 
Bình luận 0

Tại buổi tọa đàm, NSND Lê Ngọc Cường - người đã có 32 năm giảng dạy cho rằng, trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại các nhà hát, điện ảnh và hãng phim truyền hình rất cần một cuộc khảo sát thăm dò một cách nghiêm túc về công tác đào tạo, giảng dạy tại trường. NSND Lê Ngọc Cường cũng mong muốn mở rộng những lớp đào tạo về hóa trang, ánh sáng, âm thanh, thiết kế sân khấu… Bởi xã hội hiện nay đã bước sang thế kỷ 21, một thế kỷ với sự phát triển về công nghệ, thì vấn đề sân khấu, ánh sáng, âm thanh cũng đóng vai trò quan trọng không kém một người đạo diễn, nhà biên kịch.

Đồng quan điểm với NSND Lê Ngọc Cường, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - người đã có mấy chục năm kinh nghiệm “chinh chiến” ngoài trường quay, phim trường cũng cho rằng, hiện nay đang rất thiếu những vị trí như hóa trang, trợ lý đạo diễn, thư ký đạo diễn…- những vị trí cũng góp phần không nhỏ để tạo nên thành công một tác phẩm. Trong khi nhà trường lại đào tạo quá nhiều những đạo diễn, biên kịch mà quên đi những vị trí kia.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Điện ảnh Công an nhân dân cho biết, một năm trung tâm cũng nhận rất nhiều sinh viên từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn và Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nhưng khi đi vào thực tiễn đã có sự khác biệt, sinh viên từ 2 trường báo chí đã nắm bắt, triển khai công việc nhanh, trong khi sinh viên tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thì phát hiện vấn đề và triển khai chậm hơn. “Có những bộ phim tốt nghiệp chúng tôi xem và thấy rất hay, rất nghệ thuật. Nhưng khi tác giả phim đó về thực tập tại trung tâm, thì dường như kiến thức về điện ảnh của các em không có, hiểu rất mù mờ và không đúng với thực tiễn...” - ông Vinh nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ VHTTD, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nói: “Tôi mong sau cuộc tọa đàm hay chính xác buổi gặp mặt lần một giữa nhà trường và đơn vị nghệ thuật, sẽ có sự gắn kết, chia sẻ nhiều hơn về đào tạo nguồn nhân lực sân khấu - điện ảnh - truyền hình. Và tôi cũng mong có sự tham gia tích cực từ phía Bộ VHTTDL cũng như các đơn vị, cơ sở để làm sao điện ảnh Việt Nam vươn lên và sớm hội nhập với điện ảnh quốc tế”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem