Đào tạo nông dân làm “giáo viên”

Thứ năm, ngày 12/12/2013 07:21 AM (GMT+7)
Sau 2 tháng tham gia lớp học trồng nấm sò, 10 học viên của lớp sẽ là những nông dân (ND) nòng cốt nhân rộng nghề trồng nấm sò ở xã An Nông (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa)...
Bình luận 0
Lớp học nghề do Hội ND huyện Triệu Sơn phối hợp Trung tâm Chuyển giao công nghệ - Hỗ trợ nông dân (Hội ND Thanh Hóa) tổ chức tại xã An Nông.

Trao cần câu cho nông dân


Anh Đào Huy Trí ở thôn Đức Long 2 cho biết: “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, làm vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Tôi muốn học thêm nghề hoặc tìm một giống cây khác thay thế cây lúa để cải thiện cuộc sống. Khi Hội ND huyện đưa nấm về trồng thử nghiệm tại xã, lại được tham gia lớp học nghề, tôi rất phấn khởi. Hội không chỉ trao nghề mà còn trao cần câu cho chúng tôi”.

Ông Mừng tưới nước tăng độ ẩm cho nấm.
Ông Mừng tưới nước tăng độ ẩm cho nấm.

Tham gia lớp học nghề, anh Trí được hướng dẫn từ khâu xử lý rơm, cách đóng bịch đến chăm sóc, phòng trừ bệnh cho nấm. “Đây là lần đầu tiên trồng nấm nên tôi cũng lo ngại rủi ro lắm, nhưng được thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật lại luôn theo sát quá trình nuôi trồng nấm nên chúng tôi rất yên tâm”- anh Trí chia sẻ. Sau lớp học, anh đã trồng thành công và thu hoạch 2 đợt (45 ngày/đợt) với 6 tạ nấm, bán 20.000 đồng/kg, thu 12 triệu đồng.

Cùng tham gia khoá học với anh Trí, ông Đào Xuân Mừng (thôn Đức Long 3) cho hay: “Trồng nấm quan trọng nhất là khâu xử lý rơm vì trong rơm có nhiều tạp chất ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây nấm. Giờ tôi đã xử lý rơm một cách ngon lành rồi”.

Theo ông Mừng, rơm phải phơi khô, sau đó chặt từng đoạn dài 10-15cm rồi ngâm trong nước vôi (tỷ lệ 350-500kg rơm/75-80cm3 nước) trong 7 ngày, vớt ra để 1-2 ngày. Sau đó đưa rơm vào bịch và treo lên. Trong quá trình chăm sóc nấm cần chú ý tưới nước thường xuyên, phải dùng nước sạch ở nhiệt độ từ 13-15 độ để đảm bảo độ ẩm cho nấm. Theo ông Mừng, thu hoạch nấm xong có thể tận dụng các bịch rơm làm phân bón cho cây trồng hoặc dùng làm thức ăn cho giun quế.

Học viên làm “giáo viên”


"Từ ngày trồng nấm, gia đình tôi “sống khỏe” hẳn. Trồng nấm cho thu nhập gấp 2-3 lần trồng lúa, hơn nữa quy trình trồng nấm sạch tuyệt đối nên có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe”.
Ông Đào Xuân Mừng

Ông Hoàng Văn Bốn - Chủ tịch Hội ND huyện Triệu Sơn cho biết: “Toàn huyện có 219.000ha đất canh tác, chủ yếu trồng lúa. Nhằm giúp ND phát triển sản xuất bền vững, Hội đã và đang mở các lớp dạy nghề, đưa những giống cây giá trị kinh tế cao vào trồng, trong đó có nấm sò”.

Theo ông Bốn, thời vụ sản xuất chính của nấm từ 15.8 năm trước đến 15.3 năm sau. Vì vậy, Hội phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ-Hỗ trợ nông dân mở lớp dạy trồng nấm trong tháng 8 và 9 (mỗi tuần học 2 buổi). Học viên được học miễn phí, chỉ phải bỏ tiền mua giống (Hội giúp học viên địa chỉ mua giống đảm bảo chất lượng).

Ông Đào Huy Ngọc- Phó Chủ tịch Hội ND xã An Nông cho hay: “Với những thành công từ lớp học, thành quả thu được từ trồng nấm, Hội ND sẽ nhân rộng nghề này ra toàn xã. Chúng tôi lấy những học viên nòng cốt từ lớp học nghề này làm “giáo viên” dạy các hộ khác”.

Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem