Nhiều người dân ở Thanh Hóa mưu sinh bằng nghề đào mối chúa. Công việc của họ thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, khi nông nhàn cho đến hết năm.
Mối thường làm tổ dưới đất và đùn lên cao hơn so với xung quanh.
Bên cạnh nhận diện tổ mối bằng cách nhìn các ụ đất, người thợ bắt mối còn có cách khác là lắng nghe những đoàn mối thợ ăn lá và gây ra tiếng động từng đợt gần giống một trận mưa rào nhỏ.
Tổ mối thường có một đến 2 con mối chúa, mỗi con dài khoảng 20 mm, đầu nhỏ bụng to, màu trắng đục giống như con nhộng.
Anh Chung Văn Lương (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cho hay việc bắt mối chỉ cần các dụng cụ đơn giản như cuốc, xẻng và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. "Khi thấy ụ đất đùn lên cao mà đất mới nghĩa là trong đó sẽ có mối chúa", anh nói.
Tổ mối thường được xây thành các tầng, ngăn thông nhau và đây là nơi sống của mối thợ. "Mối chúa có nhiệm vụ sinh sản nên tất cả các con mối còn lại miệt mài xây tổ, tìm mồi nuôi mối chúa", anh Lương cho hay.
Mối chúa sống trong những chiếc "bánh" được làm chắc chắn bằng đất, bên ngoài có nhiều con mối quân màu đen (càng to hơn mối thợ) và mối con màu trắng.
Nhiều tổ mối nằm ở vị trí dưới chân các bức tường hoặc thân cây to khiến việc đào bới, tìm kiếm trở nên khó khăn.
"Nếu gặp may mắn, mỗi ngày chúng tôi có thể đào được 10 tổ mối, bắt khoảng 15 con mối chúa. Hiện giá mối là 150.000 đồng mỗi con", anh Lương nói.
Mối chúa được xem là món ăn có nhiều đạm và nhiều nhà hàng ở địa phương chế biến thành các món rang, xào, hấp, chiên... Ngoài ra, một số người dân cũng mua mối chúa về ngâm rượu uống.
Ngọc Thành (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.