Đất dốc cằn cỗi được trồng bạt ngàn cây ăn quả, nông dân Sơn La ngày càng khá giả

Văn Ngọc Thứ hai, ngày 04/04/2022 18:59 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung trồng cây ăn quả trên đất dốc cằn cỗi thay thế cho cây ngô, sắn kém hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Bình luận 0


Clip: Nhờ tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng ngô, sắn kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả quy mô hàng hóa, ngày càng có nhiều nông dân tỉnh Sơn La thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Cây ăn quả trên đất dốc đem lại thu nhập cho nông dân vùng cao

Chúng tôi về huyện Mai Sơn, một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc của tỉnh Sơn La, dọc hai bên đường qua các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Nà Sản, Nà Bó, Cò Nòi….những vườn xoài, nhãn, bưởi da xanh, thanh long xanh ngút ngàn, từ thung lũng này đến thung lũng khác, rải khắp các sườn đồi.

Được bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, dẫn đi thăm vườn thanh long, trong vườn có đường bê tông cho xe ô tô vận tải vào tận nơi. 

Bà Dung, giới thiệu: Năm 2016, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng được thành lập với 10 thành viên, quy mô sản xuất 50 ha cây ăn quả, trong đó có 5,5 ha thanh long. 

Ngay khi thành lập, HTX đã xây dựng các quy chế và yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Với cách làm bài bản, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, lại được Chi cục Quản lý nông - lâm - thủy sản tỉnh hỗ trợ, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX đã được Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 1 đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

"Đến nay HTX có 200 ha thanh long được trồng tập trung ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, sản lượng thanh long mỗi năm khoảng 30.000 tấn. Việc xuất khẩu, đến thời điểm này HTX cũng đã ký được với Nga, Ấn Độ và một số nước khác.", bà Dung nói.

Sơn La: Phủ xanh đất dốc, cằn cỗi bằng rừng cây ăn quả - Ảnh 3.

Từ việc trồng thanh long, thành viên HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng như nhiều hộ dân khác, trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng, bản Nông Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La), chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. 

Tuy nhiên, trước tình trạng ngô, sắn liên tục mất giá, năm 2016, ông Dũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: bưởi da xanh, xoài Đài Loan… Hiện gia đình bà đã có hơn 2 ha cây ăn quả.

"Ngô, sắn mấy năm nay cũng khó khăn, nên gia đình chuyển đổi cây bưởi, xoài. Nhờ đi đúng hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích cây ăn quả gia đình tôi cho năng suất và chất lượng cao. Trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng/năm", ông Dũng nói.

Sơn La: Phủ xanh đất dốc, cằn cỗi bằng rừng cây ăn quả - Ảnh 4.

Mô hình trồng xoài Đài Loan của gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng, bản Nông Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 3.000 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000 ha.

"Huyện Mai Sơn có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300 ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc…việc trồng và phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm", ông Hào nói

Sơn La: Phủ xanh đất dốc, cằn cỗi bằng rừng cây ăn quả - Ảnh 5.

Trên khắp các sườn đồi, thung lũng của Sơn La được phủ bằng màu xanh của những vườn cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển vùng cây ăn quả chuẩn xuất khẩu

Tỉnh Sơn La đến có tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt 82.895 ha, có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 702 hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản, 20.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Thị trường tiêu thụ các loại nông sản tiếp tục được mở rộng, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu năm  đạt 150 triệu USD.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La  thông tin, Sơn La đã có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây ăn quả trên đất dốc. 

Từ những mô hình cây ăn quả trên đất dốc, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP… đem lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Sơn La đã được các địa phương đến học tập, nghiên cứu và các bộ, ngành đánh giá cao. Từ những lợi thế đó có thể khẳng định nông nghiệp tỉnh Sơn La đã đi đúng hướng. 

Trong thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững. Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Sơn La: Phủ xanh đất dốc, cằn cỗi bằng rừng cây ăn quả - Ảnh 7.

Nông dân bao trái cây ngăn chặn côn trùng tấn công vỏ trái, giúp trái cây sau thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn. Đây cũng là phương pháp sản xuất trái cây sạch theo tiêu chuẩn GAP. Ảnh: Văn Ngọc

Việc chuyển đổi, phát triển cây ăn quả trên đất dốc trên địa bàn tỉnh Sơn La đã cho thấy hiệu quả tích cực, phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ đất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương ngày càng phát triển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem