Đất ít, trồng nấm từ sân thượng đến lô đất trống, thu 150 triệu/năm

Kim Oanh Chủ nhật, ngày 18/08/2019 16:07 PM (GMT+7)
Ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, ông Đinh Văn Hòa (SN 1959, trú phường An Khê, quận Thanh Khê) tận dụng các lô đất trống, đầu tư trồng nấm, mỗi năm bỏ túi 150 triệu đồng.
Bình luận 0

Ông Hòa cho biết, bén duyên với nghề trồng nấm từ năm 2009. Lúc đó, không có đất sản xuất, ông tận dụng sân thượng của nhà để trồng. Ông được tham gia chương trình dạy nghề do Hội Nông dân phường hướng dẫn.

img

img

img

    Ông Hòa hái nấm 2 lần mỗi ngày, sau khi hái xong tưới nước để nấm có độ ẩm phát triển.  Ảnh:  Kim Oanh

"Mỗi năm gia đình lãi 140-160 triệu đồng từ trồng nầm. Sau gần 10 năm trồng nấm, tôi thấy mô hình này mang lại lợi nhuận rất cao. Tính ra 1.000 bịch, trừ chi phí, lãi ròng từ 15-20 triệu đồng”.

Ông Đinh Văn Hòa

“Lúc mới bắt đầu mô hình, tôi bỏ ra 20 triệu đồng tiền vốn đầu tư trồng 2.000 bịch nấm linh chi, chỉ sau 4 tháng thu về 60 triệu đồng lãi. Thấy hiệu quả kinh tế, tiếp tục học hỏi, tôi bắt đầu thuê đất để phát triển trồng thêm 2.000 bịch nấm bào ngư…. Những năm đó, một năm gia đình bỏ túi 100 triệu đồng từ nấm” - ông Hòa cho biết.

Năm 2015, ông được UBND, Hội Nông dân phường hỗ trợ, giao sử dụng 500m2 đất trống trên địa bàn phường để xây dựng trang trại trồng nấm. Nay ông phát triển mô hình lên 2.000m2 nấm, xây dựng 3 trại nấm và trồng gối đầu 7.000 bịch trong năm.

Sau những thất bại, ông đã đúc kết kinh nghiệm, muốn thành công phải tuân thủ các quy trình đóng bịch, cấy meo, tưới nước, độ ẩm… hợp lý để nấm sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Hòa cho hay, ông chủ yếu trồng nấm bào ngư. Đối với nấm linh chi chỉ trồng 1 vụ trong năm từ tháng 10 đến tháng 12. Mới đầu việc tiêu thụ rất khó khăn, bây giờ đã ổn định, bình quân gia đình bỏ mối 20kg/ngày cho các chợ trên địa bàn, với giá bán 60.000 đồng/kg đối với nấm bào ngư tím, 40.000 đồng/kg nấm bào ngư trắng.

Nói về kinh nghiệm trồng nấm, ông Hòa chia sẻ: “Trồng nấm thường tốn công chăm sóc, quan trọng giữ trại thông thoáng, sạch sẽ. Nếu xuất hiện các loại bệnh sâu nấm, cần loại bỏ các bịch nấm, xử lý trại mới được trồng lại. Sau khi đóng bịch, hấp, treo bịch lên một tháng sau là rạch bịch, 3 ngày sau để không tưới nước, đến ngày thứ 4 tưới phun sương cho nấm ra mầm quả thể đến khi thu hoạch. Khi nấm đã ăn meo, phải để trại thoáng mát, giữ nhiệt độ đối với nấm bào ngư từ 20 - 25 độ C, mỗi ngày tưới 2 lần là tốt nhất; còn khi nhiệt độ lên 28 độ C phải tưới ngày 3 lần".

Cũng theo ông Hòa, đối với nấm khi mới bắt đầu hấp ra, cấy giống, cần để trại càng tối bao nhiêu nấm càng dễ lên sợi. Cây nấm muốn phát triển tốt, phải đảm bảo ánh sáng, hết một tháng nuôi sợi phải cần thoáng mát, độ ẩm. Mỗi ngày nên thu hoạch 2 lần vào sáng và chiều, sau khi thu hoạch xong là tưới nước cho nấm có độ ẩm để phát triển...

“Mỗi năm gia đình lãi 140-160 triệu đồng từ trồng nấm. Sau gần 10 năm trồng nấm, tôi thấy mô hình này mang lại lợi nhuận rất cao. Tính ra cứ 1.000 bịch, trừ chi phí, lãi ròng từ 15-20 triệu đồng” - ông Hòa chia sẻ thêm.

Không những tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, ông Hòa còn giúp đỡ nhiều hộ trong khu vực, lập chi hội nấm An Khê với 15 hội viên tham gia, giúp các hộ nông dân ở phố có việc làm, tăng thu nhập đáng kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem