Đất thiêng chờ người lỗi lạc

Thứ năm, ngày 10/10/2013 17:43 PM (GMT+7)
Trong những ngày qua, tại ngọn núi thiêng Mũi Rồng ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), mọi công việc chuẩn bị đang diễn ra thật khẩn trương để đón người con của quê hương, đất nước về an nghỉ vĩnh hằng.
Bình luận 0
Xuyên đêm làm đường

Sáng 9.10, tại thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng vẫn hết sức gấp rút hoàn thành các công việc để chuẩn bị cho lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 13.10. Ông Võ Minh Hoài - Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, đơn vị của ông rất vinh dự được đảm nhận việc thi công con đường dài 4km, rộng 7m từ thôn Thọ Sơn vào núi Mũi Rồng (thuộc khu vực Vũng Chùa - đảo Yến) nơi an nghỉ ngàn thu của Đại tướng. Hiện Tập đoàn Trường Thịnh đang tập trung máy móc và 1.000 nhân lực đang làm xuyên suốt ngày đêm để hoàn thành con đường đúng tiến độ trước ngày 12.10 cho sự kiện trọng đại này.

Khu vực Vũng Chùa - đảo Yến - nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khu vực Vũng Chùa - đảo Yến - nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện các đơn vị quân đội đang hoàn tất việc rà phá bom mìn ở khu vực an táng Đại tướng và cử lực lượng túc trực bảo vệ an toàn khu vực an táng. Dù vậy, rất đông người dân đã lặn lội tìm về đây để được "nhìn thấy nơi Đại tướng nằm". Tuy nhiên, con đường vào núi Thọ giờ đang được quân đội canh giữ để đảm bảo cho việc mở rộng đường. Dù nhiều người dân cố gắng đến gần nhưng không ai được phép vào sâu bên trong. Nhưng các anh bộ đội làm nhiệm vụ vẫn ân cần khi có người dân đến hỏi nơi Đại tướng an nghỉ: "Bà con thông cảm, thời điểm đang thi công nên không được vào bên trong".

Theo một số người dân địa phương, ở khu vực được chọn an táng Đại tướng có một tháp chuông có tên là Hồng Chung Vũng Chùa. Mé dưới chân tháp chuông là một miếu nhỏ, xây lối cổ kính. Cách đó chừng 200 bước chân đi ra phía biển là căn nhà lớn với mái ngói đỏ cột gỗ to lớn, kiến trúc theo lối thờ tự truyền thống. Cạnh đó là một nhà sàn kiểu Tây Bắc, mái ngói rêu phong…

Hiện lực lượng tiêu binh phục vụ cho lễ an táng gồm 300 chiến sĩ và xe chở linh cữu Đại tướng được điều từ Quân khu 7 cũng đang trên đường ra Quảng Bình.

Chờ người lỗi lạc

Thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch ôm trong lòng một quần thể núi non ngoạn mục. Nơi đây có những danh thắng tồn tại hàng trăm năm lịch sử. Vũng Chùa - đảo Yến, đền Liễu Hạnh Công Chúa, Hoành Sơn Quan... tạo ra cảnh quan hùng vĩ của đất trời. Trong đó Vũng Chùa - đảo Yến được chọn theo di nguyện để Đại tướng tịnh giấc thiên thu.

Nằm bên vịnh nước sâu Hòn La, dưới chân đèo Ngang hùng vĩ, Vũng Chùa là bãi biển sạch, cát trắng trải dài, được bao quanh bởi màu xanh ngút ngàn của cây cỏ. Vũng Chùa - đảo Yến được hợp thành bởi 2 địa danh là bãi biển Vũng Chùa nằm ở đất liền và đảo Yến cách đất liền khoảng 15-20 phút đi thuyền. Vũng Chùa là một vũng biển nhỏ, có bờ cát trắng và bằng phẳng, sóng êm dịu, được hình thành bởi một triền núi đá đâm ra biển, người dân địa phương gọi là Mũi Rồng. Địa điểm an táng Đại tướng ở lưng chừng triền núi phía nam Mũi Rồng, cách ngọn Mũi Rồng khoảng 1km. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên mênh mông và thơ mộng, địa thế lý tưởng về phong thủy "tọa sơn vọng thủy".

Theo các bậc cao niên ở thôn Thọ Sơn, từ thuở lập làng, những nhà địa lý đã lưu ý với con cháu các đời, đây là khu vực linh thiêng, phải biết bảo vệ để đợi người có công trạng lớn về an giấc. Và từ xưa đến nay, người làng không đưa người quá cố của làng lên đấy để an táng. Nay người dân nơi đây được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ vĩnh hằng, âu cũng là ý nguyện của các bậc tiền nhân đi mở cõi lập làng.

Giữ trọn lời hứa với quê hương

Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ trở về an nghỉ vĩnh hằng trên đất mẹ quê hương, người dân Quảng Bình ai cũng rơi nước mắt bởi lời hứa với người dân của Người trong lần cuối cùng về thăm quê năm 2004 đã được Đại tướng thực hiện.

Theo tiết lộ của một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình: Vị trí an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xác định là Mũi Rồng ở độ cao 110m so với mặt nước biển, núi có độ cao hơn 130m ở chính giữa trục đông nam, phía tây là ngọn núi Sú cao 136m, phía bắc là ngọn núi cao hơn chắn gió mùa, phía đông là Mũi Rồng hướng ra biển.


Ông Nguyễn Văn Lam (SN 1932), nhà ở cách nhà lưu niệm Đại tướng chừng 100m, xúc động nhớ lại lần cuối cùng Đại tướng về thăm quê vào năm 2004: “Lần đó, người dân xã An Xá có nguyện vọng sau này nếu Đại tướng về cõi vĩnh hằng thì bà con mong Đại tướng trở về quê hương bởi Đại tướng ở xa thế, người dân trong xã không thể thăm nom được. Khi ấy, Đại tướng đã cười hiền và bảo rằng: “Ở đâu tôi cũng chưa quyết định được nhưng tôi sẽ trở về!”… Mới đó, đã 10 năm và cuối cùng Đại tướng cũng đã trở về với làng quê, với bà con lối xóm. Như vậy Đại tướng đã giữ trọn lời hứa với quê hương rồi.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng xúc động: “Người dân Quảng Bình rất cảm động khi Đại tướng muốn trở về với quê nhà. Ý nguyện của Đại tướng thể hiện một tình cảm rất gần gũi, tha thiết với nhân dân, với quê hương. Về phía tỉnh Quảng Bình, chúng tôi sẽ làm hết sức để xây dựng nơi an nghỉ của Đại tướng đàng hoàng, để sau này con cháu và người dân trong nước cũng như những người dân trên thế giới có thể đến thăm Đại tướng”.

Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem