Một thôn có 146 trang trại
“Đất vàng”- nhiều người nói như vậy về trang trại rộng hơn 4 mẫu hiện nay của gia đình anh Tạ Văn Thắng ở thôn Đống Long. Từ nhiều năm nay, với mô hình nuôi cá, kết hợp nuôi vịt bầu cánh trắng đẻ ấp trứng bán giống, mỗi năm gia đình anh Thắng có doanh thu từ vài trăm triệu đến hơn 2,5 tỷ đồng. Có trang trại như bây giờ, gia đình anh Thắng đã đổ không biết bao tiền của, công sức. Diện tích 3 mẫu trang trại là do việc dồn đổi ruộng đất năm 2003, còn 1 mẫu, anh Thắng mới thuê thêm mấy năm nay.
|
Lãnh đạo Hội ND xã Hoà Lâm thăm trang trại đa canh của hộ anh Tạ Văn Thắng (phải) |
Năm 2003, thôn Đống Long tiến hành dồn đổi ruộng đất theo Nghị quyết 20 của Huyện uỷ Ứng Hoà. Anh Nguyễn Quang Trung - Chi hội trưởng ND nhớ lại: “Tới 50% số diện tích đất nông nghiệp của thôn là thấp trũng. Khi đó tôi là trưởng thôn. Ban đầu tiến hành dồn đổi thì cũng có tâm lý phân bì chỗ tốt, xấu, nông, sâu. Nhưng rồi nhận thức của bà con cũng thông suốt. Giờ, những diện tích đất xấu, trũng như gia đình anh Thắng lại trở thành đất vàng”.
Mỗi hộ dân trong thôn Đống Long nay chỉ canh tác trên 1 thửa ruộng mà phần lớn đã được cải tạo, đầu tư thành trang trại đa canh chăn nuôi thuỷ sản, lợn, gà, vịt... mang lại giá trị kinh tế cao. Cả thôn có 220 hộ thì có tới 146 trang trại. Theo anh Hoàng Minh Chiến- Phó Chủ tịch Hội ND xã, không chỉ Đống Long mà một số thôn khác như Phúc Quang, Mỹ Lâm, hầu như mỗi hộ cũng chỉ có 1 thửa ruộng và nhiều hộ cũng đã chuyển từ độc canh cây lúa sang làm trang trại đa canh hiệu quả...
Nông dân làm ăn lớn
Theo ông Chu Văn Sinh-Chủ tịch Hội ND xã Hoà Lâm, công cuộc dồn đổi ruộng đất thành công ở nhiều thôn không chỉ chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương của cấp uỷ, mà còn thể hiện nỗ lực vượt khó, nhạy bén, mạnh dạn, sáng tạo và ý chí làm kinh tế của người dân. Mô hình trang trại đa canh của gia đình anh Hoàng Thế Lộc (thôn Đống Long) là ví dụ điển hình.
Năm 2010, Hội ND huyện Ứng Hòa và Hội ND xã Hoà Lâm đã mở 1 lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi thuỷ sản cho 35 học viên là các chủ trang trại. Nguồn vốn 450 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ ND của TP.Hà Nội và hơn 50 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ ND cơ sở đã giải ngân cho nhiều hộ đầu tư phát triển trang trại.
Sau nhiều năm đi đầu trong việc dồn đổi và tích tụ ruộng đất, đến nay diện tích trang trại của anh Lộc là hơn 1ha. Từ việc nuôi cá truyền thống, năm 2009, anh Lộc nhận làm mô hình nuôi cá trắm, cá giòn trên một phần diện tích mặt nước. Kết quả, trong số 3 mô hình nuôi cá giòn mà ngành thuỷ sản thành phố đầu tư thí điểm thì mô hình của gia đình anh Lộc thành công nhất với số tiền lãi cả trăm triệu đồng.
Ngoài yếu tố kỹ thuật căn bản, góp vào thành công của mô hình cá giòn còn có sự sáng tạo dựa trên quan sát, chiêm nghiệm thực tiễn sản xuất của anh Lộc. Nuôi cá giòn rất hiệu quả, nhưng kẹt một nỗi nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước chưa chủ động được nên hiện nay anh Lộc đang tập trung vào nuôi cua kết hợp nuôi chạch. Đây là mô hình anh tiếp thu từ Viện Nuôi trồng thuỷ sản T.Ư từ năm 2008 và đến nay đã có gần 400 ND, đoàn tham quan các địa phương về học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Với mô hình nuôi cua kết hợp nuôi chạch, anh Lộc cũng có những sáng tạo riêng từ thiết kế ao nuôi, chế độ chăm sóc, chế biến thức ăn và phương thức thu hoạch, vận chuyển. Lãnh đạo, ND ở các địa phương khi đến tham quan, học tập và ngỏ ý làm theo đều được anh hướng dẫn tỉ mỉ và có những khuyến cáo cụ thể, xác đáng. “Tôi không giấu nghề cũng không lo bị cạnh tranh. Ai nuôi được, ở đâu không nuôi được... tôi cũng đều có ý kiến rõ ràng để tránh việc làm mô hình theo kiểu phong trào...” - anh Lộc thổ lộ.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.